Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đề nghị công khai lộ trình xử lý ô nhiễm sau sự cố cá chết

Đại diện Hội nghề cá Việt Nam đề nghị sớm công khai lộ trình khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, trả lại ngư trường cho ngư dân.

Theo các chuyên gia, ngoài việc bồi thường cho ngư dân thì lộ trình khắc phục sự cố môi trường, trả lại ngư trường khai thác lâu dài mới là quan trọng.

Phải trả lại ngư trường cho ngư dân

Ông Nguyễn Tử Cương, Trưởng ban Phát triển thủy sản bền vững (Hội nghề cá Việt Nam) nhìn nhận, việc Chính phủ công bố rõ ràng nguyên nhân, thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết là điều đáng mừng. Hội Nghề cá đề nghị trong số tiền 500 triệu USD mà Formosa cam kết bồi thường thì phải tính đền bù toàn bộ những gì Chính phủ đã ứng trước như gạo, hỗ trợ lãi suất, rồi hải sản chết, nghề cá của ngư dân bị ảnh hưởng...

“Các cơ quan chức năng cần có tổng điều tra tài nguyên sống ở các vùng biển từ Hà Tĩnh đến Thừa Thiên - Huế bị hủy hoại do độc tố mà Formosa thải ra và yêu cầu họ phục hồi vùng tài nguyên môi trường này” - ông Cương kiến nghị.

Sau vụ cá chết: Thuyền nằm bờ, ngư dân thất nghiệp

Nhiều ngư dân Hà Tĩnh rơi vào cảnh thất nghiệp hoặc phải chuyển sang nghề khác mưu sinh sau sự việc cá chết hàng loạt trôi dạt vào bờ biển ở các tỉnh miền Trung.

Theo ông Cương thời gian vừa qua, Hội nhận được nhiều ý kiến từ ngư dân về việc ngư trường gần bờ không còn hải sản để đánh bắt. “Việc Formosa bồi thường là cần thiết nhưng cần công khai lộ trình khắc phục sự cố ô nhiễm môi trường biển ở 4 tỉnh miền Trung, để người dân tiếp tục đánh bắt hải sản, kiếm sống” – đại diện Hội nghề cá cho hay.

Ông Cương đưa ra dẫn chứng, ở Nhật sự cố ô nhiễm môi trường biển phải mất 20 năm mới khôi phục được. Vì thế, dù lâu nhưng nhất thiết chúng ta phải làm để trả lại môi trường, nguồn lợi hải sản cho ngư dân. Tuần tới, Hội Nghề cá sẽ có văn bản kiến nghị cụ thể gửi Chính phủ và các bộ ngành liên quan về vấn đề này.

xu ly o nhiem sau su co ca chet anh 1
Ngư dân thiệt hại nặng nề sau sự cố cá chết hàng loạt. Ảnh: Lê Hiếu.

Đồng quan điểm, phó giáo sư Đặng Thị Cẩm Hà (nguyên Trưởng phòng Công nghệ sinh học môi trường, Viện Công nghệ sinh học) nhìn nhận, làm thế nào để xử lý triệt để ô nhiễm trên vùng biển đó, mất bao lâu và tốn bao nhiêu tiền để trả lại môi trường trong sạch là những câu hỏi được các nhà khoa học cùng người dân cả nước quan tâm.

"Chúng ta cần chờ đợi kết quả phân tích, đồng thời phải xem quá trình tự phục hồi sinh học, quá trình tự phân hủy tự nhiên xảy ra như thế nào. Lúc đó, những dữ liệu cụ thể để từ đó các bộ, ngành chức năng, các nhà khoa học sẽ tính toán các phương án xử lý, công nghệ xử lý phù hợp nhất” – bà Hà chia sẻ.

Lên phương án xử lý trầm tích

Phó giáo sư Trịnh Văn Tuyên (Viện trưởng Viện Công nghệ Môi trường) phân tích, môi trường biển gồm nước biển, trầm tích biển và san hô. Về nước biển, các nhà khoa học cùng các cơ quan liên quan đã lấy mẫu phân tích rất cẩn thận, nồng độ các chất ô nhiễm trong nước biển rất thấp, chỉ duy nhất hàm lượng sắt là khá cao so với tiêu chuẩn (như kết quả đo được ở trạm Sơn Dương, Vũng Áng, Hà Tĩnh).

Với trầm tích biển, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục tiến hành đo 13 mặt cắt vào những thời điểm khác nhau để xem sự giải hấp, biến thiên của độc tố như thế nào, trong quá trình giải hấp, nồng độ độc tố giảm dần hay vẫn giữ nguyên. Kết quả này sẽ là cơ sở để chúng ta đưa ra phương án xử lý ô nhiễm môi trường biển khu vực 4 tỉnh miền Trung.

xu ly o nhiem sau su co ca chet anh 2
Thuyền của ngư dân nằm bờ sau sự cố cá chết hàng loạt do ô nhiễm biển. Ảnh: Hòa Đức.

Còn theo tiến sĩ Vũ Đức Lợi (Phó viện trưởng Viện Hóa học), ngày 12/7, kết quả phân tích hàm lượng phenol, cyanua còn lại trong nước biển, cũng như các thông số cụ thể khác sẽ có.

“Nếu hàm lượng phenol, cyanua còn lại ở trong nước biển vẫn cao, cùng với đó là có kim loại nặng thì bắt buộc phải hút trầm tích vì kim loại nặng không tự phân hủy” – tiến sĩ Lợi lo ngại.

Trong tình huống đó, giải pháp làm sạch biển 4 tỉnh miền Trung bị ô nhiễm là phải hút hàng ngàn tấn trầm tích. Một tấn trầm tích khi hút mất ít nhất 11 đến 36 USD và chúng ta sẽ phải hút suốt chiều dài hơn 200 km, hút sâu tối thiểu 50 cm thì mới đảm bảo sạch biển. Kinh phí hút 1.000 tấn cũng phải mất vài nghìn tỷ đồng - ông Lợi thông tin.

Toàn cảnh vụ cá chết hàng loạt tại miền Trung Chiều nay, 30/6, sau gần 3 tháng, nguyên nhân và thủ phạm gây ra hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung sẽ được công bố.

Thủ tướng: Lên kế hoạch sử dụng tiền bồi thường của Formosa

Thủ tướng giao Phó thủ tướng Vương Đình Huệ và Bộ trưởng Tài chính cùng chỉ đạo để cuối tháng 7 xây dựng được phương án xử lý khoản tiền bồi thường 11.500 tỷ của Formosa.

 



Thắng Quang

Bạn có thể quan tâm