Ngày 30/5 đánh dấu cột mốc quan trọng trong lịch sử hàng không vũ trụ Mỹ. SpaceX đã phối hợp cùng NASA đưa hai phi hành gia vào không gian sau 9 năm. Gần một ngày sau, phi hành đoàn Dragon Crew đã đến được Trạm Không gian Quốc tế ISS, hoàn thành sứ mệnh lịch sử, mở ra kỷ nguyên mới cho ngành hàng không vũ trụ.
Nhân dịp này, được sự đồng ý của alphabooks, Zing trích đăng cuốn sách "Elon Musk - Từ ước mơ đến hành trình quá giang vào Dải Ngân hà" của tác giả Ashlee Vance.
Đầu năm 2004, thời điểm SpaceX từng hy vọng sẽ phóng quả tên lửa đầu tiên, đến rồi lại đi. Động cơ Merlin mà Mueller và toàn đội chế tạo dường như là một trong những động cơ tên lửa hiệu quả nhất từng được sáng chế. Công ty phải mất nhiều thời gian hơn so với dự kiến của Musk để thông qua các cuộc kiểm tra cần thiết đảm bảo cho động cơ có thể phóng được.
Nhưng tới mùa thu năm 2004, các động cơ đã được đốt cháy liên tục và đáp ứng tất cả nhu cầu của họ. Điều này đồng nghĩa với việc Mueller cùng toàn đội có thể thở phào nhẹ nhõm và tất cả những người còn lại của SpaceX nên chuẩn bị cuốn vào guồng quay công việc mới.
Mueller coi toàn bộ sự tồn tại của SpaceX là “đường găng”. Anh là người luôn hỗ trợ công ty để đạt tới những bước tiến tiếp theo và làm việc dưới sự soi xét của Musk. “Một khi động cơ đã sẵn sàng, không khí hoảng loạn bao trùm”, Mueller nói. “Không ai biết cảm giác sẽ thế nào khi phải ở trên đường găng”.
Tầng thứ nhất của Falcon 1 với động cơ Merlin. |
Khi động cơ hoạt động ổn định, các bộ phận còn lại của tên lửa phải được hoàn thiện và lắp ráp lại với nhau. Vào tháng 5/2005, SpaceX lắp ráp xong mọi thứ và vận chuyển quả tên lửa hoàn chỉnh đi gần 290 km về hướng bắc tới căn cứ không quân Vandenberg và hoàn tất bước khai hỏa 5 giây trên bệ phóng.
Hành động phóng tên lửa từ Vandenberg mang đến cho SpaceX nhiều thuận lợi. Địa điểm này gần Los Angeles và có vài bệ phóng để lựa chọn. Tuy nhiên, SpaceX lại trở thành vị khách không được chào đón. Lockheed và Boeing, hai hãng từng phóng các vệ tinh do thám trị giá một tỷ đô-la cho quân đội lên không gian chẳng ưa sự hiện diện của SpaceX.
Một phần là bởi SpaceX đe dọa tới công việc kinh doanh của họ. Phần khác là vì công ty khởi nghiệp bất ngờ này cứ lảng vảng gần kho hàng trước đây của họ. Khi SpaceX bắt đầu chuyển từ giai đoạn thử nghiệm đến phóng thật, họ được thông báo phải chờ đợi hàng tháng trời mới đến lượt. “Họ cứ bảo chúng tôi có thể phóng nhưng rõ ràng không phải vậy”, Gwynne Shotwell nói.
Trong lúc tìm địa điểm phóng mới, Shotwell và kỹ sư hàng không vũ trụ Hans Koenigsmann đã dựng địa đồ thế giới lên trên tường và kiếm một địa danh mới nằm trên đường xích đạo, nơi Trái Đất quay nhanh hơn và tạo thêm đà phóng cho tên lửa. Vị trí ấy cũng khiến việc phóng tên lửa vào quỹ đạo xích đạo trở nên dễ dàng hơn.
