Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tốn tiền, vô ý nghĩa khi yêu cầu người nhập cảnh test Covid-19

Chịu chi phí đắt đỏ, hủy vé vì không kịp test, người thân mất không thể về vì thiếu test… là thực tế khiến nhiều người bức xúc, muốn bỏ quy định phải test Covid-19 khi nhập cảnh.

Chia sẻ của bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu (Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội kiêm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương) trên trang mạng xã hội cá nhân mới đây về trải nghiệm test Covid-19 trước khi nhập cảnh Việt Nam nhận được sự đồng tình của nhiều người cùng cảnh ngộ.

Vị phó giáo sư, tiến sĩ y khoa đề xuất bỏ quy định yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh Việt Nam càng sớm càng tốt.

Chỉ để tham khảo

Trở về từ Singapore, ông Nguyễn Lân Hiếu cho biết muốn nhập cảnh Việt Nam phải có giấy chứng nhận âm tính khi test Covid-19. Tại nước bạn, muốn làm test Covid-19 có 2 cách. Một là đến trực tiếp địa điểm xét nghiệm nhanh với giá 30 đôla Singapore (hơn 500.000 đồng), test PCR có giá cao gấp 4 lần. Hai là tự làm online, quay clip có giám sát nhân viên y tế với giá khoảng 300.000 đồng.

Để thuận lợi, bác sĩ này lựa chọn cách làm đến test trực tiếp. Song trải nghiệm của ông Nguyễn Lân Hiếu là nhân viên lấy mẫu đưa que thử vào rất nông rồi rút ra mà không hề chạm vào thành niêm mạc. Và tất nhiên, kết quả test của ông là âm tính.

Trong bối cảnh hiện nay, bác sĩ y khoa này cho biết số quốc gia đòi hỏi xét nghiệm âm tính trước khi nhập cảnh là rất ít, bởi dịch đã thuyên giảm trên toàn cầu và số quốc gia áp dụng chính sách “Zero Covid” chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Hơn nữa, về mặt khoa học, giá trị của test Covid-19 rất hạn chế và hoàn toàn chỉ để tham khảo.

De xuat bo yeu cau test Covid-19 khi nhap canh Viet Nam anh 1

Hành khách xếp hàng dài ở sân bay chờ test Covid-19 để có đủ thủ tục nhập cảnh Việt Nam. Ảnh: Liên Trinh.

“Quy định vẫn cần phải test trước khi nhập cảnh vào Việt Nam đã làm khó cho người dân và khách quốc tế đến Việt Nam. Ngoài việc mất thời gian đi làm xét nghiệm, lượng lớn ngoại tệ đã chảy ra ngoài”, ông Hiếu nhận định.

Theo ông, cần bỏ quy định này càng sớm càng tốt để thực sự trở về cuộc sống bình thường. “Áp dụng chính sách kịp thời và phù hợp là chìa khoá thành công giai đoạn hậu Covid-19 ở mọi quốc gia trên thế giới. Nếu dịch bùng phát với các biến chủng mới, chúng ta lại áp dụng biện pháp mới”, ông Hiếu nêu quan điểm.

Cũng đặt chuyến bay SQ194 từ Singapore về Hà Nội lúc 15h05 hôm 2/5, nhưng chị Phạm Thị Lan Hương lại không may mắn được về theo kế hoạch bởi không thể chờ test Covid-19.

“2/5 là ngày nghỉ bù Quốc tế Lao động ở Singapore nên nhiều nơi cung cấp dịch vụ test Covid-19 nghỉ. Tới sân bay test, tôi thấy khoảng 60 người đang xếp hàng chờ, nhưng vì phải kê khai nhiều thông tin, nhiều người làm sai phải điền lại nên tốc độ test rất chậm, trong một giờ chỉ làm được cho 3-4 người. Sau khi chờ hơn một giờ, tôi đành quay ra xin đổi chuyến sau nhưng đã hết sạch vé cho các chuyến trong ngày cũng như hai ngày tiếp theo”, chị Hương ngán ngẩm kể lại trải nghiệm phải bỏ vé chuyến bay mà không được hoàn tiền, chỉ vì không kịp test Covid-19.

Cùng xếp hàng với chị Hương khi đó, còn có một người khác mua vé về chịu tang bà. Người này dự định bay từ Singapore về TP.HCM, sau đó bay tiếp từ TP.HCM về Đà Nẵng, rồi đi ôtô về quê, nhưng lỡ cả loạt vé chỉ vì không kịp test Covid-19 để nhập cảnh.

