Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để giảm đồ ăn siêu chế biến, cần sản xuất thực phẩm ở quy mô lớn

Sau chiến tranh, nhiều trang trại đối mặt với nguy cơ phá sản, chính phủ Mỹ tung ra chính sách trợ giá và trợ cấp để bồi thường cho nông dân khi họ chịu thiệt hại.

Ảnh: Shutterstock.

Trong những năm sau khi chiến tranh kết thúc, dân số bùng nổ trên toàn cầu. Ở Mỹ, dân số tăng vọt từ 130 triệu người vào năm 1940 lên tới 151 triệu người vào năm 1950. Xu hướng này làm dấy lên nỗi lo sợ rằng những nạn đói có thể sẽ dồn dập kéo đến nếu như không có cách nào để đẩy mạnh sản lượng của những vụ mùa lớn như lúa mỳ, ngô, đậu nành, gạo, và nhiều loại cây lương thực quan trọng khác.

Lúc này, Bộ Nông nghiệp Mỹ và các tổ chức lớn trên thế giới bắt đầu ra sức ủng hộ các giống cây lai và phương pháp sử dụng hóa chất tổng hợp của Borlaug, lấy đó làm giải pháp cho vấn nạn đang lơ lửng treo trên đầu nhân loại, và vì thế những phương pháp trồng trọt hữu cơ đang đâm chồi bỗng chốc bị đè bẹp không thương tiếc.

Một hiệu ứng ngược khủng khiếp của việc áp dụng cách tiếp cận của Borlaug ở Mỹ là sự gia tăng sản lượng ngô, lúa mì và đậu nành đã khiến nhiều nông dân dành toàn bộ đất canh tác của mình chỉ để trồng một hoặc hai loại cây này. Ngoài ra, người ta cũng dành ra thêm nhiều đất để trồng các loại ngũ cốc có chất lượng thấp hơn cho gia súc ăn (gọi là “cây trồng hàng hóa”), nông dân và các chủ trại gia súc không còn chăn thả động vật trên đồng nữa mà đưa chúng vào các khu chăn nuôi tập trung với mật độ dày đặc.

Dày đặc như thế nào? Hầu hết tiểu bang đều cho phép nhốt 10.000 con lợn, 125.000 con gà, và 1.000 con bò trên một mảnh đất có diện tích rộng khoảng 40.000 m2. Để bạn đọc tiện so sánh, với phương pháp chăn thả, người ta đề xuất dành 7.000 m2 cho mỗi con bò, nghĩa là với 40.000 m2 thì chỉ vừa vặn cho khoảng 6 con bò mà thôi. Hơn nữa, bởi vì loài bò tiến hóa để ăn cỏ chứ không phải ngô, nên để chúng khỏe mạnh, người ta phải cho chúng dùng cả thuốc kháng sinh.

Ngày nay, chỉ có 27% quỹ đất nông nghiệp ở Mỹ được dùng để sản xuất lương thực cho con người, phần còn lại dành cho các loại cây trồng hàng hóa. Ba loại ngũ cốc quan trọng và cây bông thống trị gần như toàn bộ quỹ đất nông nghiệp ở Mỹ, đến mức chỉ có 2% đất canh tác được dùng để trồng các loại rau củ quả.

Trong khi đó, rất nhiều loại nông sản vốn trước đó vẫn được trồng thì cho đến nay đều dần dần bị triệt tiêu. Tại thời điểm đầu thế kỷ 20, người nông dân Mỹ trồng 544 loại cải bắp, 497 loại rau xà lách, 408 loại đậu, và 408 loại cà chua. Sự thay đổi sau đó được tạp chí Fast Company tóm tắt lại rất súc tích như sau: “Trong vòng 80 năm chúng ta đã để mất 93% sự đa dạng trong các loại giống cây trồng lương thực”.

Sau chiến tranh, số lượng các trang trại được cơ khí hóa ngày càng nhiều lên, rất nhiều loại máy móc phục vụ mùa màng với hiệu suất cao ra đời. Như Rachel Carson đã chỉ ra sự kết hợp giữa sản lượng cao, sự tập trung vào một số ít loại cây trồng, và xu hướng cơ khí hóa đã dẫn đến tình trạng dư thừa quá mức của các loại cây trồng chính.

Hậu quả tiếp theo là giá cả sụt giảm, và nhiều trang trại phải đối mặt với nguy cơ phá sản cận kề. Và thế là chính phủ lại tung ra cái gọi là chính sách trợ giá với những biện pháp như trả tiền cho nông dân để họ không trồng trọt nữa mà bỏ đất hoang và trợ cấp bảo hiểm cây trồng để bồi thường cho nông dân khi họ chịu thiệt hại, vì thế khiến cho việc trồng trọt trở thành một miếng mồi ngon để nhận những khoản trợ cấp.

