“Chúng tôi sẽ không ăn mừng khi vùng đất và cuộc sống bản địa bị đánh cắp. Thay vào đó, chúng tôi sẽ tập hợp lại, cùng tôn vinh những sinh mạng đã hy sinh vì Canada”, nhóm Idle No More tuyên bố. Nhóm này đang kêu gọi các cuộc biểu tình đấu tranh cho cộng đồng người bản địa.
Khu vực phát hiện 750 ngôi mộ, phần lớn của trẻ em người bản địa. Ảnh: Getty. |
Hồi tuần trước, Thủ tướng Canada Justin Trudeau phát biểu: “Trong ngày quốc khánh (ngày 1/7) tới đây, chúng ta cần cam kết vào nỗ lực cải thiện đất nước Canada, đồng thời tôn trọng và lắng nghe những người chưa coi đây là ngày quốc khánh”.
Trên các mạng xã hội, hashtag #CancelCanadaDay (Tạm dịch: Hủy bỏ ngày Canada) đã trở nên phổ biến. Nhiều người cho rằng việc tổ chức các buổi lễ lớn và bắn pháo hoa là không phù hợp với bối cảnh hiện tại.
“Tôi không nghĩ mọi người hiểu được sự hy sinh của người bản địa. Linh hồn, phong cách sống, ngôn ngữ và gia đình của chúng tôi đều bị tước bỏ”, Sol Mamakwa, một nhà lập pháp từ Ontario kiêm thành viên của nhóm bản địa Kingfisher First Nation, cho biết.
Ông Mamakwa khuyên người dân Canada dành ngày 1/7 để tưởng nhớ hàng trăm trẻ em người bản địa. “Điều quan trọng là chúng ta phải thừa nhận lịch sử, nỗi đau và những hệ quả mà người bản địa phải gánh chịu”, ông Mamakwa nói.
Một số thành phố, như Victoria hay British Columbia, đã hủy bỏ các buổi lễ quốc khánh. Những thành phố khác vẫn giữ nguyên kế hoạch, song dự kiến một bầu không khí u ám trong ngày lễ.
Trước đó vài ngày, cơ quan dịch vụ xã hội Cowessess First Nation đã thông báo một phát hiện “kinh hoàng và gây sốc”. Cụ thể, cơ quan này tìm thấy hàng trăm ngôi mộ không tên, phần lớn là mộ trẻ em, được chôn cất trong khuôn viên một trường nội trú dành cho người da đỏ ở tỉnh Saskatchewan.
Năm 2008, chính phủ Canada từng chính thức xin lỗi về hệ thống trường nội trú dành cho người da đỏ bản địa. Tại đây, trẻ em buộc phải “hòa nhập” vào cuộc sống “văn minh”, thông qua việc cách ly khỏi gia đình và cộng đồng, không nói tiếng mẹ đẻ hay thực hiện các hoạt động văn hóa của dân tộc.
Năm 2015, một cuộc điều tra kéo dài 6 năm đã kết luận rằng hệ thống trường nội trú cho người bản địa gây ra tội ác “diệt chủng văn hóa”.
Theo đó, khoảng 150.000 học sinh theo học trường nội trú đã bị lạm dụng, cưỡng hiếp, suy dinh dưỡng. Những trẻ này phải chịu đựng nhiều hành vi tàn bạo trong giai đoạn từ những năm 1840 đến những năm 1990.
Cuộc điều tra cũng ghi nhận cái chết của hơn 4.100 trẻ em khi theo học tại hệ thống trường nội trú.