Sáng 11/9, Thanh tra Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết trong 8 tháng đầu năm 2016, qua thanh tra đột xuất và kiểm tra chuyên ngành, cơ quan này đã phát hiện nhiều hành vi vi phạm trong sản xuất phân bón, sản xuất thức ăn chăn nuôi... Lực lượng chức năng lập biên bản vi phạm hành chính đối với 50 công ty, xử phạt số tiền hơn 3,8 tỷ đồng.
Ngoài ra, Thanh tra Bộ Nông nghiệp đã đề nghị Tổng cục Thủy sản, Cục Thú y rút giấy phép, đình chỉ hoạt động nhập khẩu, kinh doanh nguyên liệu kháng sinh đối với 7 công ty, đóng cửa 2 công ty sản xuất phân bón. 13 doanh nghiệp sản xuất phân bón giả, sử dụng chất cấm trong thức ăn chăn nuôi cũng bị Thanh tra Bộ Nông nghiệp bêu tên.
Đáng chú ý, ngày 5/9,Thanh tra Bộ Nông nghiệp ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH BaSa Vina (ở phường Bình Trị Đông, quận Bình Tân, TP HCM) 110 triệu đồng vì có hành vi sản xuất các sản phẩm ngoài danh mục thuốc thú y thủy sản, thức ăn thủy sản bổ sung; chất xử lý, cải tạo môi trường nuôi trồng thủy sản được phép lưu hành tại Việt Nam
Trước đó, 24/8, Thanh tra Bô Nông nghiệp ban hành quyết định xử phạt hành chính đối với Công ty TNHH MTV Công nghệ đổi mới (ở đường Trần Quốc Hoàn, phường 4, quận Tân Bình, TP HCM) 197 triệu đồng vì có hành vi nhập khẩu 2 loại thức ăn chăn nuôi bổ sung MaxSure và Synergrow trong thành phần có chứa chất Cysteamine.
7 tấn thức ăn chăn nuôi chứa chất bị Cảnh sát thu giữ tại Quảng Ninh vào tháng 1/2016. Ảnh: N.C. |
Đây là chất không được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép nhập khẩu và kinh doanh. Doanh nghiệp này cũng kinh doanh 2 loại sản phẩm Colistin 40%, Colistin 10% là các sản phẩm không có đủ nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn mác, bao bì.
Lãnh đạo Thanh tra Bộ Nông nghiệp cho biết, Cysteamine là một tiền chất hoóc môn có tác dụng kích thích sinh trưởng và tạo nạc đối với vật nuôi. Chất này đã bị Liên minh châu Âu cấm sử dụng trong chăn nuôi; Trung Quốc, Philippines, Thái Lan không cấm.
Việt Nam liệt vào hóa chất hạn chế sử dụng (theo Luật Hóa chất). Bộ Nông nghiệp cũng không cho nhập, kinh doanh và sử dụng hoạt chất này trong chăn nuôi.
Liên quan đến chất cấm trong thức ăn chăn nuôi, ngày 25/3, Cục Chăn nuôi có Công văn gửi các Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn các tỉnh, thành về việc tăng cường kiểm tra chất cấm và kháng sinh trong chăn nuôi, trong đó có chất Salbutamol, chất vàng ô và Cysteamine.