1. Dùng điện thoại mọi lúc mọi nơi
Khi là một người quản lý, sẽ không ai mong muốn nhìn thấy nhân viên của mình lúc nào tay cũng cầm điện thoại để xem phim, lướt Facebook hoặc buôn điện thoại đến hàng giờ đồng hồ.
Đơn giản vì hành động này thể hiện việc bạn không hề tập trung vào công việc và đang sử dụng thời gian "công" để làm việc "tư". Và điều này đương nhiên cũng kéo theo việc giảm sút hiệu quả của công việc, trừ khi công việc đó bắt buộc phải làm việc trên điện thoại.
Cách tốt nhất bạn nên để điện thoại di động ở chế độ im lặng trong suốt thời gian làm việc ở văn phòng, và chỉ nên kiểm tra nó trong thời gian mà bạn được nghỉ ngơi. Với những công việc cần đến việc liên lạc thường xuyên bằng điện thoại, lời khuyên dành cho bạn là nên dùng những điện thoại chỉ có 3 chức năng: nghe, gọi và nhắn tin.
2. Quá tự mãn về bản thân
Nếu bạn đang có một công việc tốt, có thể bạn tự hào về những gì mà mình đang có. Tuy nhiên "một ngọn núi cao luôn có một ngọn núi khác cao hơn" là điều bạn cần phải khắc cốt ghi tâm, bởi nếu không, bạn sẽ tự đánh mất danh dự của bản thân và có thể mất luôn cả công việc hiện tại của bạn.
Lý do đó là không một ông chủ nào muốn nhân viên của mình tỏ ra tự mãn và thích "lên mặt" đối với những người thấp kém hơn mình, bởi đơn giản những người tự kiêu sẽ không bao giờ có thể tiến độ và xuất sắc hơn được.
Vì vậy khi tiếp xúc với những người giỏi hơn, hãy tỏ ra bạn là người rất ham học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước, và câu chuyện về sự thành công của họ đang thu hút bạn.
Còn đối với những người phải bươn chải mưu sinh để kiếm sống qua ngày hay phải làm những công việc ba cọc ba đồng do trình độ thấp, bạn vẫn nên thể hiện sự tôn trọng và những sự chia sẻ chân thành với những gì mà họ đang làm. Biết đâu bạn lại có được thêm rất nhiều những bài học quý giá về cuộc sống mà bạn chưa hề biết.
3. Uống bia rượu trong giờ làm việc
Một bộ phận không nhỏ dân công sở thường có thói quen tranh thủ làm vài ba "chén chú chén anh" trong những bữa ăn trưa. Tuy nhiên việc uống nhiều đến mức khi họ quay trở lại bàn làm việc mà mùi rượu đi trước, người đi sau sẽ khiến không chỉ sếp mà cả đồng nghiệp xung quanh cũng thấy khó chịu vì bạn.
Dù bạn không say, nhưng chắc chắn sẽ bị nghĩ rằng bạn quá mải vui mà không nghĩ tới công việc, bởi rượu thì thường hay bị gắn liền với "say xỉn", mà "say xỉn" sẽ đồng nghĩa tới việc giảm đi mức độ hiệu quả của công việc.
Mặc khác, nếu bạn là một cánh tay đắc lực của sếp trong các cuộc "nghị sự" bên bàn nhậu, bạn cũng không nên dựa vào cớ là "đỡ" cho sếp để uống bạt mạng, để ngày hôm sau bạn đến cơ quan trong trạng thái đầu óc choáng váng, cơ thể nhức mỏi và hoàn toàn không còn muốn nghĩ tới chuyện làm việc nưa.
4. Sống khép kín
Khi đi làm bạn không thể chỉ sống trong thế giới của riêng mà mà cần có thêm nhiều mối quan hệ với nhiều người ở trong nhiều lĩnh vực, cho dù họ là khách hàng, đồng nghiệp hoặc chỉ là những người tán gẫu với bạn ở trên mạng.
Nếu là một người khái tính, ít giao tiếp với thế giới bên ngoài, bạn sẽ rất dễ bị tụt hậu và bị bế tắc trong những công việc cần tới sự chung tay của cả một tập thể.
Khi có nhiều mối quan hệ, bạn có thể dễ dàng nhận được sự trợ giúp của những người khác trong những công việc mà khả năng của họ có thể giúp bạn, đặc biệt khi bạn là một người thân thiện, khéo léo và được họ yêu mến, tin tưởng. Chưa kể bạn sẽ có thêm nhiều người bạn tốt nếu như thực sự "hợp cạ".
Hãy thể hiện rằng họ là một phần trong sự thành công của bạn ngày hôm nay, và hãy bỏ qua những suy nghĩ cá nhân ích kỷ để tiếp tục xây dựng những mối quan hệ ngày một tốt đẹp và sâu rộng hơn.
5. Không có chí tiến thủ
Sếp sẽ rất không hài lòng nếu như thấy bạn làm việc trong vòng 1 năm, 3 năm rồi đến 5 năm mà bạn vẫn chỉ giậm chân tại chỗ. Điều đáng nói không phải là vì bạn không có đủ năng lực thể bước lên bậc cao hơn mà là do bạn đã "an phận" và sớm hài lòng với những gì mình đang có.
Điều đó cũng đồng nghĩ với việc bạn có thể làm công việc một cách tốt hơn, bạn có thể quán xuyến được nhiều công việc hơn và mang lại về nhiều lợi nhuận cho công ty hơn, nhưng bạn lại không (muốn) làm.
Chí tiến thủ rất quan trọng để làm nên những thành công ngày một lớn hơn cho công ty và cho chính bản thân bạn. Dù bạn chỉ muốn ở một mức trung bình, vừa đủ để có thể sống một cuộc sống thoải mái, không bon chen nhưng chính yêu cầu của công việc sẽ sớm sa thải bạn vì còn rất nhiều những nhân tài mới sẽ nhanh chóng nổi lên.
6. Không chịu trau dồi thêm kiến thức
Hãy học thêm nhiều điều ở mọi lúc, mọi nơi và bằng mọi hình thức. Quan trọng nhất là bạn cần phải học thêm những kỹ năng mềm quan trọng và cả cách ứng xử với đồng nghiệp ở nơi làm việc. Hơn nữa đối với những kiến thức mới dù không liên quan đến công việc, bạn cũng đừng bỏ qua nó.
Trường hợp sếp hỏi ý kiến tham vấn của bạn trong lĩnh vực không phải chuyên môn của bạn, bạn sẽ rất mất điểm trong mắt sếp khi chỉ biết ấp úng, trả lời vòng quanh. Sau lần thứ nhất, lần thứ hai và đến lần thứ ba, bạn sẽ rất dễ bị sếp đánh giá không có năng lực và có khả năng bạn sẽ bị sa thải.
Vì vậy bạn nên chăm chỉ đọc sách và các tài liệu để bổ sung thêm nhiều kiến thức. Điều này không chỉ khiến sếp tin tưởng bạn hơn mà bạn sẽ có nhiều lợi thế so với người khác.