Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Dễ như xin việc ngành ngân hàng năm 2015

Đã qua thời sa thải hàng loạt, trong năm 2015, nhiều ngân hàng đẩy mạnh tuyển dụng khiến “cánh cửa” bước vào ngành hot này rộng mở hơn.

Mới đây, theo thống kê của Navigos Search, một công ty cung ứng lao động, trong quý I/2015, nhu cầu tuyển dụng ngành Tài chính - Ngân hàng đứng cuối Top 5, với nhu cầu tuyển dụng chỉ chiếm 5%. Trong khi đó, chỉ cách đây 3 tháng, nhu cầu tuyển dụng riêng quý 4/2014 của ngành này vẫn đạt 9%, tăng 2% từ mức 7% quý liền kề.

Việc giảm 4 điểm % cho thấy, nhu cầu tuyển dụng cho ngành này đã giảm sút mạnh mẽ như thế nào chỉ trong vòng 1 quý. Nguyên nhân là do cả cung và cầu nhân sự cấp cao có vẻ đang trong giai đoạn suy giảm.

Tuy nhiên, người lao động trong ngành Tài chính – Ngân hàng cũng không quá nản lòng, khi mà nhu cầu nhân sự của các ngân hàng đang có xu hướng tăng trong quý 3, và hứa hẹn được cải thiện trong cả năm 2015.

Trong 2 năm trở lại đây, thị trường lao động đã quá quen với việc ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) thường xuyên đăng tải những thông tin tuyển dụng “khủng”. Trong mỗi lần đăng tuyển, Eximbank thường đưa ra những con số đầy ấn tượng, như 550 hay 1.000 nhân sự. 

Đầu năm 2015 cũng vậy. Mới đây, ngân hàng này công bố cần tuyển 1.000 chuyên viên bán hàng. Bên cạnh đó, Eximbank còn có nhu cầu nhân sự trong nhiều mảng khác nhau, như nhân viên tín dụng, thanh toán quốc tế, thẩm định giá.

Vietcombank có kế hoạch tuyển 705 nhân sự trong năm 2015. 

Có thể thấy, đa số các vị trí mà Eximbank cần chính là nhân viên. Nhu cầu tuyển sếp của ngân hàng này khá khiêm tốn.

Không “trống rong cờ mở” như Eximbank, nhưng ngân hàng TMCP Công thương Việt Nam (Vietinbank) cũng bước vào “cuộc đua” nhân sự. Chỉ trong đợt tuyển dụng tháng 5, Vietinbank đã cần 1.133 chỉ tiêu cho các vị trí cán bộ quan hệ khách hàng, thẩm định, xử lý nợ, giao dịch viên, tiền tệ kho quỹ,....

Nếu tính cả các đợt tuyển dụng trước tháng 5, chắc chắn con số nhân sự cần bổ sung của ngân hàng này sẽ không dừng ở con số 1.133 chỉ tiêu.

Cùng nằm trong nhóm “tứ đại gia ngân hàng” với Vietinbank, nhưng năm nay, nhu cầu tuyển dụng của ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) khiêm tốn hơn một chút.

Vietcombank lên kế hoạch tuyển dụng 705 nhân sự trong năm 2015, nâng tổng nhân sự lên 14.804 người. Cùng với số nhân sự tuyển thêm, Vietcombank cũng có kế hoạch mở thêm 6 chi nhánh, sau khi mở mới 10 chi nhánh lên tổng cộng 90 chi nhánh trong năm ngoái.

Nhân sự của ngân hàng này cuối năm 2014 là 14.099 người, tăng 235 người so với cuối năm 2013. Như vậy, trong năm 2014, Vietcombank chỉ tuyển thêm 235 người. Con số này chỉ xấp xỉ 25% so với kế hoạch tuyển dụng đặt ra.

Có quy mô nhỏ hơn Vietcombank, nhưng ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) không chịu lép vế “đồng nghiệp” về cung cấp việc làm. Trong quý 2/2015, OCB có nhu cầu tuyển dụng 500 vị trí chuyên viên quan hệ khách hàng, làm việc tại 25 tỉnh thành trên toàn quốc.

Không tuyển nhân viên chính thức mà ngân hàng TMCP Phát triển nhà TP HCM (HDBank) vừa có thông báo tuyển chọn 550 sinh viên ngành tài chính ngân hàng trong chương trình “Quản trị viên tập sự”, để bổ sung lượng nhân sự phục vụ cho trên 220 điểm giao dịch trên toàn quốc.

Các ứng viên đủ tiêu chuẩn được chọn vào chương trình “Quản trị viên tập sự’ và sẽ tiếp tục được tham gia khóa đào tạo tập trung, thực việc/học việc qua công việc thực tế tại các đơn vị kinh doanh HDBank trên tòan quốc.

Năm 2014, nhân sự ngân hàng HDBank tăng thêm gần 1.300 người. Trong năm qua, HDBank đã có thêm 18 điểm giao dịch, nâng tổng số điểm giao dịch lên 209 điểm. Tổng nhân sự của hệ thống ngân hàng này tăng lên trên 6.200 người.

Đầu năm 2015, ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh vượng (VPBank) đã kịp tuyển dụng 1.000 thực tập sinh tiềm năng, thực hiện công việc bán hàng, hỗ trợ bán hàng tại Trung tâm bán và các chi nhánh trên toàn quốc của VPBank. Những ứng viên được lựa chọn sẽ làm việc trong khoảng thời gian 1/3/2015 - 30/5/2015.

Trong tháng 5 này, VPBank không công bố con số cần tuyển cụ thể, nhưng nhìn vào danh sách dài dằng dặc, có thể thấy nhu cầu nhân sự của VPBank vẫn lên tới con số hàng trăm người cho các chi nhánh trên toàn hệ thống.

Tương lai nào cho các ngân hàng Việt?

Xây dựng một hệ thống ngân hàng ổn định và cạnh tranh chính là mấu chốt thúc đẩy Việt Nam trở thành một điểm đến của đầu tư toàn cầu.

http://vtc.vn/de-nhu-xin-viec-nganh-ngan-hang-nam-2015.1.553635.htm

Theo Bảo Linh/VTC

Bạn có thể quan tâm