Việc người dùng tại Mỹ gửi quá nhiều tiền vào Venmo, Cash App hay PayPal được cảnh báo là tiềm ẩn nhiều rủi ro. Ảnh: Getty Images. |
Theo Money, Cục Bảo vệ Tài chính Người tiêu dùng (CFPB) đã đưa ra cảnh báo cho người Mỹ rằng số tiền để trong các ứng dụng ví điện tử thanh toán không an toàn bằng hình thức gửi trong tài khoản ngân hàng được chính phủ hỗ trợ.
“Các ứng dụng ví điện tử đang dần phổ biến và ngày càng được sử dụng nhiều hơn để thay thế dần cho tài khoản ngân hàng hoặc liên minh tín dụng (credit unions) nhưng lại thiếu các biện pháp bảo vệ để đảm bảo rằng tiền của khách hàng sẽ được an toàn", Giám đốc CFPB Rohit Chopra cho biết.
Các ứng dụng ví điện tử như Venmo, Cash App hay PayPal thường thuận tiện khi sử dụng, giao dịch nhanh chóng, nhưng thực tế độ an toàn lại không thể bằng ngân hàng. Do đó, số tiền gửi vào các ví điện tử thường không có bảo hiểm rủi ro giống như các tổ chức tài chính truyền thống.
Hầu hết ngân hàng ở Mỹ đều được bảo hiểm bởi Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Liên bang (FDIC) và thật dễ dàng để người dùng kiểm tra xem ngân hàng nơi gửi tiền có nằm trong danh sách được bảo vệ hay không.
Điều này không được áp dụng với các ứng dụng thanh toán bằng ví điện tử (hay tài sản trên thị trường chứng khoán hoặc tiền điện tử). Nếu một trong số công ty đứng sau ứng dụng ví điện tử phá sản, không có gì đảm bảo rằng tiền của người gửi sẽ được trả lại. "Họ có thể bị mất trắng".
CFPB nói rằng nguy cơ mất tiền tăng lên khi ngày càng nhiều người Mỹ - đặc biệt là người trẻ - chuộng sử dụng các dịch vụ thanh toán kỹ thuật số. Nghiên cứu của cơ quan này cho thấy 85% người tiêu dùng trong độ tuổi 18-29 đều đang sử dụng các ứng dụng ví điện tử này.
Không chỉ dừng lại ở việc gửi tiền vào ứng dụng để thanh toán các dịch vụ sinh hoạt, nhiều người dùng tại Mỹ bắt đầu gửi cả số tiền nhàn rỗi vào ví. Dữ liệu của CFPB cho thấy có khoảng 893 tỷ USD đã được chuyển vào tài khoản ví điện tử năm ngoái. Con số này dự kiến tăng lên 1.600 tỷ USD vào năm 2027.
Cơ quan này cho biết thêm một số ví điện tử, đơn cử như Venmo, đã đầu tư số tiền của người dùng vào trái phiếu hoặc cho vay, điều đó giúp công ty kiếm được lợi nhuận lớn từ số tiền nhàn rỗi của người dùng. Những giao dịch đầu tư đằng sau đó không chịu sự giám sát giống như các ngân hàng, điều đó có nghĩa rủi ro trở nên lớn hơn.
Nói về việc thu lợi nhuận từ khoản tiền nhàn rỗi, người gửi tiền đang đặt họ vào thế bất lợi khi tiết kiệm một số tiền lớn trong ví điện tử. Họ không nhận được bảo hiểm tiền gửi trên số dư đó, cũng không kiếm được nhiều tiền so với gửi vào ngân hàng có lãi suất cao.
Và cuối cùng, CFPB chỉ ra rằng một số thoả thuận giữa người dùng với người cung cấp dịch vụ ví điện tử hiện còn rất mơ hồ. Khó xác định liệu số dư có nhận được bảo hiểm tiền gửi hay không và những biện pháp bảo vệ nào được áp dụng nếu công ty phá sản.
Cơ quan này cho biết đang giám sát tình hình pháp lý xung quanh các ứng dụng ví điện tử, nhưng hiện tại vẫn chưa có chính sách toàn diện nào để cung cấp biện pháp bảo vệ cho người tiêu dùng. Do đó, CFPB đưa ra khuyến nghị người dùng không nên để quá nhiều tiền trong các ứng dụng thanh toán này.
Độc giả Zing có thể tìm đọc thêm các cuốn sách hay về kinh tế tại Tủ sách kiến thức kinh tế. Các cuốn sách cung cấp cho độc giả nhiều kiến thức về kinh tế vĩ mô, chứng khoán, bất động sản, lạm phát, các cuộc suy thoái từng xảy ra, kinh nghiệm quản lý chi tiêu...