Hơn nửa tháng sau khi phương thức thu phí đường bộ không dừng (ETC) được triển khai đồng loạt trên cả nước, các chuyên gia cho rằng đã đến lúc để đặt câu hỏi về những hứa hẹn từ phương thức này như minh bạch doanh thu, tiết kiệm nhân lực thu phí và giảm ùn tắc.
"Ban đầu chúng ta tiến hành thu phí không dừng nhằm mục đích gì? Phải bám vào mục tiêu đó và không được phép xa rời nó", PGS.TS Võ Trí Hảo, hiệu trưởng Đại học Gia Định đồng thời là chuyên gia luật, chia sẻ với Zing.
Minh bạch doanh thu thế nào?
Trong lịch sử vận hành các tuyến đường BOT ở Việt Nam, PGS Võ Trí Hảo vẫn ấn tượng với hình ảnh nhóm người ngồi đếm xe tại BOT Ninh Lộc (năm 2019) do nghi ngờ báo cáo doanh thu của nhà đầu tư, hay trước đó là câu chuyện một nhóm phóng viên bỏ công đếm xe để chứng minh lưu lượng tại một tuyến cao tốc cao hơn thực tế (năm 2016).
Việc người dân ngồi đếm xe để kiểm tra sự minh bạch của nhà đầu tư BOT được kỳ vọng sẽ không tái diễn khi có hệ thống thu phí không dừng. Ảnh: An Bình. |
Theo ông Hảo, mục tiêu đầu tiên của việc thu phí không dừng là để tránh chuyện nhà đầu tư BOT gian lận doanh thu.
"Khi thu phí không dừng hoàn toàn, tất cả doanh thu sẽ chuyển qua một đầu mối trước khi được trả lại cho nhà đầu tư cao tốc. Các nhà cung cấp dịch vụ ETC chính là 'bộ đếm' giúp cơ quan quản lý nắm bắt được doanh thu thực sự mà không lo chủ BOT che giấu doanh thu", ông Hảo chia sẻ.
Mặc dù không nêu trường hợp cụ thể, PGS Võ Trí Hảo khẳng định chắc chắn các nhà đầu tư đường bộ có thiên hướng che giấu doanh thu thu phí. Điều này được ông đúc kết qua thời gian làm tư vấn cho các ngân hàng tín dụng trong việc ứng xử với nhà đầu tư BOT.
Theo tìm hiểu của Zing, khi triển khai thu phí không dừng trên một tuyến đường bộ, cơ chế đối soát doanh thu được thực hiện dựa vào dữ liệu thu phí mà nhà cung cấp dịch vụ lưu trữ được thông qua hệ thống Front-End lắp đặt tại trạm thu phí.
Đơn cử, khi một tuyến cao tốc lắp đặt hệ thống Front-End của VDTC, nhà cung cấp dịch vụ ETC sẽ nắm được dữ liệu của toàn bộ giao dịch thu phí ETC tại cao tốc này, thậm chí nắm được cả các giao dịch thủ công (MTC) thông qua hệ thống camera.
Trao đổi với Zing, ông Bùi Trình, Giám đốc Công ty CP Giao thông số (VDTC), cho biết dữ liệu thu phí sẽ được doanh nghiệp gửi thẳng về Tổng cục Đường bộ. Bên cạnh đó, các cục quản lý đường bộ cũng định kỳ hàng tháng đến kiểm tra, đối soát tại trạm thu phí để nắm bắt doanh thu.
"Tôi có thể khẳng định, các trạm do VDTC triển khai hệ thống Front-End cơ bản là chuẩn. 10 giao dịch là 10 giao dịch, chúng tôi cũng không can thiệp được", theo lời ông Trình.
Giảm ùn tắc giao thông
Việc giải bài toán ùn tắc giao thông cũng là điều được người dân đặc biệt quan tâm, vì nó ảnh hưởng trực tiếp đến trải nghiệm đi lại.
Thực tế những gì diễn ra trong thời gian đầu áp dụng thu phí không dừng hoàn toàn cho thấy "hiệu ứng ngược" khi các trạm thu phí trên cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây, Nội Bài - Lào Cai và Đà Nẵng - Quảng Ngãi còn tắc hơn bình thường.