Để trợ giá cho các loại cây trồng hàng hóa, chính phủ thu mua chúng với số lượng lớn rồi đem cất trong những hầm chứa khổng lồ. Những người nông dân chăn nuôi bò sữa cũng nhận được hỗ trợ, theo đó chính phủ cũng thu mua nhiều lượng lớn sữa, bơ, và phô-mai. Sau đây là một bằng chứng kỳ cục cho thấy hệ thống này đã trở nên lố bịch như thế nào: Các sản phẩm bơ sữa đó được cất trong các tủ cấp đông và phòng mát đặt trong một mỏ đá vôi cũ và trong một vài hang động ngầm ở ngoại ô Thành phố Kansas, Missouri.

Tuy vậy, sự lố bịch của hệ thống này lại nhận được sự hậu thuẫn nhiệt tình của các tập đoàn lớn trong lĩnh vực nông nghiệp (hay còn gọi là các Big Ag). Sau quá trình sáp nhập không ngừng nghỉ, hiện nay chỉ còn sáu tập đoàn thống trị mảng kinh doanh “các sản phẩm đầu vào”, nghĩa là cây giống, phân bón, và thuốc trừ sâu: Dow, Monsanto (công ty này vừa mới sáp nhập với Bayer và lấy tên của Bayer), DuPont, BASF, và Syngenta.

Trên thị trường hiện nay cũng chỉ còn lại ba tập đoàn chi phối việc thu mua bốn loại cây trồng chính của nông dân, bao gồm: Cargill, Archer Daniels Midland, và CHS Inc. Mối quan tâm của những tập đoàn này nằm ở chỗ làm sao để bán cho nông dân ngày càng nhiều sản phẩm đầu vào, với mức giá ngày càng tăng. Một trong những hệ quả ở đây là chỉ có 1% quỹ đất nông nghiệp ở Mỹ được dùng cho trồng trọt hữu cơ, dù rằng nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ hiện rất cao đến mức mỗi năm chúng ta đều nhập từ nước ngoài về hàng tỉ đô-la các sản phẩm hữu cơ.

Trong khi đó, đa phần nông dân đều đang bị chèn ép với cường độ ngày càng cao, lợi nhuận mà họ kiếm được chỉ ở mức rất thấp ngay cả trong những năm bội thu và họ thường xuyên bị thua lỗ, dẫu được trợ cấp bảo hiểm cây trồng nhưng khoản tiền này thường là không đủ để bù đắp cho họ.

Độ phủ của nền công nghiệp hóa đối với lĩnh vực nông nghiệp đã tạo ra một nhận thức rất phổ biến rằng hầu hết trang trại đều là các cơ sở hoạt động lớn do các tập đoàn vận hành, trong khi trên thực tế tới 97% số trang trại ở Mỹ hiện vẫn thuộc quyền sở hữu của các gia đình, và hầu hết đều có diện tích chưa đến 1,5 km2.

Tuy nhiên, trong tổng số 15-17 tỷ USD tiền trợ cấp hàng năm mà chính phủ chi ra trong suốt mấy thập niên trở lại đây, đại đa số đều rơi vào tay một nhóm thiểu số gồm các trang trại lớn do các tập đoàn vận hành. Ví dụ, từ năm 1995 đến 2017, 10% trang trại lớn nhất nước Mỹ nhận được 77% trong tổng số 205 tỉ đô-la tiền trợ cấp. Trong khi đó, đối với các trang trại gia đình, bóng ma phá sản luôn thường trực, nhiều người bị đẩy vào những tình cảnh tuyệt vọng đến nỗi tỉ lệ tự tử ở nông dân Mỹ hiện đã tăng hơn 50% so với dân số chung.

Vì sao một hệ thống bất công như vậy lại tồn tại? Chủ yếu là do sức mạnh chính trị của người nông dân ngày càng giảm, trong khi sức mạnh vận động hành lang của nhóm Big Ag lại ngày càng tăng. Số lượng nông dân ở Mỹ bắt đầu giảm mạnh từ thập niên 1950, từ 30,5 triệu người trước Thế chiến II (chiếm 23% dân số và là nhóm cử tri lớn nhất nước) xuống còn 2 triệu người như hiện nay. Sự đóng góp của các tập đoàn cho chiến dịch của các chính trị gia thừa để họ bù đắp cho bất kỳ ảnh hưởng bất lợi nào mà người nông dân có thể mang đến cho họ.

Câu chuyện buồn này tạo ra một phản tác dụng tai hại: Do số lượng người trồng rau củ quả giảm xuống, nên giá thành của các loại nông sản này vận động theo chiều hướng gia tăng.

Đây là một yếu tố quan trọng giải thích cho việc vì sao các công ty chế biến thực phẩm như Kraft và General Mills thay thế các chất làm ngọt tự nhiên này bằng các chất đường và chất béo lấy từ các loại ngũ cốc giá rẻ (nổi tiếng nhất là siro ngô). Và điều này đã mang đến những hệ quả khôn lường cho chế độ ăn uống cũng như sức khỏe của chúng ta.