Cái tên đầu tiên bật ra là đảo Kwajalein hay Kwaj - hòn đảo lớn nhất thuộc quần đảo san hô nằm giữa Guam và Hawaii trên Thái Bình Dương và là một phần của Cộng hòa quần đảo Marshall. Đảo san hô Kwajalein được tạo thành từ khoảng một trăm hòn đảo lớn nhỏ. Nhiều đảo chỉ kéo dài vài trăm mét và có chiều dài lớn hơn chiều rộng rất nhiều. Shotwell nghĩ đến Kwajalein vì quân đội Mỹ từng sử dụng nó làm khu thử nghiệm tên lửa suốt nhiều thập kỷ.
Shotwell tìm thấy tên một vị đại tá tại khu phóng thử và gửi email cho ông. Ba tuần sau, cô nhận được cuộc gọi từ quân đội cho phép SpaceX phóng tên lửa từ đảo Kwaj. Tháng 6/2005, các kỹ sư của SpaceX bắt đầu chất đầy trang thiết bị lên container để chuyển tới Kwaj.
Bãi phóng thử tên lửa Falcon 1 trên đảo Kwajalein. |
Để đến Kwaj, các nhân viên SpaceX phải bay bằng phi cơ của Musk hoặc bắt các chuyến bay thương mại tới Hawaii. Ban đầu, họ ở tại những căn hộ hai phòng ngủ trông giống như ký túc xá hơn là phòng khách sạn trên đảo Kwajalein.
Bất kỳ trang thiết bị nào mà kỹ sư cần đều phải được chuyển lên máy bay của Musk hay chở đến bằng tàu từ Hawaii hoặc lục địa Mỹ. Mỗi ngày, đoàn SpaceX lại chuẩn bị hành trang, bắt chuyến tàu 45 phút đến Omelek, một hòn đảo rộng chừng 3 hécta với hàng cọ và cây cối phủ xanh mướt được biến thành bãi phóng.
Trong vòng vài tháng, một nhóm nhỏ đã dọn quang bờ bụi, đổ bê tông để làm chắc bệ phóng và chuyển một chiếc xe moóc rộng gấp đôi cỡ thường thành văn phòng. Công việc hết sức nặng nhọc và phải diễn ra trong độ ẩm cao dưới ánh mặt trời gay gắt tới mức đủ để đốt cháy da thịt qua lớp áo phông.
Thậm chí, một số người thà ở lại qua đêm tại Omelek còn hơn là bắt tàu vượt sóng về đảo chính. “Một số phòng làm việc được biến thành buồng ngủ với đầy đủ chăn đệm và giường gấp”, Hollman nói. “Rồi chúng tôi chuyển đến chiếc tủ lạnh rất đẹp, bếp nướng loại tốt và lắp cả vòi hoa sen. Chúng tôi cố gắng biến nó thành nơi cắm trại và chốn có thể sống”.
Mặt trời lên lúc 7h sáng mỗi ngày và đó là khi đội SpaceX bắt tay vào việc. Khi các khối kết cấu lớn được chuyển tới, công nhân phải đặt thân tên lửa nằm ngang trong một nhà chứa máy bay dã chiến và dành hàng giờ lắp ráp mọi bộ phận với nhau. “Luôn có việc để làm,” Hollman nói. “Nếu vấn đề không nằm ở động cơ thì hẳn là do điện hoặc phần mềm”.
Các công nhân muốn mở con đường nhỏ dài gần 200 m từ nhà chứa máy bay tới bệ phóng để vận chuyển tên lửa dễ dàng hơn nhưng Musk từ chối. Hệ quả là họ phải chuyển tên lửa và kết cấu hỗ trợ có bánh xe theo kiểu Ai Cập cổ đại. Họ rải các tấm ván gỗ, lăn quả tên lửa lên, rồi rút mảnh ván gỗ cuối cùng đặt lên đầu theo một chu kỳ liên tục.