Theo giải thích của cơ quan chức năng, tình trạng này xảy ra do tỷ lệ đăng ký dịch vụ ETC còn thấp và vẫn còn xác suất lỗi kỹ thuật trong quá trình vận hành hệ thống ETC.
Nhiều tài xế đã nạp đủ tiền trong tài khoản ETC nhưng khi đi qua trạm thu phí barie lại không mở do lỗi kỹ thuật. Trong ảnh là thanh barie trên cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ bị gãy, phải "băng bó" sau vô số lần xe đâm. Ảnh: Việt Linh. |
Đề cập đến việc giảm ùn tắc nhờ ETC, PGS Võ Trí Hảo đánh giá mục tiêu này khó đạt được nếu các tuyến đường vẫn duy trì trạm thu phí và thanh chắn barie.
"Ở nhiều nước đã không còn duy trì trạm thu phí. Chỉ cần lắp thiết bị quét dưới mặt đường hoặc đặt long môn trên cao, khi phương tiện đi qua thì hệ thống tự động quét và trừ tiền. Trong khi ở Việt Nam phương tiện vẫn phải giảm tốc độ khi đến trạm thu phí, thậm chí có nhiều trường hợp mất lái tông vào trạm", ông Hảo so sánh.
Chuyên gia cho rằng sau khi triển khai thành công việc thu phí ETC hoàn toàn trên cao tốc, cơ quan quản lý cần sớm thực hiện bước tiếp theo là dỡ bỏ trạm thu phí như các nước đang làm.
Đối với các trường hợp chưa đăng ký dịch vụ ETC nhưng cố tình đi vào làn cao tốc, cơ quan quản lý hoàn toàn có thể tiến hành phạt nguội tương tự việc xử lý các vi phạm giao thông qua camera.
Trên thực tế, một số tuyến cao tốc tương lai của Việt Nam như cao tốc vành đai 4 Hà Nội, vành đai 3 TP.HCM hay cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đang được nghiên cứu công nghệ thu phí theo hướng xóa bỏ trạm thu phí và barie.
Nhân lực không giảm, lượng công việc tăng
Trao đổi với Zing, bà Bùi Thị Quỳnh, Phó giám đốc Công ty Khai thác cao tốc Hà Nội - Hải Phòng (thuộc VIDIFI), cho biết tuyến đường đã trải qua hơn 2 tháng triển khai thu phí không dừng hoàn toàn (từ 1/6).
Chủ đầu tư cao tốc Hà Nội - Hải Phòng cho biết vẫn phải duy trì nhân lực tại trạm để xử lý các sự cố do lỗi của tài xế hoặc của nhà cung cấp dịch vụ ETC. Ảnh: Việt Linh. |
Đến nay, số lượng nhân viên thu phí tại các trạm của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng vẫn chưa giảm được đáng kể. Ngược lại, khối lượng công việc mà mỗi người phải gánh còn nhiều hơn vì các sự cố phát sinh liên quan đến tài khoản ETC.
"Trước đây tại trạm đầu vào ở Hà Nội có 8 nhân viên thu phí. Sau khi đóng hết các làn thu phí thủ công, chúng tôi giảm được 1-2 người. Nhưng khối lượng công việc của mỗi người lại nhiều lên vì phải xử lý sự cố", bà Quỳnh chia sẻ.
Theo bà Quỳnh, lưu lượng xe trên cao tốc Hà Nội - Hải Phòng hiện nay khoảng 45.000-50.000 xe mỗi ngày. Trong đó, vẫn có khoảng vài trăm xe chưa đăng ký dịch vụ hoặc bị trục trặc kỹ thuật.
Khi xảy ra tình huống xe gặp trục trặc tại trạm thu phí, nhân lực của VIDIFI sẽ phải kiểm tra nguyên nhân và kết nối tài xế với nhân viên của nhà cung cấp dịch vụ ETC.
Hiện nay, tại trạm thu phí cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, chỉ còn nhân viên của VETC trực xử lý sự cố. Bà Quỳnh cho biết từ sau đợt khai trương thu phí ETC hoàn toàn vào đầu tháng 6, VDTC đã rút hết nhân lực khỏi các trạm thu phí của cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.