Tại buổi thông tin báo chí Thành ủy ngày 25/8, Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Nguyễn Tiến Đà cho biết, hiện vật trong kho của Bảo tàng tuy nhiều nhưng chưa đáp ứng yêu cầu.
Để bù đắp những khu trống vắng, Bảo tàng Hà Nội đã hoàn thành sưu tầm 614 hiện vật chủ đề “Tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên Hà Nội”, “Hà Nội thời Tiền - Sơ sử” và đã tiếp nhận 3.000 hiện vật, tài liệu do các tổ chức, cá nhân hiến tặng.
Hình dáng của Bảo tàng Hà Nội được đơn vị tư vấn thiết kế của Cộng hòa Liên bang Đức tham mưu. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Lý giải về sự đìu hiu của "bảo tàng nghìn tỷ", ông Trương Minh Tiến - Phó giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội cho rằng, vắng khách vì đang trưng bày tạm chưa thể hấp dẫn du khách.
Về lý do tiến hành trưng bày hiện vật chậm, ông Tiến giải thích, nhiều hiện vật trước kia định mua thì đến nay họ đã bán rồi. Mặt khác việc thỏa thuận giá cũng gặp nhiều khó khăn, trong khi việc chi tiêu ngân sách lại vô cùng chặt chẽ. Bên cạnh đó, các hiện vật mua trưng bày phải là "hàng thật" chứ không phải sao chép…
Trong khi đó, theo ông Đồng Huyền Ngọc - Ban quản lý dự án Bảo tàng Hà Nội, Sở Xây dựng, số tiền mua hiện vật trưng bày ước tính 129 tỷ và dự kiến sẽ mua bổ sung khoảng 70 tỷ đồng. Về nguồn kinh phí, dự án Bảo tàng Hà Nội quyết toán là 1.697 tỷ, đã kiểm toán đợt 1.500 tỷ, phần còn lại sẽ kết thúc kiểm toán vào tháng 9/2015.
Lý giải về hình dáng của bảo tàng, ông Đồng Ngọc Huyền cho biết, đơn vị tư vấn thiết kế đến từ Cộng hòa Liên bang Đức. "Việc xây dựng theo mô hình tháp ngược là thể hiện sự phát triển của Hà Nội. Càng tiệm cận giai đoạn hiện đại càng phải nở ra", ông Huyền nói.