Đến 7h tối, các kỹ sư sẽ kết thúc công việc. “Một hoặc hai người tới lượt nấu bữa tối và họ sẽ làm thịt bò bít tết, khoai tây, mì ống”, Hollman nói. “Chúng tôi có cả đống phim ảnh và một đầu DVD. Một số người câu được khá nhiều cá ngoài bến tàu”.
Đối với nhiều kỹ sư, đây quả là một trải nghiệm vừa khổ cực vừa thần kỳ. “Mỗi cá nhân trên hòn đảo đều là một… ngôi sao và họ thường tổ chức các buổi thảo luận về radio hay động cơ. Đó là một nơi tràn trề năng lượng”, Walter Sims, một chuyên gia công nghệ của SpaceX chia sẻ.
Tên lửa Falcon 1 được phóng vào tháng 3/2006. |
Cuối cùng, vào ngày 24/3/2006, sau vài bận cố gắng phóng thử thất bại, toàn bộ hệ thống mới hoạt động trơn tru. Falcon 1 đứng hiên ngang trên bệ phóng hình vuông và được đốt cháy. Nó vút lên trời, biến hòn đảo phía dưới thành một chấm nhỏ màu xanh lá cây giữa vùng xanh dương rộng lớn. Trong phòng điều khiển, Musk đi tới đi lui quan sát diễn biến. Chừng 25 giây sau, mọi thứ trở nên bất ổn. Một ngọn lửa bùng lên trên động cơ Merlin và cỗ máy đang bay thẳng bỗng xoay vòng rồi lảo đảo chúi xuống đất.
Kết cục, Falcon 1 rơi thẳng xuống bãi phóng. Hầu hết mảnh vỡ rớt xuống dải đá ngầm cách bệ phóng 76 m và các kiện hàng vệ tinh đâm sầm qua mái nhà máy của SpaceX, treo lơ lửng sát mặt đất. Một số kỹ sư đeo ống thở và đồ lặn xuống biển thu hồi mảnh vỡ.
Musk và các giám đốc của SpaceX đổ lỗi vụ nổ tên lửa cho một kỹ thuật viên. Họ nói rằng người này đã thực hiện vài thao tác trên quả tên lửa một ngày trước hôm phóng và quên không siết chặt khớp nối trên ống nhiên liệu đúng cách khiến khớp này bị vỡ. Phần khớp nghi vấn này là một bộ phận khá đơn giản - một đai ốc nhôm cỡ b thường được dùng để nối hai ống với nhau. Kỹ thuật viên đó là Hollman.
Sau thảm họa tên lửa, Hollman bay thẳng tới Los Angles để đối mặt trực tiếp với Musk. Anh đã dành nhiều năm trời miệt mài làm việc cả ngày lẫn đêm vì Falcon 1 và cảm thấy tức giận vì Musk đã lôi anh cùng cả đội ra bêu riếu trước công chúng. Hollman tin anh đã vặn chặt đai ốc b đúng cách và các quan sát viên của NASA cũng theo dõi sát sao quá trình này.
Khi Hollman lao vào trụ sở SpaceX với cái đầu bốc lửa, Brown gắng trấn tĩnh và ngăn anh gặp Musk. Nhưng Hollman vẫn lao tới và hai người đã cãi vã to tiếng trong phòng Musk.
Sau khi toàn bộ mảnh vỡ được phân tích, hóa ra đai ốc b đã bị nứt sẵn do không khí mặn ở đảo Kwaj ăn mòn vài tháng trước. “Quả tên lửa bị đóng muối hết một bên và phải cạo muối ra”, Mueller giải thích. “Nhưng ba ngày trước đó, chúng tôi đã thử đốt cháy tĩnh điện và mọi thứ đều ổn.”
