Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là dự án quan trọng quốc gia

Theo Sở GTVT, việc đẩy nhanh tiến độ cao tốc TP.HCM - Mộc Bài rất cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường vành đai 3 và vành đai 4, góp phần phát triển kinh tế.

Quốc lộ 22 kết nối Hóc Môn, Củ Chi và hiện là tuyến đường bộ duy nhất nối TP.HCM với cửa khẩu Mộc Bài. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sở Giao thông Vận tải vừa có công văn khẩn gửi UBND TP.HCM về đề xuất, kiến nghị bổ sung dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài vào danh mục dự án quan trọng quốc gia.

Sở GTVT TP.HCM nhận định việc này là cần thiết nhằm tranh thủ được sự ủng hộ về nguồn ngân sách Trung ương, đồng thời góp phần sớm hoàn thiện hồ sơ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, trình Thủ tướng quyết định chủ trương đầu tư dự án, đẩy nhanh tiến độ.

Ngày 17/3, UBND TP.HCM đề nghị Bộ Kế hoạch - Đầu tư xem xét, báo cáo Thủ tướng chấp thuận đầu tư dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài theo phương án 1 khi đầu tư giai đoạn 1 với quy mô 4 làn xe, giải phóng mặt bằng một lần với quy mô 6 làn xe toàn tuyến.

Khái toán tổng mức đầu tư là hơn 20.800 tỷ đồng. Trong đó, phần vốn Nhà nước hơn 9.900 tỷ đồng, phần vốn do nhà đầu tư BOT huy động hơn 10.900 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, thành phố cũng kiến nghị Thủ tướng xem xét chấp thuận hỗ trợ TP.HCM và tỉnh Tây Ninh 29% tổng phần vốn Nhà nước tham dự (tương ứng 2.900 tỷ đồng) từ nguồn ngân sách Trung ương để hai địa phương phân bổ cho công tác giải phóng mặt bằng. Trong đó, phần vốn hỗ trợ cho tỉnh Tây Ninh là 1.532 tỷ đồng và TP.HCM là 1.368 tỷ đồng.

Về tiến độ dự án, UBND TP.HCM dự kiến trình Thủ tướng phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong quý II/2023, dự kiến khởi công năm 2024 và phấn đấu cơ bản hoàn thành trong năm 2027.

TP.HCM - Moc Bai anh 1

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài đưa vào khai thác sẽ giảm áp lực giao thông trên quốc lộ 22 đang quá tải. Ảnh: Quỳnh Danh.

Cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có điểm đầu từ đường vành đai 3 TP.HCM, kết nối vành đai 3 với đường vành đai 4. Sở GTVT nhận định việc đẩy nhanh tiến độ đầu tư cao tốc TP.HCM - Mộc Bài là rất cần thiết để đồng bộ với tiến độ khai thác đường vành đai 3 và vành đai 4, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.

Sau khi hoàn thành, cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chức năng tăng cường kết nối vùng Đông Nam Bộ, vùng kinh tế trọng điểm phía nam với hành lang kinh tế Đông - Tây. Đây cũng là tuyến giao thông đường bộ ngắn nhất kết nối TP.HCM với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài. Tuyến cao tốc cũng phục vụ phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị Mộc Bài - TP.HCM - cảng Cái Mép - Thị Vải, gắn với hành lang kinh tế xuyên Á.

Thủ tướng giao UBND TP.HCM là cơ quan có thẩm quyền triển khai dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài. Trong đó, chiều dài toàn tuyến cao tốc khoảng 50 km (đoạn trên địa bàn TP.HCM dài 23,7 km và trên tỉnh Tây Ninh dài 26,3 km).

Việc quy hoạch tuyến đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài về phía bắc của quốc lộ 22 để đáp ứng kết nối hài hòa và đồng bộ với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia). Bất cứ một trường hợp thay đổi nào về thông tin cơ bản (bao gồm bề rộng đường, mặt cắt ngang và tốc độ thiết kế) của tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài, phía Việt Nam sẽ thông báo bằng văn bản chính thức cho Campuchia để trao đổi và thảo luận các vấn đề liên quan đến điểm kết nối của tuyến cao tốc Phnom Penh - TP.HCM.

Khớp nối 2 tuyến cao tốc tại biên giới Việt Nam - Campuchia

Dự án cao tốc TP.HCM - Mộc Bài sẽ thông với tuyến cao tốc Phnom Penh - Bavet (Campuchia). Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM nghiên cứu điểm khớp nối của 2 tuyến đường này.

Kiến nghị điều chỉnh hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Từ ý kiến của Bộ Quốc phòng, UBND TP.HCM đề nghị nghiên cứu điều chỉnh hướng tuyến cao tốc TP.HCM - Mộc Bài để không ảnh hưởng đến đất quốc phòng, doanh trại đóng quân.

Vân Trang

Bạn có thể quan tâm