Đe doạ siêu cường Mỹ, Triều Tiên mạnh đến đâu?
Triều Tiên cho thấy, họ sẵn sàng đi đến cùng với các cường quốc đối địch. Liệu Triều Tiên có thực sự muốn và có đủ sức mạnh để thực hiện những lời đe doạ đó hay không?
Những ngày gần đây, người ta chứng kiến chính quyền của nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un liên tiếp đưa ra những lời đe doạ và cảnh báo đầy sắc lạnh nhằm vào siêu cường số một thế giới - Mỹ cùng với nước láng giềng Hàn Quốc.
Liên tiếp “tung” lời đe doạ
Sau khi Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hồi tuần trước thông qua một nghị quyết mới nhằm lên án và trừng phạt vụ phóng tên lửa tầm xa hồi tháng 12 năm ngoái của Triều Tiên, nước này đã thực sự nổi giận, ngay lập tức tung ra một loạt phản ứng đầy thách thức.
Theo Nghị quyết 2087 vừa được 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc thông qua, Triều Tiên được yêu cầu tuân thủ nghiêm túc tất cả những nghị quyết có liên quan được Hội đồng Bảo an thông qua trước đó và không tiến hành thêm bất kỳ vụ thử công nghệ tên lửa hay hạt nhân nào nữa. Thách thức nghị quyết này, Triều Tiên tuyên bố sẽ tiến hành một vụ thử hạt nhân thứ ba và thêm nhiều vụ thử tên lửa mới.
Bình Nhưỡng cho biết, họ không giấu diếm thực tế là đang chuẩn bị cho một loạt vụ phóng tên lửa tầm xa lớn hơn và hiện đại hơn. Đồng thời, Triều Tiên cũng tuyên bố sẽ thử một vụ thử hạt nhân thứ ba tinh vi hơn.
Chưa hết, Triều Tiên còn không ngại ngần đe doạ sẽ có “hành động toàn diện” nhằm chống lại “kẻ thù không đội trời chung là Mỹ”.
Sau khi chĩa mũi “tấn công” vào Mỹ, Triều Tiên tiếp tục quay sang đe doạ nước láng giềng Hàn Quốc. Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ “có biện pháp đáp trả bằng vũ lực mạnh mẽ” nhằm vào Hàn Quốc nếu Seoul tham gia vào các biện pháp trừng phạt nước này. "Trừng phạt đồng nghĩa với chiến tranh”, một tuyên bố được đăng tải trên Hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA đã gửi đi thông điệp như vậy đến cho Hàn Quốc.
Những lời đe doạ hay cảnh báo kiểu trên của Bình Nhưỡng không có gì là lạ nếu không nói là thường xuyên. Mỗi lần bán đảo Triều Tiên căng thẳng hay đối mặt với sự chỉ trích của các nước, Bình Nhưỡng luôn đáp trả bằng những lời cảnh báo sắc lạnh như biến Hàn Quốc thành “biển lửa” hay phát động một cuộc “chiến tranh thần thánh” nhằm vào kẻ thù.
Tuy nhiên, những lời đe doạ, cảnh báo chiến tranh thực chất chỉ là đòn tâm lý. Triều Tiên chắc chắn sẽ không muốn gây chiến tranh và nước này cũng chưa đủ sức để có thể gây ra mối đe doạ thực sự nghiêm trọng đối với nước Mỹ. Ngoài ra, Bình Nhưỡng còn muốn thông qua những lời đe doạ “đao to búa lớn” của mình để tạo vị thế thuận lợi trong các cuộc đàm phán, mặc cả với các cường quốc.
Mặc dù phần lớn những lời đe doạ vừa được Triều Tiên đưa ra trong những ngày gần đây chỉ là trên lời nói nhưng một số trong số này có thể trở thành sự thực.
Triều Tiên sẽ thực hiện lời đe doạ nào?
Người ta tin rằng, dù không thực hiện lời đe doạ chiến tranh hay dùng vũ lực nhưng Bình Nhưỡng có thể sẽ tiến thành vụ thử hạt nhân thứ ba và một loạt vụ thử tên lửa đạn đạo tầm xa mới.
Thông tin báo chí đang rộ lên về việc Triều Tiên đang chuẩn bị cho một vụ thử hạt nhân mới sau hai vụ thử gây chấn động năm 2006 và 2009. Hàn Quốc và một số nhà quan sát khác tin rằng, Triều Tiên đã sẵn sàng về mặt kỹ thuật cho vụ thử hạt nhân thứ ba và quyết định giờ đây chỉ còn phụ thuộc vào Nhà lãnh đạo trẻ Kim Jong-un. Có vẻ như ông Kim Jong-un sẽ không khó để ra một quyết định như vậy bởi chính ông này là người đã ra lệnh tiến hành vụ phóng tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái bất chấp sự phản đối dữ dội từ các cường quốc, trong đó có cả đồng minh thân thiết của Triều Tiên là Trung Quốc.
Nhiều người dự đoán, rất có thể Triều Tiên sẽ tiến hành vụ thử hạt nhân mới vào tháng 2 tới bởi đây là thời điểm Tổng thống mới của Hàn Quốc lên cầm quyền và nó cũng trùng với lễ kỷ niệm ngày sinh nhật của cố Chủ tịch Kim Jong-il – 16/2.
Triều Tiên có đủ plutonium cấp độ vũ khí cho khoảng từ 4-8 quả bom nguyên tử. Năm 2009, Bình Nhưỡng tuyên bố, nước này bắt đầu làm giàu uranium, mở ra con đường thứ hai để họ tiếp cận với vũ khí nguyên tử.
Lời đe doạ phóng thêm nhiều tên lửa tầm xa của Triều Tiên cũng không phải khó thực hiện khi mà nước này được cho là đang sở hữu trong tay một kho vũ khí tên lửa khá hiện đại và phát triển.
Bình Nhưỡng từng tuyên bố phát triển chương trình tên lửa để tấn công Mỹ. Theo một đánh giá được Bộ Quốc phòng Nhật Bản đưa ra hồi cuối năm ngoái, Triều Tiên đã có trong tay tên lửa có tầm bắn hơn 10.000km, đủ để vươn tới bờ biển phía Tây của Mỹ. Công nghệ tên lửa của Triều Tiên được cho là đã bước vào giai đoạn phát triển mới, có thể gây lo ngại lớn cho cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các nước Nhật Bản, Hàn Quốc và Mỹ.
Mặc dù khả năng tên lửa của Triều Tiên đã phát triển khá nhanh nhưng nước này được cho là chưa đủ năng lực để thu nhỏ đầu đạn hạt nhân đưa vào tên lửa.
Theo Vnmedia