SpaceX đã cố gắng giảm bớt 22,6 kg trọng lượng bằng cách sử dụng hợp kim nhôm thay vì thép không gỉ. Nhiều năm sau, một số giám đốc của SpaceX vẫn còn chua xót vì cách Hollman và đội của anh bị đối xử. “Họ là những chàng trai tuyệt vời nhất và họ bị đổ lỗi để chúng tôi có thể đưa ra câu trả lời cho thế giới”, Mueller nói. “Điều này thật sự tồi tệ. Sau này, chúng tôi mới phát hiện ra đó là chuyện không may”.
Sau vụ đó, Musk muốn phóng tiếp tên lửa trong vòng 6 tháng. Nhưng việc lắp đặt một cỗ máy hoàn chỉnh mới đòi hỏi khối lượng công việc khổng lồ. SpaceX có sẵn một số thiết bị cho quả tên lửa thứ hai tại El Segundo nhưng đó không phải là một quả tên lửa sẵn sàng chờ phóng.
Cuối cùng, phải mất gần một năm sau để chuẩn bị cho lần phóng mới. Các kỹ sư cực kỳ cẩn trọng trong công việc, cam kết tuân thủ đúng quy trình và phối hợp làm việc nhóm chặt chẽ. Vào ngày 21/3/2007, Falcon 1 vút qua hàng cọ và phóng thẳng vào không gian.
Nó bay được vài phút, các kỹ sư liên tục thông báo rằng hệ thống vẫn “bình thường” hoặc tốt. Sau ba phút, tầng đầu tiên của tên lửa tách rời và rơi trở lại Trái Đất còn động cơ Kestrel khởi động đúng kế hoạch mang theo tầng thứ hai lên quỹ đạo. Tiếng hò reo vui mừng vang lên trong phòng điều khiển. Tiếp theo, ở cột mốc bốn phút, phần mang theo hàng hóa ở trên đỉnh tên lửa được tách ra theo đúng kế hoạch.
“Nó hoạt động chính xác như những gì kỳ vọng”, Mueller nói. “Tôi ngồi cạnh Elon, nhìn anh rồi nói: ‘Chúng ta đã thành công!’ Chúng tôi ôm chầm lấy nhau và tin rằng nó sẽ bay tới quỹ đạo. Nhưng nó lại bắt đầu lảo đảo”.
Trong hơn năm phút huy hoàng, các kỹ sư của SpaceX cảm giác như họ đã làm tốt mọi thứ. Nhưng cú chao đảo mà Mueller nhận ra đột ngột biến thành cú quăng quật rồi cỗ máy tắt dần và bắt đầu vỡ tan thành từng mảnh, sau đó nổ tung.
Lần này, các kỹ sư SpaceX nhanh chóng nhận ra sai sót. Khi tên lửa đang tiêu thụ chất nổ đẩy, phần chất nổ còn lại lan ra xung quanh bồn chứa và đập vào các cạnh. Chất nổ đẩy bị văng ra đã châm ngòi cho sự chao đảo. Cuối cùng, nó khiến khe hở của động cơ lộ ra. Khi động cơ hút vào một luồng không khí lạnh, nó liền phát nổ.
Thất bại này là cú sốc lớn với các kỹ sư SpaceX. Một số người đã bỏ ra gần hai năm đi đi về về giữa California, Hawaii và Kwaj. Thời điểm SpaceX có thể phóng một lần nữa đã vượt quá bốn năm so với mục tiêu ban đầu của Musk và công ty đã “ngấu nghiến” số tài sản có được nhờ Internet của Musk với tốc độ đáng lo ngại.
Musk tuyên bố công khai rằng anh sẽ chứng kiến điều này đến phút chót nhưng những người trong và ngoài công ty tính toán rồi nói rằng SpaceX nhiều khả năng chỉ đủ tiền cho một hoặc cùng lắm là hai lần phóng nữa. Để sống sót, SpaceX cần một lần phóng thành công.