Như Tiến sĩ Mark Hyman đã chỉ ra trong cuốn sách Food Fix (tạm dịch: Giải pháp bằng thực phẩm), việc nhồi nhét đường, muối, và chất béo vào thực phẩm chế biến đã dẫn đến đại dịch béo phì không chỉ ở Mỹ mà còn ở khắp nơi trên thế giới, cũng như làm gia tăng mạnh số người mắc bệnh tiểu đường, bệnh tim mạch, cùng nhiều loại bệnh tật khác.

Một nghiên cứu với nhiều phát hiện đáng sửng sốt được thực hiện gần đây đã cho thấy rằng tính trung bình một ngày, những người ăn thực phẩm chế biến hấp thụ một lượng calo nhiều hơn 50% so với những người được cung cấp một chế độ ăn uống lành mạnh, không có thực phẩm chế biến.

Hơn nữa, những người ăn thực phẩm chế biến có tốc độ ăn nhanh hơn, bởi vì những tín hiệu xuất phát từ đường dạ dày đến não bộ để thông báo trạng thái no bụng đã bị bao vây. Đây hoàn toàn không phải là sự ngẫu nhiên. Các công ty kinh doanh thực phẩm chế biến đã và đang nỗ lực để khuyến khích chúng ta ăn nhiều hơn nữa, nhanh hơn nữa.

Các nhà khoa học làm việc cho Kraft và các tập đoàn hàng đầu khác trong lĩnh vực thực phẩm chế biến đã khám phá ra nhiều bí quyết giúp thực phẩm tăng khả năng gây nghiện. Ngành khoa học nghiên cứu cách điều vị thực phẩm đã phát triển lên những cấp độ tinh vi đáng kinh ngạc, trong đó người ta sử dụng các thiết bị công nghệ cao như quang phổ kế, máy sắc ký khí, và máy phân tích độ bốc hơi trên đỉnh (xin đừng hỏi tôi đó là gì) để đo lường mức độ hiệu quả câu dẫn người ăn của các loại hương vị mà họ đưa vào trong thực phẩm.

Đưa hương vị vào thực phẩm là một bước cần thiết, bởi vì nếu không những loại thực phẩm mà họ đã dày công chế biến ra hầu như sẽ không có bất kỳ hương vị gì. Như phóng viên Michael Moss đã chỉ ra trong cuốn sách khiến nhiều người giật mình của ông, Salt Sugar Fat (tạm dịch: Muối đường béo), tính tới năm 1960, đội quân các “chuyên gia hương vị” này đã tạo ra 1.500 loại hương vị nhân tạo khác nhau.

Tuy vậy, cho đến nay, ba loại chất điều vị được nêu trong nhan đề cuốn sách trên (chất muối, chất đường, và chất béo) vẫn là những tác nhân chịu trách nhiệm lớn nhất tạo nên sự thèm muốn đối với thực phẩm chế biến trong thời đại ngày nay. Tác giả tiết lộ một thông tin đáng sửng sốt: Những chuyên gia này đã tìm được cách khiến cho đường chế biến có độ ngọt cao gấp 200 lần so với đường tự nhiên. Họ cũng đã biết cách xác định được “điểm thỏa mãn tối đa” mà theo giải thích của Moss, điểm thỏa mãn tối đa là “số lượng chính xác chất ngọt cần dùng để khiến đồ ăn và thức uống đạt tới trạng thái ngon miệng nhất”.

Cũng theo Moss, sở dĩ có thể đạt tới trạng thái ngon miệng như vậy là bởi vì các nhà khoa học thực phẩm cũng phát hiện ra rằng não bộ phản ứng với chất đường hệt như với cocaine. Tuy nhiên, có lẽ phát hiện tai hại nhất mà Moss mô tả trong cuốn sách là phát hiện về “mật độ calo biến mất”, tức là hiện tượng khiến những thực phẩm nhanh chóng tan chảy trong miệng của chúng ta phát đi tín hiệu tới não bộ rằng chúng không có calo.

Theo chia sẻ của nhà khoa học thực phẩm Steven Witherly với Moss thì, với loại thực phẩm này, “Bạn có thể tiếp tục ăn chúng không bao giờ ngừng”. Điều này giải thích vì sao chúng ta có thể nhanh chóng ăn hết nhiều lượng lớn khoai tây chiên và các loại đồ ăn mềm như snack Cheetos đến vậy.

Mark Hyman viết rằng để thoát khỏi sự ràng buộc này, các ý tưởng đổi mới sáng tạo về canh tác và phân phối thực phẩm phải “sản xuất được thực phẩm thực sự ở quy mô lớn” thông qua việc “tái hình dung về hệ thống thực phẩm từ trang trại tới bàn ăn và xa hơn nữa”. Đây cũng chính là điều mà các nhà cách tân trong nền kinh tế lương thực tuần hoàn đang trên đà đạt được những thành tựu lớn lao, trong đó họ bắt đầu bằng việc nhìn về quá khứ để hướng tới tương lai.

Ron Gonen/NXB Công thương & Thaihabooks.

SÁCH HAY