Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để con hạnh phúc trong tình yêu của mẹ

Khi làm mẹ, nhiều phụ nữ phải hy sinh sự nghiệp và những mơ ước của bản thân. Họ mong muốn con cái thực hiện giấc mơ còn giang dở của mình. Từ đó, tình yêu biến thành áp lực.

Phu nu khi chat anh 1

Mẹ hãy trở thành bạn đồng hành của con, giúp con thực hiện ước mơ của riêng mình. Ảnh: Prudental.

Nhiều ràng buộc, và nghĩa vụ sau kết hôn cùng những lo toan, bận rộn hàng ngày cho gia đình khiến phụ nữ thường lãng quên đi những khát vọng ngày trẻ. Những ước mơ của thời thanh xuân dần được gửi gắm vào con cái. Bà mẹ nào cũng mong muốn được nhìn thấy con lớn lên bình an, hạnh phúc và thành công.

Cũng chính vì thế mà có một số phụ nữ đặt nhiều kỳ vọng vào con cái với tâm lý sẽ hy sinh, cố gắng đầu tư cho con có tương lai tốt nhất. Sự thành công của con trở thành niềm tự hào, kiêu hãnh của mẹ. Tuy nhiên, việc áp đặt và định hướng tương lai các con theo ước mơ của cha mẹ, đôi khi sẽ tạo nên những áp lực vô hình cho trẻ, khiến các em phải sống theo những quy chuẩn mà các em không thực sự mong muốn.

Từng có một em sinh viên thường xuyên hỏi tôi rất kỹ về tiêu chí chấm điểm môn học, hầu như buổi học nào em cũng ghi chú tỉ mỉ và nhờ tôi giải đáp cặn kẽ các kiến thức bài học. Em nói muốn đạt điểm tuyệt đối ở môn học này.

Ban đầu, tôi rất thích tinh thần ham học, siêng năng của em nhưng sau vài lần trò chuyện, tôi có chút không hài lòng vì em quan trọng điểm số hơn là kiến thức. Tôi khuyên em cần phải thay đổi tư duy về học tập, không nên tự tạo áp lực điểm cao; bản thân phải tiếp thu, nắm vững nội dung môn học để có thể vận dụng cho công việc sau này mới là điều cần thiết nhất.

Nhưng câu trả lời của em làm tôi suy nghĩ rất nhiều. “Cô ơi, nhiều khi con cũng muốn học bình thường, nhẹ nhàng như bao bạn khác. Nhưng mà từ bé đến giờ, mẹ luôn muốn con phải đứng hạng nhất và duy trì thành tích cao. Con thích thấy mẹ vui và tự hào về con chứ không muốn mẹ buồn lòng. Mẹ đã hy sinh cho con rất nhiều nên con phải cố gắng hết mình cô ạ!” - em nói.

Tôi cũng khá bất ngờ khi em kể mỗi lần có điểm bài kiểm tra đều phải báo cáo cho mẹ ngay lập tức. Em bảo mẹ giám sát lịch trình học tập rất kỹ và thường xuyên nhắc nhở để đảm bảo em không lơ là, phân tâm vì mẹ muốn chắc chắn rằng em sẽ tốt nghiệp với tấm bằng xuất sắc.

Chạy đua theo thành tích thực sự không phải là một phương thức tốt để giáo dục con cái. Điều quan trọng là các em phải tìm được khao khát của chính mình chứ không phải bị nhào nặn để trở thành một hình mẫu thành công lý tưởng như suy nghĩ của người lớn.

[...]

Phụ nữ thường có suy nghĩ cả đời đã sống vì chồng, vì con nên mọi hy vọng, niềm vui đều dồn vào việc được thấy chồng thành công, thấy con thành đạt. Và chính vì kỳ vọng rằng sau này các con sẽ thực hiện những ước ước mơ thay phần mình, nhiều bà mẹ lúc nào cũng muốn con phải xuất sắc, phải giỏi hơn người. Nhưng đâu phải đứa trẻ nào cũng có khả năng trở thành người chiến thắng. Hoặc, dù con có thành công theo mong mỏi của gia đình và xã hội nhưng sẽ là một bất hạnh nếu cả đời con chẳng thể theo đuổi công việc mình mà say mê.

Một cuộc đời thành công chưa chắc đã hạnh phúc. Đôi khi, sống những tháng ngày bình thường vui vẻ cũng là một sự phi thường. Thế nên, thay vì ép con phải sống theo những khuôn khổ mình áp đặt, ba mẹ hãy lắng nghe, tạo điều kiện, trao cho con niềm tin và sự tự chủ trong mọi quyết định.

Mỗi đứa trẻ đều có những tài năng riêng và đều xứng đáng có một tuổi thơ hồn nhiên, vô tư. Hãy để trẻ được tự do lớn lên và làm điều mình thích, đừng biến những ước mơ của mẹ trở thành nỗi ám ảnh tuổi thơ con.

Nhật Tuyết/ Thái Hà Books và NXB Công thương

Bình luận

SÁCH HAY