Nội dung này được đề cập trong cuộc họp về Phương án phân vùng giai đoạn 2021-2030 để triển khai thực hiện Luật Quy hoạch ngày 4/6, do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng chủ trì.
Cuộc họp đã nghe nhiều ý kiến của đại diện các bộ, ngành trung ương, các chuyên gia quy hoạch, nhà khoa học ở nhiều lĩnh vực kinh tế - văn hoá - xã hội.
2 phương án phân vùng
Hiện nay, nước ta được phân thành 6 vùng kinh tế - xã hội gồm vùng Trung du và Miền núi phía Bắc (14 tỉnh); vùng Đồng bằng sông Hồng (11 tỉnh, thành phố); vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền Trung (14 tỉnh, thành phố); vùng Tây Nguyên (5 tỉnh); vùng Đông Nam Bộ (6 tỉnh, thành phố) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh thành phố).
Triển khai Luật Quy hoạch, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã chủ động nghiên cứu, xây dựng bộ tiêu chí và đề xuất các phương án phân vùng giai đoạn 2021 - 2030, đồng thời trình Chính phủ 2 phương án phân vùng.
Phương án 1 được 1 bộ và 4 địa phương đồng thuận. |
Phương án 1 là giữ nguyên 2 vùng Đồng bằng sông Hồng và Đồng bằng sông Cửu Long; tách vùng Trung du và miền núi phía Bắc hiện tại thành vùng Đông Bắc và Tây Bắc; tách vùng Duyên hải miền Trung hiện tại thành Bắc Trung Bộ và Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế đưa vào vùng Nam Trung Bộ); đưa tỉnh Bình Thuận sang vùng Đông Nam Bộ và gộp 4 tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông) vào vùng Nam Trung Bộ. Vùng Đông Nam Bộ mới được hình thành trên cơ sở vùng Đông Nam Bộ hiện nay và bổ sung thêm 2 tỉnh (Lâm Đồng và Bình Thuận).
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, phương án này được 1 bộ và 4 địa phương đồng thuận.
Trong khi đó, phương án 2 được đa số các bộ, ngành địa phương đồng thuận. Tính đến 4/6, phương án này được 10/14 Bộ ngành và 49/59 địa phương chọn. Đây là phương án do Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng đề xuất và chỉ đạo nghiên cứu, hoàn thiện.
Theo phương án này, sẽ tách vùng Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung thành 2 vùng: vùng Bắc Trung Bộ và vùng Nam Trung Bộ (tỉnh Thừa Thiên - Huế ở vùng Bắc Trung bộ); mở rộng vùng Đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên, Bắc Giang để trở thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ.
Với phương án phân vùng này, vùng Miền núi phía Bắc gồm 10 tỉnh; vùng đồng bằng và Trung du Bắc Bộ gồm 15 tỉnh, mở rộng thêm 4 tỉnh: Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang; vùng Bắc Trung Bộ gồm 5 tỉnh từ Thanh Hóa đến Thừa Thiên - Huế; vùng Nam Trung Bộ gồm 8 tỉnh từ Đà Nẵng đến Bình Thuận; Các vùng Tây nguyên (5 tỉnh), Đông Nam Bộ (6 tỉnh thành) và vùng Đồng bằng sông Cửu Long (13 tỉnh thành) vẫn giữ nguyên như hiện nay.
Tính đến 4/6, phương án này được 10/14 Bộ ngành và 49/59 địa phương chọn. |
Phương án 2 được đánh giá có tính ổn định cao và ít gây xáo trộn về vùng. Đồng thời, mở rộng không gian phát triển mới cho vùng Đồng bằng sông Hồng, hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ, tạo điều kiện cho một số tỉnh trước đây thuộc vùng Trung du và Miền núi phía Bắc có điều kiện phát triển nhanh hơn.
Phương án này cũng đưa ra việc mở rộng vùng đồng bằng sông Hồng thêm các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang để hình thành vùng Đồng bằng và Trung du Bắc Bộ do đây là các tỉnh có điều kiện tự nhiên và xã hội rất thuận lợi để tăng tốc phát triển, có sự gắn kết hữu cơ, hai chiều với thủ đô Hà Nội và các địa phương vùng Đồng bằng sông Hồng.
Phải có cơ chế quản lý, liên kết vùng hiệu quả
“Trước hết phải đặt câu hỏi phân vùng để làm gì?”, GS.TS Nguyễn Quang Thái, Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hội khoa học kinh tế Việt Nam, nói.
Theo ông, trước đây chúng ta đã có nhiều quy hoạch, nhưng vấn đề phát triển vùng, liên kết vùng còn nhiều hạn chế. Vấn đề cần đặt ra là cần thể chế về chính sách, pháp luật để quy hoạch gắn kết các tỉnh thành, gắn kết nguồn lực. Nếu không phân vùng, quy hoạch chỉ là sự cộng dồn của các địa phương.
"Nhân quy hoạch về phân vùng này thì cần kiến nghị thêm về cơ chế điều hành, điều tiết trong các vùng. Đây là điểm yếu nhất từ quy hoạch đến thực tiễn", ông Thái nhấn mạnh.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia. Ảnh: VGP. |
PGS.TS Trần Trọng Hanh, nguyên Hiệu trưởng trường đại học Kiến trúc Hà Nội, cũng cho rằng chúng ta thiếu 3 vấn đề về thể chế rất lớn là: cơ quan điều phối vùng, chính sách tài khóa vùng, chính sách liên kết vùng.
Từ đó, ông kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nghiên cứu phân vùng kỹ càng hơn, có căn cứ khoa học, tính tối ưu; nghiên cứu các thể chế phát triển vùng; thành lập hội đồng vùng, có chính sách tài khóa vùng, liên kết vùng giữa Nhà nước, thị trường và dân sự.
Tiến sỹ Đào Ngọc Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở Quy hoạch kiến trúc Hà Nội cho rằng, bên cạnh việc phân định các vùng, cần tạo các vùng kinh tế trọng điểm, vùng đặc thù để tạo ra động lực cho phát triển. Ông kiến nghị vùng Thủ đô và vùng TP.HCM là 2 vùng đặc thù.
Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh quy hoạch vùng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong hệ thống quy hoạch quốc gia, là quy hoạch có tính tích hợp đa ngành, nhằm đưa ra phương hướng phát triển tổng thể, đồng bộ của toàn vùng.
Theo Phó thủ tướng, phân vùng phải tính đến sự tương đồng về yếu tố địa lý, tự nhiên, kinh tế - xã hội, văn hóa, dân tộc...; phát huy tiềm năng lợi thế của vùng, các địa phương để phát triển kinh tế - xã hội; đồng thời ứng phó với các thách thức; phát huy sự gắn kết trong nội vùng; ngoài các vùng kinh tế còn cần các vùng đặc thù để tạo động lực phát triển.
Ông đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp các ý kiến tại cuộc họp để hoàn thiện báo cáo trình Chính phủ quyết định về phương án phân vùng ngay trong tháng 6/2020.