Tới Singapore vào chiều tối 8/2, hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính là gặp gỡ cộng đồng người Việt Nam tại đây. Rất đông người Việt, từ giới học giả, doanh nhân, người lao động, sinh viên... có mặt từ sớm để chào đón đoàn công tác của Chính phủ.
Là một trong những kiều bào được mời phát biểu, GS Vũ Minh Khương (Đại học Quốc gia Singapore) chia sẻ rất nhiều doanh nghiệp và nhà lãnh đạo Singapore mong chờ chuyến thăm của Thủ tướng và phu nhân, hứa hẹn sẽ đặt những nền tảng mới cho quan hệ Việt Nam - Singapore trong nhiều năm tới.
Đề xuất 5 "chiến thắng Điện Biên Phủ"
"Chuyến thăm đánh dấu mốc quan trọng trong 50 năm quan hệ ngoại giao 2 nước và 10 năm hợp tác chiến lược. Đây có thể sẽ là chuyến thăm tạo nền tảng cho quan hệ 10 năm, thậm chí là 50 năm tới", GS Vũ Minh Khương mở đầu bài chia sẻ trước Thủ tướng.
Theo ông, Việt Nam đang là nền kinh tế có quy mô 400 tỷ USD, nhưng dự báo sẽ nhanh chóng tăng lên mức 1.600 tỷ USD trong khoảng chưa đầy 30 năm tới. Trong khi đó, Singapore cũng đang trong các bước ngoặt về kinh tế, công nghệ, hệ sinh thái. Hợp tác Việt Nam và Singapore có thể là những mô hình hợp tác hình mẫu, gắn bó với nhau với niềm tin chiến lược để giải quyết các bài toán của tương lai.
GS Vũ Minh Khương. Ảnh: XD. |
Trong những năm tới, để hướng đến một nước phát triển vào năm 2045, GS Vũ Minh Khương đề xuất với Thủ tướng đạt được những đột phá trong 5 vấn đề, cái mà ông ví như những "Chiến thắng Điện Biên Phủ" trong tương lai.
Thứ nhất, GS Vũ Minh Khương đề xuất xây dựng bộ máy công quyền ưu tú - điều mà Singapore là bài học rất hay. Song song với đó là tái cấu trúc lại bộ máy, sao cho phân chia rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, không chồng chéo. Các nhiệm vụ giao cho cơ quan nào cũng cần phải có báo cáo hàng năm để công khai với người dân.
Thứ hai, ông nhấn mạnh Việt Nam cần đẩy mạnh vấn đề cải cách doanh nghiệp Nhà nước. Đây là khu vực tiềm năng, sở hữu những giá trị rất lớn với khoảng 450 tỷ USD vốn kinh doanh và 750 tỷ USD vốn cố định. Nếu như khối này quản trị yếu, lợi nhuận thấp, công nghệ kém, năng suất thấp sẽ bỏ phí rất nhiều nguồn lực. Theo nghiên cứu của ông, khối này có thể đóng góp 0,5-1% vào GDP nếu cải cách hiệu quả.
Thứ ba, GS Vũ Minh Khương mong muốn chính phủ quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và TP.HCM. Ông lấy ví dụ như một quốc gia không có tàu điện ngầm là Bangladesh đang rất chú trọng đầu tư và thậm chí đã vượt Việt Nam. Ông mong muốn từ nay đến năm 2030, Việt Nam nên có các dự án mới, xây dựng ít nhất bằng số mà Bangladesh đang đầu tư là khoảng 130-150 km đường sắt đô thị. Điều này sẽ đóng góp rất lớn vào việc tăng năng suất lao động, giảm ùn tắc giao thông.
Thứ tư và thứ năm, GS Vũ Minh Khương kỳ vọng Việt Nam và Singapore đẩy nhanh và triển khai hiệu quả các hiệp định về kinh tế xanh và kinh tế số.
Chuyến thăm lần này của Thủ tướng có thể giúp thúc đẩy sự cộng hưởng giữa Việt Nam và Singapore cùng giải quyết bài toán cho toàn thế giới, theo giáo sư của NUS.
Thúc đẩy quan hệ 2 nước
Phát biểu với kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ năm 2022, quy mô GDP của Việt Nam đã đạt 409 tỷ USD, gấp rất nhiều lần so với quy mô 4 tỷ USD hơn 30 năm. Thu nhập bình quân đầu người đã tăng từ 100 USD lên hơn 4.000 USD, trong khi dân số là hơn 100 triệu dân.
Việt Nam đã chống dịch thành công, mở cửa hoàn toàn với thế giới vào cuối năm 2021. Năm 2022, đất nước tập trung phát triển và phục hồi nền kinh tế, chuyển sang trạng thái chống dịch bằng biện pháp khoa học, thích ứng an toàn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính gặp gỡ kiều bào ở Singapore. Ảnh: NB. |
Năm qua, nền kinh tế tăng trưởng tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, kiểm soát lạm phát, các cân đối lớn của nền kinh tế đảm bảo. Thu ngân sách năm ngoái đã vượt dự toán 400.000 tỷ đồng. Xuất nhập khẩu vượt 700 tỷ USD, xuất siêu 11,2 tỷ USD, riêng hàng nông sản xuất được 53 tỷ USD.
Năm qua, chính phủ cũng tập trung xử lý và lành mạnh hóa, minh bạch hóa một số thị trường. Ông nhấn mạnh nền kinh tế đã vượt qua những thời điểm rất khó khăn.
"Bài học rút ra là không lạc quan khi có thuận lợi, nhưng cũng không bi quan khi có khó khăn, mà phải luôn luôn bản lĩnh. Năm 2023, Chính phủ đề ra sự đoàn kết, kỷ cương, đổi mới sáng tạo, bản lĩnh, linh hoạt", ông chia sẻ.
Thủ tướng cũng cho biết năm 2023 còn rất nhiều thách thức phía trước. Cạnh tranh thế giới vẫn diễn ra, tăng trưởng toàn cầu đang chậm lại, lạm phát dự báo sẽ còn khó khăn, khủng hoảng năng lượng, khủng hoảng chống biến đổi khí hậu đang diễn ra phức tạp.
Trong nước, Việt Nam vừa phải phục hồi nền kinh tế, vừa đối phó với khó khăn nội tại của nền kinh tế.
Ông đánh giá cao những sáng kiến và đóng góp của cộng đồng người Việt Nam ở Singapore. Thủ tướng mong cộng đồng luôn tích cực đóng góp cho đất nước sở tại, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, thúc đẩy quan hệ ngoại giao 2 nước.
Sách hay về Đông Nam Á
Để giúp độc giả hiểu thêm về Đông Nam Á, Zing giới thiệu ba cuốn sách của Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia về chủ đề này: “Cạnh tranh Trung - Ấn tại Đông Nam Á”, “Gắn kết và chủ động thích ứng: Tầm nhìn và triển vọng của ASEAN sau năm 2025” và “Đông Nam Á học - Một số vấn đề về ngôn ngữ và văn hóa”.
> Độc giả có thể xem thêm tại đây.