Nhiều đề xuất mới đáng lưu ý được Bộ Y tế đề cập trong giai đoạn diễn biến mới của dịch Covid-19.
Cơ quan này cho biết hiện nay, 63 tỉnh, thành phố đã triển khai đánh giá và công bố cấp độ dịch, được công bố trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch linh hoạt, phù hợp.
Số ca nhiễm không phản ánh đúng bản chất tình hình dịch
Bộ Y tế xin ý kiến Ban Chỉ đạo Quốc gia về việc cho phép tạm dừng thông báo số nhiễm SARS-CoV-2. Lý giải cho đề xuất này, Bộ Y tế cho rằng để tránh gây hoang mang vì số ca nhiễm chỉ là 1 trong 8 chỉ số để đánh giá cấp độ dịch, chưa phản ánh đúng bản chất tình hình dịch bệnh.
Trả lời Zing tại cuộc họp báo Chính phủ hôm 3/3 về ý nghĩa và tính cần thiết của việc công bố số ca nhiễm mỗi ngày, Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên cho biết trải qua 4 đợt dịch, Việt Nam đã chuyển từ nguyên tắc “phát hiện, ngăn chặn, cách ly, khoanh vùng, dập dịch và điều trị hiệu quả” sang thích ứng an toàn, linh hoạt và hiệu quả.
Đường phố Hà Nội vắng vẻ những ngày F0 tăng cao. Ảnh: Nhật Sinh. |
Song, theo Thứ trưởng Bộ Y tế, trước diễn biến tình hình chủng Omicron, việc thống kê số F0 vẫn phải làm bình thường để phục vụ cho công tác dự báo, dự đoán, nghiên cứu, từ đó đưa ra các biện pháp phòng chống dịch cũng như biện pháp phát triển kinh tế.
Là một chuyên gia dịch tễ, PGS Trần Đắc Phu (nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế) cho rằng dù không thể thống kê chính xác tuyệt đối số ca nhiễm mỗi ngày, cần bằng các biện pháp giám sát và dự báo để suy ra số liệu thực tế. “Vẫn cần thống kê báo cáo số ca nhiễm trong hệ thống y tế để từ đó đánh giá chiều hướng diễn biến của dịch và đưa ra giải pháp đáp ứng phù hợp”, ông Phu nêu quan điểm.
Từ góc độ quan sát chính sách, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) lại cho rằng thống kê số ca mắc Covid-19 trong bối cảnh rất nhiều người bị nhiễm và tự khỏi hoặc biết mình bị nhiễm nhưng không khai báo như hiện nay là ít có ý nghĩa và cũng khó chính xác.
“Đáng nói, việc này lại có thể gây sức ép rất lớn cho việc mở cửa trở lại đời sống kinh tế - xã hội”, TS Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh.
Đề xuất cho F0 đến nơi làm việc bằng xe cá nhân
Về việc điều tra các trường hợp tiếp xúc gần với F0 để xác định F1, Bộ Y tế nhận định trong thời gian này vẫn cần xác định những người có tiếp xúc ca bệnh để bảo vệ người có nguy cơ cao, người làm việc trong các lĩnh vực thiết yếu, đồng thời làm chậm quá trình lây nhiễm để giảm nguy cơ quá tải bệnh viện.
Đề xuất phương án đi làm cho trường hợp F0, F1 đang trong thời gian cách ly, Bộ Y tế kiến nghị với F0 không có triệu chứng trong thời gian cách ly, các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh.
Với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phải thực hiện nghiêm biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
F0 trong trường hợp này được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Với F1 chưa tiêm đủ liều vaccine, Bộ Y tế đề xuất cho phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương thông qua hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo phương án đề xuất, những người này được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Trong quá trình di chuyển, họ không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Ngoài ra, các F1 này cần thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp rRT-PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe. Việc này nhằm phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid-19 theo quy định.
Bộ Y tế cho biết trong tháng qua, số ca nhiễm mới có xu hướng gia tăng nhanh tại hầu hết tỉnh, thành. Trung bình mỗi ngày cả nước ghi nhận từ 50.000 đến 75.000 ca nhiễm mới; ngày cao nhất 125.000 ca. Một trong những nguyên nhân là biến thể Omicron lây lan nhanh, phổ biến ở các địa phương, nhất là tại Hà Nội và TP.HCM. Biến thể Omicron đang dần thay thế chủng Delta.
Tuy nhiên, tỷ lệ bao phủ vaccine trên toàn quốc cao và nhóm nguy cơ cao được chăm sóc, nên tỷ lệ tử vong giảm sâu. Cụ thể, tỷ lệ chết/số ca mắc 30 ngày qua là 0,2%, giảm so với tháng trước (1%); ngày 1/2 là 0,9% và ngày 3/3 là 0,1%. So với tháng trước, số ca cộng đồng cả nước tăng 198% nhưng ca tử vong giảm 47%, số ca đang điều trị tại bệnh viện giảm 24%, số ca nặng, nguy kịch giảm 43%.