Lối vào trung tâm giao dịch dữ liệu ở Quý Dương. Ảnh: Simon Song. |
Theo SCMP, sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương lần đầu tiên hoàn thành một thỏa thuận mua bán thông tin cá nhân. Điều này giúp mở đường cho những người tìm việc có thể kiếm được tiền từ việc bán dữ liệu dựa trên sơ yếu lý lịch của họ.
Sàn giao dịch dữ liệu toàn cầu Quý Dương là cơ quan do nhà nước hậu thuẫn, bắt đầu hoạt động từ năm 2015. Với sự đồng ý của người dùng, công ty công nghệ địa phương Hao Huo sẽ thu thập và xử lý thông tin thành một “sản phẩm dữ liệu”, đảm bảo khả năng sử dụng và quyền riêng tư thông qua công nghệ điện toán bí mật.
Theo chính quyền Quý Châu, sau khi Hao Huo nhận được tư vấn pháp lý từ một công ty luật, họ sẽ liệt kê sản phẩm dữ liệu trên sàn giao dịch dữ liệu Quý Dương để người sử dụng lao động có thể mua dữ liệu.
Chính quyền Trung Quốc đang xem dữ liệu như một yếu tố sản xuất bên cạnh đất đai và lực lượng lao động. Hiện tại, dữ liệu cá nhân đặc biệt nhạy cảm vì nó thuộc luật bảo vệ thông tin nghiêm ngặt tại nước này.
Mặc dù Quý Dương là thành phố đầu tiên của Trung Quốc cho phép trao đổi dữ liệu nhưng doanh thu từ hoạt động này rất khiêm tốn. Theo dữ liệu chính thức, sàn giao dịch chỉ báo cáo doanh thu tích lũy là 549 triệu nhân dân tệ (79,4 triệu USD) tính đến tháng 2/2023, kèm theo 460 giao dịch dữ liệu trên sàn.
4 trong số các sản phẩm phổ biến nhất của sàn hiện liên quan đến dữ liệu và dịch vụ bản đồ. Ngoài ra, những người dùng cá nhân đã chia sẻ sơ yếu lý lịch của họ để nhận được một phần tiền từ sàn giao dịch.
Khi Trung Quốc tìm cách thúc đẩy mạnh nền kinh tế kỹ thuật số, họ đã vạch ra các kế hoạch chiến lược cho kho dữ liệu khổng lồ mà quốc gia này tạo ra. Trong khi tăng cường các hình phạt đối với vi phạm quyền riêng tư và bảo mật dữ liệu, chính phủ Trung Quốc cũng hướng tới việc tạo ra một thị trường thương mại thông tin cá nhân.
Tính đến tháng 11/2022, Trung Quốc đã có 48 sàn giao dịch dữ liệu địa phương tương tự như ở Quý Dương, trong khi 8 cơ sở khác đang được phát triển, theo sách trắng xuất bản vào tháng 1 của Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông Trung Quốc (CAICT).
Những nỗ lực trên đang được tiến hành bất chấp nhiều thách thức đối với việc trao đổi dữ liệu. Luật pháp Trung Quốc vẫn chưa đưa ra định nghĩa rõ ràng về quyền sở hữu dữ liệu và các vấn đề liên quan, khiến ngành này khó đạt được sự đồng thuận, CAICT viết trong sách trắng.
Nhóm người săn lùng loại mã độc nguy hiểm nhất thế giới công nghệ
Trong quyển sách mới, Renee Dudley và Daniel Golden đưa độc giả đến gần hơn với cuộc chiến thầm lặng của những chuyên gia công nghệ toàn cầu, chống lại kẻ đứng sau ransomware.