Chiều 16/5, Đoàn chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN đã mở hội nghị bất thường để thảo luận, bỏ phiếu thông qua nghị quyết đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga.
Không còn đủ uy tín
Các thành viên Đoàn chủ tịch phân tích tuy hành vi phạm tội của bà Nga vẫn đang trong quá trình điều tra, chưa bị tòa án kết tội, nhưng do bà Nga không còn xứng đáng với sự tín nhiệm nhân dân nên cần bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội.
Bà Châu Thị Thu Nga (giữa, chụp mũ) bị bắt giữ và dẫn giải về trại giam vào tối khuya 7/1. |
Đây là trường hợp được viện dẫn quy định của Điều 56 Luật tổ chức Quốc hội hiện hành.
Trình bày báo cáo của Ban Thường trực tại hội nghị, Phó chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Văn Pha cho biết theo các báo cáo của viện kiểm sát và cơ quan điều tra, bà Châu Thị Thu Nga đã có hành vi gian dối, chiếm đoạt tiền của các nhà đầu tư.
Cụ thể, theo đơn tố cáo của 221 khách hàng, bà Nga có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tổng cộng hơn 114 tỉ đồng trong dự án nhà ở B5 Cầu Diễn.
“Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội cũng đã họp và phân tích trường hợp này. Căn cứ vào điều 56 Luật tổ chức Quốc hội, quy định rõ là khi đại biểu Quốc hội không còn tín nhiệm với cử tri nữa thì mặt trận có quyền đề nghị bãi nhiệm” - Chủ tịch Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội Đào Văn Bình cho biết.
Theo ông Bình, dự án B5 Cầu Diễn chỉ được cơ quan có thẩm quyền cấp phép xây dựng 13 tầng, nhưng bà Nga đã huy động vốn lên đến tầng 33, vi phạm nghiêm trọng quy định của Nhà nước. Ủy ban MTTQ VN TP Hà Nội đã biểu quyết đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Châu Thị Thu Nga.
“Để cử tri bãi nhiệm thì hay lắm”
Ông Trần Hoàng Thám, Ủy viên Đoàn chủ tịch, đồng ý đề nghị Quốc hội bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga, “nhưng trong trường hợp này tôi thấy nếu để cho cử tri tự bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của bà Nga thì hay lắm”.
Theo quy định của pháp luật, khi đại biểu Quốc hội không còn đủ tín nhiệm thì Quốc hội có quyền biểu quyết bãi nhiệm tư cách đại biểu hoặc cử tri bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách đại biểu đó.
Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ VN Nguyễn Thiện Nhân giải thích rằng pháp luật quy định như vậy nhưng Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa hướng dẫn quy trình, thủ tục nên chưa thể thực hiện được.
Trong khi GS.TS Trần Ngọc Đường cho biết “trước đây đã có một trường hợp bị bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội, đó là cử tri Nghệ An đã tiến hành bãi nhiệm tư cách đại biểu Quốc hội của ông Hoàng Văn Hoan để lên án mạnh mẽ hành vi của ông này”.
Cách đây hơn bốn tháng, tối khuya 7/1, cơ quan điều tra đã công bố quyết định khởi tố, tiến hành khám xét nơi ở và bắt tạm giam bà Châu Thị Thu Nga.
Trước đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có nghị quyết số 866/NQ-UBTVQH13 quyết định “tạm đình chỉ việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đại biểu Quốc hội đối với bà Châu Thị Thu Nga”.
Từ trường hợp của bà Châu Thị Thu Nga, một số ý kiến của Đoàn chủ tịch đề nghị tới đây khi hiệp thương giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, mặt trận cần tìm hiểu thông tin, xác định kỹ lưỡng tư cách ứng cử viên trước khi đưa vào danh sách.
Bà Châu Thị Thu Nga sinh năm 1965, quê Thừa Thiên - Huế, đại biểu Quốc hội khóa XIII, đồng thời là đại biểu HĐND TP Hà Nội nhiệm kỳ 2011-2016.
Trong hồ sơ đại biểu Quốc hội, bà Nga khai là tiến sĩ quản trị kinh doanh và giữ hàng loạt chức vụ: Phó trưởng ban điều hành mạng các sàn giao dịch bất động sản VN khu vực miền Bắc - Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản - Bộ Xây dựng, Chủ tịch CLB vườn ươm doanh nhân - Hội LHTN TP Hà Nội, Chủ tịch HĐQT kiêm tổng giám đốc Công ty CP Tập đoàn Đầu tư xây dựng nhà đất; Ủy viên ban thường trực nhóm nữ đại biểu Quốc hội VN; thành viên tổ chuyên gia liên ngành - Ban chỉ đạo T.Ư về chính sách nhà và thị trường bất động sản; Ủy viên thường vụ ban chấp hành Hiệp hội Bất động sản VN; ủy viên Tổ chức nghị sĩ hữu nghị VN - Cộng hòa LB Đức; Phó chủ tịch Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi TP Hà Nội; Ủy viên Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội.