Cục Hàng không Việt Nam vừa báo cáo Bộ GTVT phương án mở rộng sân bay Nội Bài theo đề xuất của tư vấn Pháp ADPi.
Để đáp ứng được không gian phục vụ hành khách từ nay đến khi có nhà ga T3, tư vấn cho rằng cần mở rộng thêm diện tích các nhà ga và sân đỗ máy bay hiện hữu.
Cụ thể, khu đất 29 ha phía tây sân bay sẽ xây dựng 8 vị trí đỗ máy bay code E, kết nối với sân đỗ của nhà ga quốc tế T2. Đồng thời, nâng công suất nhà ga hành khách quốc tế T2 lên 15 triệu HK/năm.
Tại khu đất 46 ha phía đông sân bay, tư vấn đề xuất 2 phương án.
Phương án 1 là xây thêm một nhà ga quốc nội công suất 15 triệu khách/năm tại khu đất phía đông. Cộng với ga T1 hiện hữu đang có công suất 15 triệu khách, tổng năng lực phục vụ khách quốc nội sẽ tăng lên 30 triệu khách/năm.
Phương án 2 là di dời nhà ga VIP sang khu đất phía đông, xây lên nhà ga công suất 10 triệu khách. Tại khu đất của nhà ga VIP cũ, xây thêm một nhà ga liên thông với sảnh E của ga T1.
Phương án 2 giúp nâng tổng công suất ga quốc nội T1 lên 20 triệu khách. Tổng năng lực phục vụ khách quốc nội vẫn đáp ứng được 30 triệu khách/năm.
Trong 2 phương án này, phương án 2 có ưu điểm là giúp nới rộng nhà ga T1, đảm bảo tính liên thông, liền mạch trong hoạt động khai thác. Tuy nhiên, nhược điểm là phải tính đến thời gian và chi phí di dời nhà ga VIP.
Nhà ga VIP là một hạng mục quan trọng, nơi tiễn các đoàn công tác cấp Nhà nước đi nước ngoài và đón các nguyên thủ quốc gia đến thăm Hà Nội. Cả nước có 22 sân bay nhưng chỉ có 3 sân bay có nhà ga VIP là Nội Bài, Đà Nẵng và Tân Sơn Nhất.
Ngoài 2 khu đất kể trên, tư vấn còn đề xuất xây mới sân đỗ và khu vực sửa chữa bảo dưỡng máy bay tại khu đất 58 ha phía đông bắc sân bay.
Cục Hàng không Việt Nam cho biết nếu triển khai sớm các đề xuất trên, sân bay Nội Bài có thể đáp ứng sản lượng khai thác khoảng 45-50 triệu khách/năm, trong khi vẫn song song triển khai các hạng mục nhà ga T3 ở phía nam theo quy hoạch hoàn chỉnh.
Hiện nay, sân bay Nội Bài có nhà ga quốc nội T1 công suất 15 triệu hành khách/năm và nhà ga quốc tế T2 công suất 10 triệu khách. Trong đó, tình trạng quá tải nhà ga quốc nội đang ngày một trầm trọng.
Theo quy hoạch, sân bay Nội Bài sẽ được đầu tư thêm nhà ga T3 kèm hệ thống đường băng, dự kiến xây dựng tại khu đất nằm đối diện đường Võ Nguyên Giáp, thuộc các xã Phú Cường, Phú Minh, Mai Đình và Phù Lỗ.
Tuy nhiên, mật độ dân cư tại khu vực này đã tăng lên nhanh chóng, cho thấy công tác giải phóng mặt bằng sẽ rất tốn kém và mất nhiều thời gian. Tư vấn ADPi ước tính sẽ mất 5-7 năm để hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, chưa tính đến thời gian thi công nhà ga.
Sân bay Nội Bài quá tải công suất thiết kế
Sản lượng bay quốc nội tại sân bay Nội Bài đang tăng trưởng ngoạn mục, tăng hơn 40% so với cao điểm Hè 2019, thời điểm đỉnh cao trước khi có dịch Covid-19.
Sân bay của Nhà nước, vì sao Hà Nội được từ chối mở đường bay?
Việc TP Hà Nội không muốn đón khách về sân bay Nội Bài khiến kế hoạch khôi phục đường bay nội địa của Cục Hàng không vấp phải nhiều khó khăn.
Sân bay Nội Bài, Tân Sơn Nhất ùn tắc vì thiếu đường băng
Hai sân bay Tân Sơn Nhất và Nội Bài hoạt động trong tình trạng thiếu một đường băng khiến ùn tắc không lưu xảy ra trong dịp nghỉ lễ.