Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng. Ảnh: Bộ Ngoại giao. |
Trong cuộc họp báo thường kỳ chiều 9/3, Phó phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng cho biết Việt Nam “lấy làm tiếc” trước việc chính phủ Hàn Quốc kháng cáo phán quyết của tòa án liên quan tới vụ thảm sát Phong Nhị.
“Điều đó không phản ánh đúng sự thật khách quan về vấn đề này. Việt Nam chủ trương gác lại quá khứ, hướng tới tương lai nhưng không có nghĩa là phủ nhận sự thật lịch sử”, bà Hằng khẳng định.
Do đó, theo phó phát ngôn, trên tinh thần là đối tác chiến lược toàn diện, Việt Nam đề nghị phía Hàn Quốc nhận thức đúng đắn và tôn trọng sự thật lịch sử, khuyến khích các hành động thiết thực hiệu quả nhằm khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố tăng cường tình hữu nghị và quan hệ hợp tác tốt đẹp giữa hai nước.
Trước đó, ngày 9/3, Reuters dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết chính phủ nước này “sẽ hợp tác đầy đủ trong quá trình xét xử dưới sự tham vấn liên tục của các cơ quan liên quan, nhằm nhận được phán quyết phúc thẩm trên cơ sở thực tế”.
Vào ngày 7/2, tòa án quận trung tâm ở thủ đô Seoul đã yêu cầu chính phủ Hàn Quốc bồi thường cho bà Nguyễn Thị Thanh - một nạn nhân trong vụ thảm sát do quân đội nước này gây ra khi tham chiến tại Việt Nam.
Theo Yonhap News, phán quyết của tòa án quận trung tâm ở thủ đô Seoul ngày 7/2 là lần đầu tiên một tòa Hàn Quốc yêu cầu chính phủ nước này phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho nạn nhân vụ thảm sát Phong Nhị ở tỉnh Quảng Nam vào năm 1968.
Trọng vụ thảm sát vào tháng 2/1968, khoảng 70 dân thường làng Phong Nhị đã bị các binh sĩ thuộc lữ đoàn thủy quân lục chiến số 2 của quân đội Hàn Quốc sát hại.
Vào năm 2020, bà Nguyễn Thị Thanh, một trong những người sống sót sau vụ thảm sát, nộp đơn kiện chính phủ Hàn Quốc tại tòa án nước này, yêu cầu nhận được khoản bồi thường trị giá khoảng 23.800 USD.
Những cuốn sách nên đọc về luật pháp quốc tế
Mục Thế giới giới thiệu tới độc giả các cuốn sách hay nên đọc để hiểu thêm về luật pháp quốc tế, lĩnh vực rất quan trọng trong quan hệ quốc tế, giúp giải quyết những tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và đặt ra quy chuẩn về hợp tác giữa các quốc gia.
Độc giả có thể xem thêm tại đây.