Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 21/9 về kế hoạch kiểm toán năm 2016, Tổng kiểm toán nhà nước (KTNN) Nguyễn Hữu Vạn cho biết, đến ngày 10/9 đã xét duyệt 160 cuộc kiểm toán, triển khai 212/288 đoàn kiểm toán. Dự kiến đến 1/10 sẽ cơ bản triển khai hết các cuộc kiểm toán trong Kế hoạch kiểm toán năm 2015.
Về kế hoạch kiểm toán năm 2016, ông Vạn cho biết sẽ tập trung kiểm toán 175 đầu mối (đơn vị).
Ủy ban Tài chính – Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị KTNN cần tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán, không giảm so với kế hoạch năm 2015, tăng cường kiểm toán các khoản chi sự nghiệp kinh tế của các Bộ, ngành, địa phương. Đồng thời cân nhắc đưa vào kế hoạch kiểm toán năm 2016 một số tổ chức chính trị xã hội, một số hội có sử dụng ngân sách nhà nước.
Ủy ban này cũng đề nghị phải tăng cường kiểm toán đối với các dự án, công trình lớn, chú trọng kiểm toán hiệu quả của các dự án đầu tư, trong đó cần quan tâm tới dự án hoàn thành trong năm 2015, dự án kiểm toán năm 2015 chuyển sang, Dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên, một số dự án nhóm A...
Trong năm 2015, tình hình giải ngân vốn ODA đang có xu hướng vượt dự toán khá cao, dẫn tới bội chi NSNN không giữ được mức trần đã được Quốc hội quyết định.
Ông Phan Trung Lý đề nghị kiểm toán việc tổ chức lễ hội quốc gia.
Đồng tình kiểm toán công trình sử dụng vốn ODA, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga đề nghị cần nêu rõ danh tính cụ thể địa phương, Bộ ngành nào không thực hiện kết luận của kiểm toán. Bên cạnh đó, bà Nga cũng đề nghị kiểm toán mức chi cho chương trình mục tiêu quốc gia về phòng chống tội phạm.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, 2016 là năm kết thúc nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, năm 2015 cũng là năm kỷ niệm nhiều, do vậy, ông Lý đề nghị năm 2016 nên tập trung kiểm toán thuộc chương trình 5 năm và những gì Quốc hội quyết định cũng cần kiểm toán. Bên cạnh đó, ông Phan Trung Lý cũng đề nghị tiến hành kiểm toán về các lễ hội quốc gia. “Vì chủ trương là tiết kiệm nên cần công khai để dư luận biết chúng ta đã tiết kiệm thế nào”, ông Lý cho hay.
Trước kiến nghị mở rộng phạm vi kiểm toán của đại biểu, ông Nguyễn Hữu Vạn cho biết, số lượng cán bộ kiểm toán không nhiều, mặt khác về chuyên môn cũng có những lĩnh vực phải đào tạo lại mới đáp ứng được yêu cầu, nhất là lĩnh vực kiểm toán về ngân sách nhà nước. Do vậy việc kiểm toán phải có sự lựa chọn và không thể mở rộng.
Kết thúc phiên thảo luận, chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị KTNN những nội dung mà đại biểu đề nghị không đưa vào kế hoạch kiểm toán 2016 thì phải xem xét đưa vào kế hoạch tiếp theo của năm 2017. Đồng thời, KTNN phát huy vai trò là một trong những công cụ phòng chống và phát hiện tham nhũng.