Ngày 2/12, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11/2013.
Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đầu năm có những chuyển biến, đạt kết quả tích cực. Tăng trưởng GDP cả năm có khả năng đạt 5,4%, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) 11 tháng tăng 5,5%, dự báo có khả năng thấp hơn năm 2012 (6,81%).
Thủ tướng cho rằng điều đáng mừng là xuất khẩu tăng mạnh. Theo số liệu của Bộ Kế hoạch - đầu tư, tính chung 11 tháng, tổng kim ngạch xuất khẩu ước đạt trên 121 tỷ USD, trong đó khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (không kể dầu thô) ước đạt trên 74,56 tỷ USD (chiếm 61,6% tổng kim ngạch xuất khẩu), khu vực trong nước ước đạt 39,86 tỷ USD.
Phó thủ tướng Vũ Đức Đam (phải) chúc mừng Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên sau buổi họp báo. |
Bồi dưỡng CSGT: chỉ đủ thêm cái bánh mì
Tại phiên họp, các thành viên Chính phủ cũng đã cho ý kiến về cơ chế chi bồi dưỡng cho cảnh sát giao thông (CSGT) từ tiền phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an toàn giao thông.
Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Đinh La Thăng nói năm 2013 tổng số tiền phạt hơn 2.000 tỷ đồng. Ông Thăng và một số thành viên Chính phủ đề nghị có cơ chế để tiếp tục bồi dưỡng cho CSGT làm việc trong ngày nghỉ, ngoài giờ...
Cụ thể, trước đây tiền thu phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực giao thông được để lại địa phương 100% và trích 70% cho lực lượng công an tham gia giữ gìn trật tự an toàn giao thông, tuy nhiên theo quy định mới thì từ ngày 1/7/2013 toàn bộ các khoản tiền phạt vi phạm hành chính phải nộp vào ngân sách nhà nước.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết đang nghiên cứu theo hướng số tiền phạt nêu trên vẫn để lại địa phương 30%, còn 70% thì đưa lên trung ương và chi cho lực lượng công an.
Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang khẳng định ở đây “không phải phạt nhiều thì CSGT được chi nhiều”. Hiện nay do lực lượng thiếu nên CSGT làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát rất căng thẳng, nếu chia bình quân thì riêng với quốc lộ mỗi CSGT phải phụ trách 70km. Trên thực tế có quy định cụ thể về tiền bồi dưỡng này và cũng chỉ bồi dưỡng cho những CSGT trực tiếp làm nhiệm vụ, “mỗi ca trực anh em CSGT cũng chỉ mua được thêm cái bánh mì”.
Lãnh đạo nữ được kéo dài tuổi hưu
Về vấn đề kéo dài tuổi nghỉ hưu cho lãnh đạo nữ, theo Bộ trưởng Bộ Lao động - thương binh và xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, dự thảo nghị định sẽ quy định chi tiết khoản 2 và khoản 3 điều 187 của Bộ luật lao động về độ tuổi nghỉ hưu. Theo đó, đối với người có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, dự thảo nghị định kế thừa quy định hiện hành (của nghị định 71) đồng thời bổ sung một số đối tượng thuộc ngành y tế (gồm người có trình độ thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa I, dược sĩ chuyên khoa I trở lên đối với các chuyên ngành phong, lao, tâm thần, giám định pháp y, pháp y tâm thần, HIV/AIDS).
Như vậy, người lao động thuộc đối tượng nêu trên và các đối tượng đã được quy định trong nghị định 71 được nghỉ hưu ở tuổi cao hơn, nhưng không quá 60 tuổi đối với nữ và 65 tuổi đối với nam.
Về quy định tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với người làm công tác quản lý, bên cạnh đối tượng nữ cán bộ từ tương đương thứ trưởng trở lên, dự thảo nghị định bổ sung thêm hai nhóm đối tượng là nữ cán bộ, công chức, viên chức làm công tác quản lý từ tương đương vụ trưởng trở lên (ở trung ương) và từ tương đương giám đốc sở trở lên (ở địa phương).
Theo số liệu hiện hành, số đối tượng thuộc điều chỉnh trên là 539 người, gồm 180 cán bộ nữ cấp trung ương và tỉnh/thành phố có hệ số phụ cấp lãnh đạo, quản lý từ 1,0 trở lên, 78 nữ vụ trưởng và tương đương, 281 nữ giám đốc sở và tương đương.
Điều kiện để nghỉ hưu ở tuổi cao hơn là người lao động tự nguyện làm việc kéo dài và cơ quan, đơn vị sử dụng người lao động có nhu cầu (tuổi nghỉ hưu được kéo dài thêm không quá 5 tuổi).
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết trong số 130 thứ trưởng của tất cả các bộ ngành hiện nay, chỉ có khoảng 13 nữ thứ trưởng. Đa số thành viên Chính phủ ủng hộ đề xuất nêu trên của Bộ Lao động - thương binh và xã hội.
Kinh tế hộ phải lên quân đoàn, binh đoàn
Đề cập lĩnh vực nông nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đặt câu hỏi: “Tình hình nông nghiệp tăng trưởng chậm lại do đâu?”. Người đứng đầu Chính phủ cho rằng đã đến lúc nước ta không còn đất nữa để phát triển nông nghiệp theo chiều rộng, cần phải đột phá vào chiều sâu mà khâu quyết định chính là áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ để tăng năng suất, hiệu quả.
“Chúng ta xuất khẩu gạo mỗi năm được 3,4 tỷ USD, trong khi đó nhập khẩu thức ăn gia súc 3,7 tỷ USD. Vậy ta tập trung trồng đậu tương để thay thế nhập khẩu thức ăn gia súc được không? Nếu cần thì huy động các nhà khoa học, nếu không làm được thì học thế giới. Trong số 3,7 tỷ USD nhập khẩu, ta chỉ cần làm được trong nước 2 tỷ USD là người nông dân được nhờ nhiều lắm rồi” - Thủ tướng nói.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng liên quan đến thức ăn gia súc nhập khẩu có vấn đề về cây trồng biến đổi gen, đây là vấn đề không đơn giản, vừa rồi nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình có thư đề nghị thận trọng. Bộ trưởng Bộ Khoa học - công nghệ Nguyễn Quân nói thực phẩm biến đổi gen chủ yếu là ngô và đậu tương, ta nên làm rõ chấp nhận cho dùng hay không, nếu không thì cấm cả nhập khẩu lẫn trồng trong nước, chứ hiện nay không cho trồng nhưng vẫn nhập khẩu thức ăn gia súc có thực phẩm biến đổi gen.
Theo Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, đến nay kinh tế hộ đã “tới mức tối đa rồi”, muốn làm lớn hơn thì “phải có quân đoàn, binh đoàn”, cụ thể là phải đưa quan hệ sản xuất mới vào cùng với lực lượng sản xuất hiện có. Từ thực tiễn vùng quê nào có doanh nghiệp về đầu tư sản xuất, kinh doanh thì đời sống người dân được nâng cao, góp phần rút bớt lao động nông nghiệp.
“Chúng ta không thể ra lệnh cho doanh nghiệp mà phải bằng chính sách, sao cho doanh nghiệp về nông thôn họ được lợi mà người dân cũng được lợi” - Thủ tướng nói. “Nghiên cứu chính sách khuyến khích tối đa, đừng sợ, thậm chí kiến nghị cấp có thẩm quyền miễn thuế được không, rồi miễn tiền cho thuê đất. Ví dụ về làm da giày ở nông thôn thì miễn thuế. Tại sao ta miễn thuế cho nước ngoài mà doanh nghiệp ta thì không?” - Thủ tướng chỉ đạo.
Thủy điện: thẩm định kỹ lưỡng để hạn chế mặt trái
Thảo luận kế hoạch hành động của Chính phủ thực hiện nghị quyết Quốc hội về tăng cường quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành và khai thác công trình thủy điện, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh việc kiểm tra an toàn hồ đập. Theo đó, nếu như trước đây thủy điện nhỏ dưới 30MW phân cấp cho địa phương, nay Hội đồng nghiệm thu nhà nước và Bộ Xây dựng phải trực tiếp vào cuộc kiểm tra, “nếu không có thẩm định an toàn chất lượng, khi xảy ra không biết trách nhiệm chính là ai?”. Cùng với đó là thực hiện tốt tái định cư.
“Vừa rồi tôi nghe phản ánh bà con tái định cư thủy điện Thác Bà không có điện, thấy đau lòng quá vì thủy điện này làm từ hồi chiến tranh. Đề nghị Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn rà soát lại và phải có cơ chế đặc thù” - Thủ tướng Chính phủ nói.
Đối với 205 dự án thủy điện đang xây dựng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng không nên quá cực đoan để rồi đi từ cực này sang cực khác, bởi vì 205 dự án này có công suất trên 6.000 MW, trong khi chúng ta đầu tư hai nhà máy điện nguyên tử cũng chỉ được 4.000 MW (mỗi nhà máy trị giá khoảng 10 tỷ USD). Cần nhìn thấy thủy điện là tiềm năng, và cùng với việc phát huy lợi thế thì phải kiểm soát chặt chẽ, thẩm định kỹ lưỡng từng dự án thủy điện để hạn chế tối đa mặt trái.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - môi trường Nguyễn Minh Quang cho rằng: “Bây giờ dứt khoát là chỉ có đưa ra chứ không đưa thêm dự án mới vào quy hoạch nữa. Đối với tác động môi trường, về vai trò thủy điện thì với dư luận xã hội và quốc tế có lẽ ta nên dừng ở mức đó là hợp lý”.