Đánh giá thị trường tài chính Việt Nam đang có cơ hội thu hút dòng vốn lớn khi hơn 6.000 tỷ USD đang được bơm vào các nền kinh tế thông qua hệ thống ngân hàng trung ương trên toàn cầu, ông Andy Ho, Trưởng bộ phận Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital mới đây đưa ra một loạt kiến nghị với thị trường chứng khoán Việt Nam.
Theo ông Andy Ho, điều các nhà đầu tư nước ngoài quan tâm trên thị trường chứng khoán là cơ hội tăng trưởng. Họ muốn thấy những doanh nghiệp lớn hơn niêm yết, việc cổ phần hóa doanh nghiệp Nhà nước được đẩy mạnh hơn. “Càng nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa, cơ hội của nhà đầu tư nước ngoài càng nhiều”, ông nói.
Theo chuyên gia của VinaCapital, thị trường chứng khoán trong nước đang chịu sự chi phối của cổ phiếu bất động sản, ngân hàng. Nhà đầu tư ngoại mong muốn thị trường đa dạng hơn với nhiều cổ phiếu tốt, thanh khoản cao, chất lượng thuộc các ngành viễn thông, điện, phân bón hay cả y tế.
Một mối quan tâm khác của nhà đầu tư nước ngoài là việc giao dịch những cổ phiếu không còn room cho khối ngoại. Hiện có 30 doanh nghiệp đã không còn room cho khối ngoại. Do đó, nếu đầu tư, họ phải mua lại từ nhà đầu tư nước ngoài khác với mức giá cao hơn giá hơn khớp lệnh trên sàn.
Ông Andy Ho cũng bày tỏ mong muốn sẽ có nhiều doanh nghiệp Nhà nước tiến hành cổ phần hóa hơn, đặc biệt là các công ty viễn thông, điện lực hoặc dầu khí. Lượng cổ phần chào bán ra ngoài thị trường có thể tăng lên 20-30% thay vì mức 3-5%.
Trưởng bộ phận đầu tư của Tập đoàn VincaCapital, ông Andy Ho. Ảnh: VOF. |
Trưởng bộ phận Đầu tư của Tập đoàn VinaCapital nhấn mạnh Việt Nam cần sớm gia nhập nhóm thị trường mới nổi. Khi đó, thị trường chứng khoán có thể tiếp cận nguồn vốn lớn gấp hàng trăm lần hiện tại khi Việt Nam vẫn còn là thị trường cận biên. Để làm được điều này, thị trường cần cơ chế thông tin minh bạch, quản trị doanh nghiệp theo chuẩn quốc tế.
Với thị trường trái phiếu, ông Andy Ho cho hay bên cạnh trái phiếu chính phủ, nhà đầu tư nước ngoài cũng muốn tiếp cận các trái phiếu doanh nghiệp có thanh khoản tốt. Hiện thị trường trái phiếu doanh nghiệp trong nước còn khó tiếp cận vì chưa niêm yết.
Để niêm yết trái phiếu doanh nghiệp, thị trường cần quy trình đánh giá xếp hạng chuẩn. Việt Nam nên mời các tổ chức đánh giá xếp hạng lớn như S&P, Fitch, Moody’s phối hợp với những định chế tài chính trong nước hoặc các ngân hàng thương mại xếp hạng trái phiếu doanh nghiệp. Nếu niêm yết và có thị trường giao dịch, trái phiếu doanh nghiệp sẽ có thanh khoản.
Ông Andy Ho khẳng định Việt Nam là một điểm đến đầu tư tiềm năng của dòng vốn gián tiếp khi mang lại lợi nhuận lớn hơn nhiều quốc gia khác cho nhà đầu tư.
Tại nhiều nước, lãi suất tiền gửi lãi suất trái phiếu ở mức âm trong khi tỷ lệ cổ tức chỉ 1-2%. Tại Việt Nam, lãi suất tiền gửi, lãi suất trái phiếu lên tới 6-7%, tỷ lệ chia cổ tức 3-4%. Thêm vào đó, môi trường chính trị, kinh doanh của Việt Nam rất ổn định, giá trị đồng nội tuệ được duy trì.
Về các chính sách vĩ mô, ông Andy Ho kỳ vọng trong 6-12 tháng tới, thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được giảm để thúc đẩy mục tiêu tăng trưởng.
Ông cũng kiến nghị giảm lãi suất tiền gửi ngân hàng so với mức lãi 6-7%/năm phổ biến hiện tại. Theo chuyên gia của VinaCapital, khi lãi suất tiền gửi tiết kiệm giảm, người dân có thể sẽ đầu tư vào những kênh khác nhiều hơn, trong đó có chứng khoán.