Theo Reuters, thay đổi này có thể lần đầu tiên cho phép Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phản công các mục tiêu trên đất liền.
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản từ lâu luôn hướng tới việc ngăn chặn những đối thủ trên không và trên biển. Sự thay đổi chính sách nói trên sẽ định hướng cho lực lượng này nhắm mục tiêu vào các địa điểm trên đất liền - một nhiệm vụ đòi hỏi những vũ khí tầm xa như tên lửa hành trình.
Nếu được thông qua, chính sách này sẽ đánh dấu một trong những thay đổi quan trọng nhất trong lập trường quân sự của Nhật Bản kể từ Thế chiến II.
Tàu khu trục Kurama dẫn đầu hạm đội của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản (JMSDF) trong sự kiện ở vịnh Sagami, ngoài khơi Yokosuka, phía nam thủ đô Tokyo ngày 18/10/2015. Ảnh: Reuters. |
Đề xuất phản ánh nỗ lực lâu dài của ông Abe - người giờ đây đã trở thành cựu thủ tướng - về quân sự và mối quan tâm sâu sắc của Tokyo đối với ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực.
Chính phủ Nhật Bản hiện rất lo ngại trước sự gia tăng hoạt động quân sự của Trung Quốc xung quanh các đảo ở biển Hoa Đông.
“Trung Quốc là lý do chính cho hành động của chúng tôi”, Masahisa Sato, một nhà lập pháp từ đảng Dân chủ Tự do cầm quyền (LDP) cầm quyền, nói với Reuters.
Nỗ lực sửa đổi hiến pháp bất thành
Vào tháng 6, ông Abe đã chỉ thị các nhà hoạch định chính sách quốc phòng cấp cao đưa ra các đề xuất của đảng LDP cho Lực lượng Phòng vệ Nhật, bao gồm kế hoạch cho phép phản công các mục tiêu trên đất liền.
Theo quyền Tổng thư ký LDP Tomomi Inada, đề xuất đó sẽ trở thành chính sách của chính phủ nếu nó nằm trong chiến lược quốc phòng sửa đổi.
Bà Inada trả lời Reuters: “Đảng LDP sẽ không phản đối chính sách dưới thời thủ tướng mới".
Ông Abe tham dự lễ duyệt binh của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản. Ảnh: Getty. |
Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản có thể sử dụng tên lửa tầm xa để nhắm vào các mục tiêu trên biển. Những hành động như vậy được coi là hợp pháp vì giúp ngăn chặn các mối đe dọa với Nhật Bản.
Theo cựu Bộ trưởng Quốc phòng Itsunori Onodera, đề xuất tấn công trên đất liền cũng được đưa ra với lý do tương tự.
Trong 8 năm cầm quyền của mình, ông Abe vẫn chưa đạt được mục tiêu sửa đổi điều 9 của hiến pháp thời hậu chiến, trao vai trò chính thức cho quân đội Nhật Bản.
Vì vậy trong những nỗ lực cuối cùng trước khi từ chức, Thủ tướng Abe đã triệu tập Hội đồng An ninh Quốc gia Nhật Bản hôm 4/9 và tuyên bố sẽ xây dựng một chiến lược an ninh quốc gia mới vào cuối năm nay.
“Lý do của đề xuất được đặt ra là liệu việc ngăn chặn các cuộc tấn công có đủ để bảo vệ hòa bình và cuộc sống của người dân hay không”, Reuters dẫn tuyên bố của hội đồng.
Katsutoshi Kawano, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản, cho biết Tokyo có thể sẽ đầu tư vào tên lửa hành trình BGM-109 Tomahawk của Mỹ cho kế hoạch tấn công trên đất liền. Tên lửa Tomahawks có thể bắn trúng mục tiêu cách 2.500 km.
Tên lửa Tomahawks có thể bắn trúng mục tiêu cách 2.500 km. Ảnh: Wikipedia. |
Còn nhiều quan ngại
Để thực hiện đề xuất của ông Abe, chính phủ kế nhiệm sẽ cần hoàn thành kế hoạch “mua sắm” vũ khí cũng như chiến lược quốc phòng sửa đổi mà Hội đồng An ninh Quốc gia đã hứa vào cuối tháng 12, trước khi Bộ Quốc phòng đệ trình yêu cầu ngân sách hàng năm của mình.
“Điều đó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang và gia tăng căng thẳng trong khu vực. Sẽ có nhiều khó khăn về mặt kỹ thuật và kinh phí đầu tư là rất lớn. Đây là điều cần phải suy nghĩ nghiêm túc dưới thời thủ tướng mới”, Natsuo Yamaguchi - lãnh đạo đảng Công minh, đối tác của LDP trong liên minh cầm quyền ở quốc hội Nhật Bản - cho biết trong một cuộc phỏng vấn.
Thậm chí, một số nhân vật “diều hâu” của đảng LDP như cựu Bộ trưởng Quốc phòng Shigeru Ishiba - từng là đối thủ của ông Yoshihide Suga trong cuộc chạy đua vào chức thủ tướng - đang xem xét mặt trái tiềm ẩn của việc mua tên lửa hành trình tầm xa.
"Chuyện gì xảy ra nếu Mỹ yêu cầu Nhật hãy khai hỏa, mà chúng ta không muốn?", ông nói.