Việt Nam vẫn đang gặp một số khó khăn trong quá trình cải cách hệ thống ngân hàng cũng như tạo ra môi trường kinh doanh hấp dẫn hơn đối với các nhà đầu tư nước ngoài. Những nỗ lực trước đó nhằm cải thiện tính thanh khoản của các ngân hàng yếu kém đã giúp giảm bớt rủi ro hệ thống tài chính, theo tạp chí Vietnam-Briefing.
Một trong những vấn đề lớn nhất mà hệ thống ngân hàng đang phải đối mặt là nợ xấu ở mức cao. Ngân hàng Trung ương đã đề ra mục tiêu cho đến cuối năm 2015 sẽ giảm tỷ lệ nợ xấu so với nợ chưa thanh toán xuống còn 3%. Hiện tại tỷ lệ này là khoảng trên 4% - thuộc hàng cao nhất châu Á.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tìm kiếm giải pháp củng cố. Điều này thể hiện qua việc khuyến khích mua bán và sáp nhập, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng cũng như tăng vốn cho doanh nghiệp quản lý tài sản để mua lại toàn bộ nợ xấu. Cơ quan này cũng đã công bố các kế hoạch tái cơ cấu 6-8 đơn vị yếu kém, thông qua các giao dịch hoặc công bố phá sản.
Giới hạn đầu tư hiện nay cho phép tổng số cổ phần có sở hữu nước ngoài không quá 30%. Ảnh minh họa: Anh Tuấn. |
Sở hữu nước ngoài
Những tin đồn xung quanh việc nới lỏng vốn sở hữu nước ngoài trong ngân hàng đã xuất hiện. Kỳ vọng đặt ra là các nhà đầu tư nước ngoài sẽ có thể cung cấp chuyên môn và tiền bạc để giúp đỡ quá trình cải cách hệ thống ngân hàng của Việt Nam.
Chính phủ sẽ sớm cho phép các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư nhiều hơn giới hạn 30% hiện nay. Giới hạn đầu tư hiện nay cho phép tổng số cổ phần có sở hữu nước ngoài không quá 30% và một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài sở hữu không quá 20% tổng số cổ phần.
Giới hạn này là khó chấp nhận đối với hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài, những người nhận thấy việc nắm giữ ít cổ phần không mang lại nhiều lợi ích. Đồng thời, điều này cũng hạn chế đầu vào cho quá trình tái cấu trúc và tái cấp vốn của các ngân hàng.
Sẽ còn nhiều thương vụ sáp nhập
Khuyến khích sáp nhập là một chiến lược mấu chốt nhằm gia tăng sức mạnh của hệ thống ngân hàng. Một trong những vụ sáp nhập lớn nhất trong thời gian vừa qua được nhắc đến là thương vụ giữa VietinBank và PG Bank.
VietinBank, với 60% vốn sở hữu nhà nước, là một trong những ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Đây cũng là đơn vị lớn thứ 7 xét về giá trị vốn hoá thị trường tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP HCM. Với tài sản 1,2 tỷ USD, PG Bank có 16 chi nhánh và 63 điểm giao dịch trên khắp cả nước.
Một số các vụ sáp nhập đang hoặc có thể sắp diễn ra có thể kể đến bao gồm Maritime Bank-MDB, DongA Bank-ABB, Sacombank-Southern Bank, Eximbank-Nam A Bank, SaigonBank-Vietcombank hay MHB-BIDV. Một bước tiến khác trong quá trình củng cố hệ thống ngân hàng là việc Ngân hàng Nhà nước "mua lại" Ngân hàng Xây dựng đang nợ ngập đầu với giá 0 VND/cổ phiếu.
Khuyến khích sáp nhập là một chiến lược mấu chốt của chính phủ Việt Nam nhằm gia tăng sức mạnh của hệ thống ngân hàng. |
Các chuyên gia phân tích dự đoán, hoạt động mua bán, sáp nhập sẽ diễn ra cả trong tài chính cũng như những thị trường khác. Nhiều doanh nghiệp đang kỳ vọng chiếm được một vị trí chiến lược trước khi Việt Nam trở thành đối tác trong những thoả thuận thương mại lớn như TPP. Chính phủ đang cố gắng tạo ra những ngân hàng lớn mạnh hơn và có khả năng cạnh tranh với những đối thủ trong khu vực.
Bên cạnh việc cải cách ngành ngân hàng, Việt Nam cũng đang có những nỗ lực lớn trong việc tạo ra một thị trường kinh doanh hấp dẫn thông qua các cái cách tự do như tư nhân hoá khu vực công hay cho phép tăng đầu tư nước ngoài trong một số ngành.
Trong bối cảnh nền kinh tế đang đi lên, Việt Nam đã trở thành một điểm đến ngày càng hấp dẫn cho các nhà đầu tư thuộc nhiều ngành như sản xuất hàng may mặc và sản phẩm công nghệ cao. Theo đánh giá của tạp chí đầu tư, thuế khóa, kinh tế Vietnam-Briefing, Việt Nam cũng sở hữu một thị trường tiêu dùng đang phát triển mà các nhà bán lẻ trên thế giới không thể bỏ qua.