Bộ Y tế vừa có văn bản gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội về việc tăng cường công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết. Bộ Y tế đề nghị Hà Nội giám sát chặt, phát hiện sớm ổ dịch.
Trong thời gian qua, Bộ Y tế và Hà Nội đã thường xuyên chỉ đạo và tổ chức nhiều đoàn kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố. Tuy nhiên, theo báo cáo ghi nhận của Cục Y tế Dự phòng, tính đến ngày 1/12, Hà Nội đã có 37.441 số ca mắc sốt xuất huyết và 4 ca tử vong, riêng trong tuần 48 (27/11-3/12) số mắc vẫn còn rất cao, với 1.715 trường hợp mắc mới, 33 ổ dịch mới tại 13 quận, huyện, thị xã và còn 88 ổ dịch đang hoạt động tại 19 quận, huyện, thị xã.
Để kịp thời triển khai các biện pháp phòng, chống dịch và kiểm soát hiệu quả bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn Thủ đô, Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND TP Hà Nội quan tâm chỉ đạo thực hiện nhiều nội dung.
Điều trị cho bệnh nhân mắc sốt xuất huyết tại Hà Nội. Ảnh: Minh Quyết/TTXVN. |
Cụ thể, Hà Nội cần nâng cao vai trò, trách nhiệm của chính quyền các cấp, giao trách nhiệm cụ thể cho chính quyền các cấp và huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở phối hợp với ngành Y tế triển khai các chiến dịch vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng/bọ gậy.
Các cơ sở cần duy trì triển khai tổ phòng, chống sốt xuất huyết cộng đồng, tuyên truyền, hướng dẫn, giám sát việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng với thông điệp "mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy" tại hộ gia đình; tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống bệnh sốt xuất huyết trên địa bàn.
UBND TP Hà Nội chỉ đạo Sở Y tế; Giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương và Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương để phân tích, đánh giá tình hình, nguyên nhân gia tăng bệnh sốt xuất huyết và tham mưu công tác chỉ đạo phòng, chống bệnh sốt xuất huyết tại Hà Nội theo Công văn số 928/DP-DT của Cục Y tế Dự phòng.
Các đơn vị y tế cần tiếp tục giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, phát hiện sớm các ổ dịch sốt xuất huyết; phối hợp với các lực lượng liên quan tăng cường công tác vệ sinh môi trường, diệt loăng quăng bọ gậy triệt để, xử lý ca bệnh, tổ chức phun hóa chất ngay khi phát hiện ổ dịch, đảm bảo hiệu quả, triệt để, không để ổ dịch bùng phát rộng, diễn biến kéo dài.
Các đơn vị có liên quan cần tổ chức tốt việc thu dung điều trị bệnh nhân, điều trị đúng phác đồ, hạn chế các trường hợp tử vong. Thực hiện tốt việc phân loại bệnh nhân, phân tuyến điều trị, tránh hiện tượng bệnh nhân đến bệnh viện muộn không được cấp cứu, điều trị kịp thời hoặc gây quá tải bệnh viện.
Các đơn vị y tế tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống bệnh sốt xuất huyết và các dịch bệnh khác theo phương châm 4 tại chỗ.
Bộ Y tế đề nghị Chủ tịch UBND Hà Nội chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tiếp tục tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống bệnh sốt xuất huyết, các khuyến cáo của Bộ Y tế trên các phương tiện thông tin đại chúng; tuyên truyền, cung cấp thông tin đầy đủ, kịp thời để người dân biết, chủ động phòng chống, không hoang mang, lo lắng cũng như không ảnh hưởng đến hoạt động phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Liên quan đến công tác phòng chống dịch sốt xuất huyết trên địa bàn thành phố, theo CDC Hà Nội, kết quả giám sát công tác phòng, chống sốt xuất huyết tại một số ổ dịch trong tuần qua cho thấy, chỉ số BI (là chỉ số điều tra số dụng cụ chứa nước có lăng quăng, muỗi vằn) đã giảm dưới ngưỡng quy định. Kết quả giám sát tại một số nơi cho thấy: Xã Kim Thư, huyện Thanh Oai có BI=15; xã Cổ Đông, thị xã Sơn Tây BI=5; xã Đại Mạch, huyện Đông Anh BI=15…
Từ kết quả trên, CDC Hà Nội đánh giá, số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, nhưng vẫn ở mức cao. Do đó, người dân không được chủ quan mà cần tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch bệnh theo hướng dẫn của ngành Y tế...