Chị Hương cho biết vào ngày lễ, chi phí test Covid-19 cao hơn ngày thường. Nhiều người đi du lịch không kịp test thậm chí phải quay lại tìm khách sạn ở, rất tốn kém và phiền phức.

“Khi tôi thắc mắc quy định này với nhân viên check-in ở Singapore, họ nói đây là yêu cầu của phía Việt Nam và không thay đổi”, chị Hương nói và đề xuất Việt Nam nên sớm bỏ quy định này. Theo chị, việc này không cần thiết, gây khó khăn cho nhiều người, đặc biệt những người có việc gấp không thể trì hoãn.

Yêu cầu nhiều thủ tục sẽ bị du khách “gạch bỏ”

Từ Phần Lan trở về, anh Nguyễn Ngọc Đức cũng phản ánh tính cứng nhắc và bất hợp lý của quy định phải test Covid-19 khi nhập cảnh Việt Nam.

Anh Đức cho biết ở Phần Lan hiện nay, mọi người coi Covid-19 như bệnh cúm. Thậm chí khi nhiễm Covid-19, bác sĩ không chỉ định test Covid-19 mà chỉ khuyến cáo ở nhà để nghỉ ngơi.

De xuat bo yeu cau test Covid-19 khi nhap canh Viet Nam anh 2

Việc yêu cầu test Covid-19 khi nhập cảnh có thể khiến nhiều du khách nước ngoài e ngại khi lựa chọn Việt Nam là điểm đến du lịch. Ảnh: Thư Trần.

Trong khi đó, lần này, gia đình 5 người của anh Đức phải chi tổng cộng 765 euro (hơn 18,5 triệu đồng) để test Covid-19, cầm được “giấy thông hành” khi nhập cảnh Việt Nam. Người đàn ông tính toán chi phí test Covid-19 của cả gia đình bằng một vé máy bay về Việt Nam.

Nhưng không chỉ tốn kém về tiền bạc, quy định này còn khiến họ phiền toái vì mất thời gian khi đặt lịch trước rồi chờ đợi hàng giờ để lấy kết quả. “Như gia đình tôi phải chờ 2 giờ để có kết quả test cho cả nhà”, theo lời anh Đức. Không chỉ vậy, hai con nhỏ của anh khóc thét vì sợ hãi khi phải test Covid-19.

“Vậy mà trớ trêu thay, khi về đến Việt Nam không ai hỏi đến kết quả test. Đó chỉ là thủ tục để lên được máy bay, vì hãng bay thực hiện theo đúng quy định trong nước yêu cầu”, anh Đức chia sẻ.

Theo anh, đây là một quy định kìm hãm sự phát triển và hội nhập, cần sớm bãi bỏ. “Bạn bè, đồng nghiệp tôi ở Phần Lan chuẩn bị vào kỳ nghỉ nên đang lựa chọn các chuyến du lịch, nhưng với những nước phải yêu cầu nhiều giấy tờ, họ gạch ngay khỏi danh sách”, anh Đức nêu thực tế. Bên cạnh đó, nhiều người Việt ở nước ngoài muốn về thăm quê cũng đang lưỡng lự vì vướng nhiều thủ tục.

“Mất công, mất của và phiền toái” là những trải nghiệm không mấy dễ chịu mà anh Đức cùng gia đình phải chịu đựng, và đó cũng là lý do anh mong muốn quy định test Covid-19 khi nhập cảnh Việt Nam sớm được bãi bỏ.

Dẫn bài học từ Singapore, chị Phạm Thị Lan Hương cho biết quốc gia này điều chỉnh các quy định chống dịch theo hướng rất linh hoạt, hợp lý và kịp thời bằng cách nới lỏng liên tục. Như hôm 22/4 chị Hương sang đến nơi, nước bạn yêu cầu test Covid-19 nhưng miễn cho người đã khỏi Covid-19 trong 90 ngày. Chỉ 2 ngày sau, họ bỏ quy định này và bỏ cả yêu cầu cài đặt phần mềm kiểm soát hành trình của từng người.

“Đây là thời điểm vàng để mở cửa. Nếu còn những chính sách bất hợp lý như thế này, Việt Nam không thể cạnh tranh được với các nước về phát triển du lịch”, chị Hương nói.

Nguyên nhân người dân phải xếp hàng dài khi nhập cảnh

Cục Hàng không chỉ ra tình trạng nhầm lẫn địa chỉ khai báo y tế từ tokhaiyte.vn sang PC-Covid khiến nhiều hành khách phải chờ đợi lâu khi nhập cảnh.

Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm