Trong văn bản gửi Thủ tướng, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV) cho biết sau gần 2 tháng kể từ khi mở cửa cho du khách quốc tế đến Việt Nam, các doanh nghiệp nhận thấy còn nhiều khó khăn cả khách quan và chủ quan bao gồm một số rào cản trong quy trình, quy định và khâu tổ chức thực thi.
Một trong số nguyên nhân chủ quan khiến du khách không lựa chọn đến Việt Nam là các quy định về y tế đối với khách quốc tế chưa theo kịp tình hình, chưa thuận lợi cho du khách và không chứng minh được rõ ràng giá trị đối với mục tiêu đảm bảo an toàn phòng chống dịch.
Theo Ban IV, du khách trong nước không phải áp dụng những quy định khi đi lại, di chuyển như xét nghiệm Covid-19 trước khi lên máy bay, bảo hiểm du lịch... nhưng du khách quốc tế phải thực hiện các quy định này.
Đồng thời, chính sách thị thực nói chung chưa thực sự được vận hành như trước khi xảy ra đại dịch. Ưu đãi về việc miễn thị thực chưa đáp ứng được các xu hướng du lịch sau dịch, chưa cạnh tranh được với các nước trong khu vực.
Bên cạnh đó, Ban IV cho rằng các vấn đề như thị thực nhận tại cửa khẩu vẫn cần phải có giấy chấp thuận visa, cần nhiều giấy tờ thủ tục phức tạp hơn so với trước thời điểm Covid-19... Các quy định này khiến du khách nhập cảnh vào Việt Nam gặp nhiều khó khăn không đáng có.
Việc yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh có thể khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Ảnh: Thư Trần. |
Do đó, cơ quan này đề xuất bãi bỏ quy định xét nghiệm trước khi xuất cảnh hoặc khi nhập cảnh vào Việt Nam; chỉ cần xét nghiệm nhanh tại cửa khẩu nếu khách có các triệu chứng như sốt, ho...
"Các yêu cầu với khách du lịch quốc tế đến Việt Nam không nên thể hiện sự phân biệt đối xử mà cần cởi mở hơn", Ban IV đánh giá.
Đồng thời, Việt Nam cần củng cố niềm tin của khách du lịch quốc tế, đặc biệt ở các thị trường trọng điểm bằng cách quảng bá rộng rãi kế hoạch mở cửa đón khách thông qua tất cả kênh. Bên cạnh tính cập nhật, kịp thời của thông tin, yêu cầu và quy định cho khách du lịch quốc tế đến Việt Nam cũng cần được thể hiện rõ ràng, trực quan và dễ hiểu.
Cơ quan cũng đề xuất mở rộng thêm danh sách miễn thị thực cho các nước: Mỹ, Ấn Độ, Canada, Australia, New Zealand, Thụy Sĩ, Bỉ, Hà Lan nhằm giúp ngành du lịch mở rộng thêm các thị trường du lịch để không bị lệ thuộc vào một vài thị trường.
Bên cạnh đó, đề xuất tăng thời gian miễn thị thực cho các thị trường xa như thị trường châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha, Italy và các nước Bắc Âu) từ 15 ngày lên 30 ngày.
Đề xuất cho phép khách du lịch từ các quốc gia được miễn thị thực được phép tái nhập cảnh nhiều lần nhằm khuyến khích khách ở Việt Nam lâu hơn, nhất là khi sản phẩm nghỉ dưỡng biển của Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ và có tính cạnh tranh cao với Malaysia, Thái Lan, Indonesia...
Trước đó, Zing ghi nhận phản ánh của người dân về quy định xét nghiệm Covid-19 trước khi nhập cảnh vào Việt Nam khiến nhiều người phải chịu chi phí đắt đỏ, hủy vé vì không kịp test, người thân mất không thể về vì thiếu test...
PGS Nguyễn Lân Hiếu, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, nhận định số quốc gia đòi hỏi xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh là rất ít, bởi dịch đã thuyên giảm trên toàn cầu và số quốc gia áp dụng chính sách “Zero Covid” chỉ đếm trên đầu ngón tay. Về mặt khoa học, giá trị của test Covid-19 cũng hạn chế và hoàn toàn chỉ để tham khảo.
“Quy định vẫn cần phải test trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đã làm khó cho người dân và khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài việc mất thời gian đi làm xét nghiệm, lượng lớn ngoại tệ đã chảy ra ngoài”, ông Hiếu cho rằng cần bỏ quy định này càng sớm càng tốt để thực sự trở về cuộc sống bình thường.
Theo thống kê của Tổng cục Du lịch, trong tháng 3 năm nay, Việt Nam đón được 15.000 lượt khách du lịch quốc tế, tháng 4 đón 80.000 lượt. Tính chung 4 tháng đầu năm, cả nước đón hơn 102.300 lượt khách. Trong khi đó, mục tiêu của năm 2022 là cả nước đón được 5 triệu lượt khách quốc tế.