Các điểm bán thời trang trưng biển giảm giá 40-50% hiện không còn hấp dẫn vì bị khách hoài nghi về chất lượng. Vài năm trở lại đây, chị em hay săn lùng “hàng độc” giá rẻ tại những cửa hàng thời trang xuất khẩu. Hàng xuất khẩu “xịn” thường là quần tây, quần jean, quần kaki, áo khoác, áo thun... Đôi khi, chúng chỉ có một kiểu với số lượng may nhất định nên dễ biến thành hàng hiếm.
Mang tiếng là hàng tồn kho và hàng lỗi, nhưng những lỗi này không đáng kể và cũng chỉ dân trong ngành mới phát hiện ra. Chẳng hạn, quần áo có vài chỗ dúm chỉ, cổ áo không đứng, cúc đơm không thẳng... Về nguyên tắc, đáng lẽ số hàng này phải bị tiêu hủy nhưng bằng cách nào đó, chúng vẫn được bán trên thị trường.
Cuối năm luôn được doanh nghiệp sản xuất hay giới kinh doanh hàng may mặc xem là thời điểm vàng để tiêu thụ lượng hàng tồn kho, lỗi mốt trong năm. |
Chị Thúy Phương - chủ một cửa hàng thời trang xuất khẩu tại đường Nguyễn Văn Công (Gò Vấp), cho biết, có một lượng khách nhất định quanh năm chuyên săn tìm hàng may mặc xuất khẩu giảm giá của các thương hiệu lớn. Đặc biệt, dịp cuối năm luôn được doanh nghiệp sản xuất hay giới kinh doanh hàng may mặc xem là thời điểm vàng để tiêu thụ lượng hàng tồn kho, lỗi mốt trong năm. Người tiêu dùng cũng coi đây là cơ hội mua sắm quần áo cho người thân với chi phí thấp.
Chị Quỳnh Trang (Lê Văn Sĩ, Q.3) chia sẻ: “Tôi bỏ nhiều thời gian để săn hàng xuất khẩu một phần vì giá rẻ, phần vì chất liệu bền của sản phẩm. Mặc dù mỗi sản phẩm đều có lỗi nhỏ, nhưng đây là hàng chủ yếu gia công cho các hãng thời trang nước ngoài nên vải đẹp và độc. Tôi vừa tìm được bộ đồ thể thao chất rất mềm và thấm mồ hôi nên mặc thoải mái vô cùng”.
Tuy vậy, không phải tất cả hàng may mặc xuất khẩu bán giá rẻ tại đây đều là hàng tồn kho hay bị lỗi, mà chúng còn bị loại ra trong quá trình sản xuất của công ty gia công.
Chị Thanh Giang, chủ của hàng thời trang xuất khẩu T.T trên đường Bùi Đình Túy (Bình Thạnh), nói rằng: “Phần lớn số hàng được bán là những sản phẩm đầu tiên được may để làm mẫu và gửi cho hãng kiểm tra. Nếu được duyệt, công ty gia công sẽ sản xuất hàng loạt. Vì không nằm trong đơn hàng nên những sản phẩm này được “tuồn” ra ngoài để bán. Do không giống lắm với sản phẩm chính hãng khi tung ra thị trường nên giá giảm rất nhiều”.
Thậm chí, một số mặt hàng giống hàng xuất chính hiệu 100% về chất liệu, kiểu dáng và đầy đủ nhãn mác. Đó là do một số nhãn hàng cho phép công ty gia công cắt dư ra để bù vào đơn hàng khi hải quan kiểm tra không trả lại hoặc thay thế sản phẩm lỗi (khoảng 1-3%). Sau khi xuất đi, số dư còn lại doanh nghiệp đưa ra tiêu thụ giá rẻ ở thị trường nội để thu hồi vốn nhanh.
Trưởng phòng kinh doanh một công ty may mặc lớn tại TP.HCM tiết lộ, thông thường, bộ phận kinh doanh của các công ty sản xuất hàng xuất khẩu có mối tiêu thụ lẻ riêng. Hàng công ty đưa ra mỗi lần trên chục kiện, từ vài trăm sản phẩm trở lên. Các đầu mối này sẽ phân loại hàng (từ tốt đến trung bình, thấp... ) rồi chia lẻ lại cho các shop, tùy chất lượng. Nguồn hàng này được lấy tận gốc, từng lô lớn, nên giá rất rẻ. Khi về shop, cửa hàng sẽ tùy theo loại mà bán, nhưng giá luôn rẻ hơn thị trường gần 50%.
Khảo sát thực tế cho thấy, giá của các mặt hàng thời trang xuất khẩu thường dao động ở mức vài trăm ngàn đồng đến dưới một triệu đồng. Chẳng hạn, quần jean từ 300.000-550.000 đồng/chiếc, áo phông 150.000-300.000 đồng/chiếc, áo ba lỗ 100.000-150.000 đồng/chiếc, váy 250.000-450.000 đồng/chiếc.
Bên cạnh những ưu điểm nổi trội trên, hàng xuất khẩu dính lỗi vẫn có những hạn chế nhất định, như số lượng có hạn, khó đặt hàng với số lượng lớn trong thời gian ngắn. Tuy nhiên, điều này cũng đồng nghĩa với việc người tiêu dùng có cơ hội được sở hữu “hàng độc”. Do vậy, đối với nhiều người, nhược điểm này cũng chính là ưu điểm, lợi thế riêng có của hàng thời trang xuất khẩu.