Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất cấm sử dụng chất tạo nạc Cysteamine trong chăn nuôi

Nhiều ý kiến đề nghị cấm sử dụng chất Cysteamine trong chăn nuôi. Chất này có tác dụng tăng trọng, tỷ lệ nạc cao như Salbutamol.

Sáng 14/10, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết việc khống chế được nguồn cung cấp Salbutamol nên các cơ sở chăn nuôi chuyển sang dùng chất Cysteamine thay thế để tăng trọng, tạo nạc khá phổ biến.

Theo Thanh tra Bộ Nông nghiệp, chất Cysteamine được nhập lậu từ Thái Lan, Trung Quốc, có tác dụng tăng trọng, tỷ lệ nạc cao như Salbutamol. Thanh tra Bộ Nông nghiệp cho rằng nếu không cấm cũng như không cho phép sử dụng chất Cysteamine thì rất khó quản lý.

Ông Nguyễn Văn Việt, Chánh thanh tra Bộ Nông nghiệp, nhận định việc sử dụng Cysteamine tương đối phổ biến từ Bắc vào Nam.

Thanh tra Nông nghiệp lấy dẫn chứng từ tháng 8 đến nay, lực lượng chức năng liên tục phát hiện ra các doanh nghiệp chế biến thức ăn chăn nuôi và cả người chăn nuôi sử dụng Cysteamine.

Cụ thể, ngày 5/8, Thanh tra Bộ Nông nghiệp phối hợp với A86 (Bộ Công an) phát hiện Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (ở 39 Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM) đã nhập 2 loại sản phẩm dinh dưỡng bổ sung là Maxsure và Synergrown từ Thái Lan.

Su dung chat Cysteamine trong chan nuoi anh 1
Lực lượng chức năng phát hiện doanh nghiệp trộn chất cấm vào thức ăn chăn nuôi ở Hải Dương. Ảnh: Thắng Quang.

Công ty này đã bán cho các đại lý, các cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi và các trang trại lợn khu vực miền Bắc và miền Nam (bao bì không ghi thành phần Cysteamine) nhưng khi kiểm tra phát hiện hàm lượng Cysteamine là 29.898 mg/kg và 30.645 mg/kg. Thanh tra Bộ Nông nghiệp đã xử phạt công ty trên số tiền 180 triệu đồng.

Lực lượng chức năng cũng phát hiện việc sử dụng Cysteamine tại các tỉnh Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Sơn La. Ông Nguyễn Văn Việt cho rằng Bộ Nông nghiệp phải thể hiện rõ quan điểm cấm hay là cho phép?

“Những nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi nhỏ, không có nhiều uy tín sử dụng chất Cysteamine và bán rất chạy, không có cám để mà bán. Viêc này tạo ra bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp với nhau.

Chúng ta không cấm mà cứ để lưỡng tính như vậy, tôi khẳng định sẽ có rất nhiều những doanh nghiệp sử dụng chất này bởi vì chế tài xử phạt tương đối nhẹ (15-20 triệu đồng)” ông Việt nói.

Theo ông Việt, việc cấm sử dụng chất Cysteamine sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Việt Nam hơn, nhất là có thể lấy tiếng sản xuất sạch, an toàn để thúc đẩy xuất khẩu thịt lợn sang thị trường Trung Quốc.

Đồng quan điểm này, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó cục trưởng Cục Thú y, cho biết Cục Thú y không cho phép nhập Cysteamine.

Tuy nhiên, Cục Chăn nuôi đề xuất chưa đưa chất Cysteamine vào danh mục các chất cấm sử dụng, đồng thời cũng chưa cho phép sử dụng trong thức ăn chăn nuôi để chờ thêm bằng chứng khoa học rõ ràng về tác hại của Cysteamine đối với sức khỏe vật nuôi và con người.

Được biết, Bộ Nông nghiệp đang giao Cục Chăn nuôi tổng hợp ý kiến về quản lý chất Cysteamine báo cáo gửi về bộ; Thanh tra tăng cường xử lý vi phạm kinh doanh, sử dụng chất này.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Vũ Văn Tám cho rằng trước hết, lực lượng chức năng phải khuyến cáo người dân không nên sử dụng Cysteamine vì nền chăn nuôi sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm chứ không phải vì lợi ích của một nhóm người.

Phạt hàng chục doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, chất cấm

Qua thanh kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện nhiều công ty sản xuất phân bón giả, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi. Thanh tra phạt hơn 50 công ty, số tiền hơn 3,8 tỷ.

 



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm