Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề xuất biển, đảo Quảng Ngãi là công viên địa chất toàn cầu

Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi đề nghị Bộ Ngoại giao giúp đỡ hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ, UNESCO sớm công nhận vùng biển Bình Châu, đảo Lý Sơn... là công viên địa chất toàn cầu.

Ngày 9/12, đoàn công tác của Bộ Ngoại giao Việt Nam do Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung dẫn đầu về làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi. 

Di tích núi lửa Giếng Tiền và chùa Đục, huyện đảo Lý Sơn, nhìn từ phía biển. Ảnh: Minh Hoàng.
Di tích núi lửa Giếng Tiền và chùa Đục, huyện đảo Lý Sơn, nhìn từ phía biển. Ảnh: Minh Hoàng.

Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ngãi Lê Viết Chữ đề nghị Bộ Ngoại giao quan tâm hỗ trợ giúp địa phương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ và UNESCO sớm công nhận khu vực huyện đảo Lý Sơn, vùng biển Bình Châu và lân cận là công viên địa chất toàn cầu. 

"Chúng tôi đang tiếp tục đầu tư phát triển hạ tầng, tạo nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn mang nét văn hóa, đặc trưng riêng của Quảng Ngãi gửi đến du khách trong nước và bạn bè quốc tế", ông Chữ nói. 

Về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung đánh giá cao những giá trị đặc trưng, di sản địa chất, địa mạo khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng lân cận trong việc đề nghị công nhận công viên địa chất toàn cầu. Đây là dự án khả thi tuy nhiên việc triển khai phải thực hiện nhiều bước từ khảo sát đến lập hồ sơ.

Ông Trung yêu cầu, Quảng Ngãi cần phối hợp với các cơ quan của Bộ để được tư vấn hỗ trợ, đồng thời cần trao đổi kinh nghiệm của tỉnh Hà Giang. Bởi lẽ Cao nguyên đá Đồng Văn của tỉnh này đã được UNESCO công nhận công viên địa chất toàn cầu và là di sản thế giới.

Miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: Minh Hoàng.
Miệng núi lửa trên đỉnh núi Thới Lới (huyện đảo Lý Sơn). Ảnh: Minh Hoàng.

Bộ sẽ giúp Quảng Ngãi hoàn thiện hồ sơ để trình Chính phủ và và UNESCO sớm công nhận Công viên địa chất toàn cầu khu vực Lý Sơn, Bình Châu và vùng lân cận... Hỗ trợ tổ chức một số hội nghị, hội thảo, sự kiện văn hóa quốc tế xung quanh vấn đề này. 

Sau thời gian dài khảo sát, các nhà nghiên cứu đều có chung đánh giá là vùng biển đảo Lý Sơn, Bình Châu và khu vực lân cận tích hợp nhiều giá trị di sản hiếm hoi thế giới. 

Vùng biển Bình Châu có dải, vách đá trầm tích núi lửa kéo dài hàng cây số. Di sản địa chất còn có các miệng núi lửa cổ, trầm tích của đảo núi lửa xen lẫn rạn san hô tuyệt đẹp trong phạm vi 24 km2 dưới đáy biển.

GS.TS Nguyễn Hoàng – Chuyên gia Viện Nghiên cứu địa chất, địa mạo (Nhật Bản) – ví vùng biển Bình Châu, Lý Sơn là kỳ quan “Vịnh Hạ Long trầm tích núi lửa”. Đây là tiềm năng to lớn để phát triển du lịch, thu hút du khách, nhà khoa học đến tham quan lặn biển và nghiên cứu.

Dấu tích miệng núi lửa cổ hàng triệu năm tuổi còn nguyên vẹn ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Minh Hoàng. 
Dấu tích miệng núi lửa cổ hàng triệu năm tuổi còn nguyên vẹn ở vùng biển Bình Châu. Ảnh: Minh Hoàng. 

“Việc phát hiện nhiều đảo đá, dấu tích miệng núi lửa cổ cùng dải đá trầm tích trải rộng ở Bình Châu không chỉ tạo nét đặc biệt ở vùng biển đảo Việt Nam, mà còn hiếm hoi trên thế giới. Di sản địa chất nơi đây xứng đáng được đề xuất UNESSCO công nhận là công viên địa chất toàn cầu”, ông Hoàng đánh giá.

Hiện, tỉnh Quảng Ngãi đã cho phép Sở Văn hóa thể thao và Du lịch phối hợp với Công ty Đoàn Ánh Dương mời các chuyên gia hoàn chỉnh hồ sơ di tích tàu cổ đắm ở vùng biển Bình Châu, trình Bộ Văn hóa thể thao và Du lịch xếp hạng di tích cấp quốc gia. Trình Chính phủ xếp hạng quần thể di tích văn hóa lịch sử huyện đảo Lý Sơn trở thành di tích cấp quốc gia đặc biệt. 

Bài liên quan

Minh Hoàng

Bạn có thể quan tâm