Tháng 1/2014, một khách hàng của Viễn thông Cà Mau bị nhà mạng truy thu số tiền lên tới 1,14 tỷ đồng cước dịch vụ chỉ trong một tháng. Số tiền phát sinh này tính trên gần 6.000 cuộc gọi, chủ yếu diễn ra từ ngày 18/1/2014 đến 19/1/2014. Phần lớn các cuộc gọi thực hiện roaming ở nước ngoài, trong đó có những cuộc gọi khó hiểu như 9 lần trong cùng một thời điểm (cùng giây, cùng phút, cùng giờ) và 49 cuộc trong vòng một phút.
Trước đó, chủ thuê bao đã báo mất máy và sim vào 22h ngày 18/1/2014, và được thực hiện khóa mạng sáng 19/1/2014. Khách hàng này đăng ký thuê bao di động trả sau và chỉ có mức ký gửi 5 triệu đồng.
Liên lạc với VNPT Cà Mau, cơ quan này cho biết, đã có một đơn vị được thành lập riêng để giải quyết vụ việc trên. Tuy nhiên, phóng viên Zing.vn không thể liên lạc được với người có thẩm quyền giải quyết, do các phòng ban tại VNPT Cà Mau liên tục chuyển trách nhiệm trả lời cho nhau.
Việc khách chỉ ký gửi 5 triệu đồng mà có thể sử dụng quá cước tới 1,1 tỷ đồng có lỗi từ phía nhà mạng. Ảnh minh họa: Huffington Post. |
Nhận xét về vụ cước điện thoại hơn một tỷ đồng, giám đốc khối dịch vụ, giá cước của một công ty viễn thông lớn, cho biết, nếu hệ thống vận hành tốt, việc này không thể xảy ra. Thông thường, khách hàng đi nước ngoài có roaming quốc tế chỉ được phép gọi hoặc nhắn tin, dùng 3G với cước tối đa bằng mức đặt cọc, hoặc là mức dùng cao nhất trước đó từng sử dụng.
"Mỗi khách hàng có một hạn mức cước phát sinh gọi là 'mức báo đỏ'. Hạn mức này tùy thuộc vào lịch sử sử dụng của khách hàng. Khi số tiền cước vượt quá, nhà mạng sẽ có tin nhắn gửi cho khách để cảnh báo, tránh tình trạng vô ý sử dụng quá mức mà không hay biết", vị này cho hay.
Chuyên gia về giá cước và dịch vụ viễn thông di động cho biết, mức cước phát sinh quá lớn sẽ dẫn tới nguy cơ khách hàng không có khả năng thanh toán, gây thất thu cho nhà mạng. "Nếu để cước roaming lên hàng chục triệu đồng mà chưa có tin nhắn cảnh báo đã quá nhiều rồi. Nhà mạng để mức cước lên đến hơn cả tỷ đồng mà vẫn cho khách hàng dùng bình thường, không cảnh báo hay chặn dịch vụ thì phi lý. Điều này phải kiểm tra lại hệ thống chứ không thể lỗi hoàn toàn do khách hàng”, vị này nói.