Tối 17/9, Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm bão số 5 đang nằm ngay trên khu vực phía nam của quần đảo Hoàng Sa, cách Đà Nẵng 430 km, Quảng Trị 540 km và Quảng Bình 600 km. Lúc 19h, sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12.
Bão đổ bộ trưa hoặc chiều 18/9
Tại cuộc họp báo thông tin về diễn biến bão số 5 của Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia tối 17/9, ông Trần Quang Năng, Trưởng phòng dự báo Thời tiết, cho biết bão số 5 đang có tốc độ di chuyển ổn định trong những giờ qua là 15-20 km/h.
Hiện, một số dải mây phía tây của bão đã gây mưa lớn cho các địa phương ở Trung Bộ. Sáng 18/9, trước khi đổ bộ, bão có xu hướng di chuyển nhanh và mạnh lên cấp 10-11, giật cấp 13.
Ông Trần Quang Năng thông tin về tình hình bão số 5 sắp đổ bộ đất liền Quảng Bình - Quảng Nam. Ảnh: Hoàng Hiệp. |
Từ chiều và đêm nay (17/9), mưa lớn xuất hiện ở các tỉnh nằm trong vùng trọng điểm bão đổ bộ gồm Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng và Quảng Nam. Sáng 18/9, gió trên đất liền bắt đầu mạnh dần lên cấp 7-8.
"Chúng tôi dự báo bão có thể đổ bộ khu vực từ Quảng Bình đến Quảng Nam vào trưa hoặc đầu giờ chiều 18/9. Thời điểm đổ bộ, bão mạnh cấp 9-10, giật cấp 12, gió trên đất liền sẽ mạnh với cường độ tương tự", ông Năng cho biết.
Nguy cơ nước biển dâng và sóng lớn
Trả lời câu hỏi của Zing về nguy cơ ảnh hưởng của bão số 5 đến các tỉnh thành miền Trung khi đổ bộ với sức gió lớn, ông Vũ Anh Tuấn, Trưởng phòng Cảnh báo rủi ro thiên tai, nhận định bão số 5 có thể giảm đi một cấp khi đổ bộ đất liền so với dự báo trước đây. Tuy nhiên, đây vẫn là cơn bão mạnh.
Ông Tuấn lưu ý khi bão đổ bộ với sức gió mạnh cấp 9-10, người dân vùng ven biển, nhất là các khu vực đầm phá, vùng trũng ven biển, cửa sông cần đề phòng khả năng gió mạnh và sóng lớn. Các hiện tượng này có thể ảnh hưởng đến tàu, thuyền tại khu neo đậu trên biển, các khu nuôi trồng thủy sản.
Ngoài ra, bão có thể đổ bộ vào buổi trưa, trùng thời điểm với triều cường nên cần đề phòng nguy cơ nước biển dâng. Chuyên gia lấy ví dụ về 2 cơn bão lịch sử từng đổ bộ vào miền Trung năm 2006 và năm 2009 gây thiệt hại nặng nề, đều do hiện tượng nước biển dâng.
Ông Tuấn khuyến cáo các hộ gia đình có nhà cửa không kiên cố cần có biện pháp gia cố để phòng chống cơn bão này. Người dân vùng trọng tâm bão đổ bộ cũng cần liên tục cập nhật các bản tin dự báo, chỉ đạo của địa phương, chủ động xây dựng kế hoạch ứng phó cho bản thân, gia đình và những người xung quanh.
Gió mạnh và mưa lớn trên đất liền
Về khả năng bão có thể đổi hướng di chuyển, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, cho biết bão đang đi sang ngang theo hướng tây, hơi chếch lên phía trên. Như vậy, bão di chuyển chủ yếu theo hướng tây tây bắc, có thay đổi so với dự báo trước đó nhưng không ảnh hưởng đến vị trí đổ bộ.
Cơ quan khí tượng giữ nguyên nhận định về khả năng bão đổ bộ vào khu vực đã dự báo là các tỉnh từ Quảng Bình đến Quảng Nam.
Điểm đặc biệt của cơn bão này là có xu hướng gió mạnh mở rộng về phía bắc. Do đó, ở thời điểm bão áp sát đất liền, các tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh cũng có gió mạnh cấp 6-7 kèm mưa dông.
Dự báo đường đi bão số 5 trong những giờ tới. Ảnh: Hệ thống giám sát thiên tai Việt Nam. |
Chuyên gia nhận định bão số 5 sẽ gây một đợt mưa lớn ở các tỉnh Trung Bộ, trọng tâm mưa từ Hà Tĩnh đến Quảng Ngãi. Lượng mưa phổ biến 200-300 mm, cục bộ có nơi trên 400 mm, tập trung trong đêm nay và ngày mai (18/9).
Đáng lưu ý, thời gian mưa lớn chỉ tập trung trong thời gian ngắn khoảng một ngày nên sẽ gây ra nhiều nguy cơ cực đoan về lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung.
Từ sáng đến chiều mai (18/9), đất liền ven biển các tỉnh thành Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên - Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua cấp 9-10, giật cấp 12. Đất liền ven biển các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi có gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9.
Vùng ven biển các tỉnh từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế cần đề phòng sóng cao từ 3-5 m kết hợp với nước dâng do bão cao từ 0,5-1 m gây ngập úng các khu vực đầm phá, vùng trũng cửa sông, ven biển.