Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Để chuyện tài chính không trở thành nỗi bận lòng

Giải quyết bài toán tài chính hiệu quả là một trong những phương án giúp các cặp vợ chồng giữ gìn hạnh phúc hôn nhân.

Prudential anh 1

Theo thống kê tạp chí Women'S Health năm 2021, tài chính đứng thứ 2 về nguyên nhân dẫn đến ly hôn của các cặp vợ chồng. Nhiều ý kiến cũng nhận định thói quen chi tiêu khác nhau, chênh lệch thu nhập, nợ nần… là những vấn đề tài chính tạo ra mâu thuẫn trong hôn nhân, đặc biệt thời gian đầu kết hôn.

Ngoài ra, mâu thuẫn cũng có thể xảy ra khi cả 2 không thống nhất ai sẽ là người quản lý tài chính, kết hợp thói quen tiêu xài khác nhau. Trước khi kết hôn, cả 2 có thể sử dụng tiền bạc một cách thoải mái theo ý muốn. Tuy nhiên khi bước vào đời sống hôn nhân, cặp đôi buộc phải chi tiêu hợp lý hơn để chuẩn bị cho những kế hoạch khác như chăm sóc bố mẹ, mua nhà, sinh con.

Một người dùng mạng xã hội chia sẻ: “Gia đình chúng tôi gặp vấn đề về tài chính, nhưng không phải vì kiếm ít tiền, mà là không có kế hoạch quản lý chi tiêu hợp lý. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng trên trăm triệu mỗi tháng, nhưng sau một năm tổng kết lại thì chẳng dư. Đã nhiều lần tôi góp ý với vợ mình về thói quen săn sale trên các nền tảng giao dịch trực tuyến, nhưng cô ấy phản biện rằng tiêu tiền tự kiếm và đã đóng góp một khoản chung để lo chuyện gia đình rồi. Ngược lại, cô ấy góp ý về việc tôi rất thoải mái với bạn bè, đa phần họp mặt đều chi trả hết tiền ăn uống vì có điều kiện nhất”.

“Câu chuyện trở nên căng thẳng hơn khi tôi gặp tai nạn xe, mất tạm thời sức lao động và phải nghỉ ở nhà. Lúc này, mọi áp lực dồn lên vai vợ tôi, cô ấy càng trở nên khó tính, hay cằn nhằn, nhưng thói quen mua sắm vẫn không bỏ. Cả 2 tranh cãi rất nhiều khi tôi cho rằng cô ấy cứ giữ thói quen không phù hợp, cô ấy thì nghĩ đây là cách duy nhất để thư giãn”, người này nói thêm.

Chuyện tiền bạc ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống gia đình

Khi chưa bàn bạc với nhau về việc quản lý tài chính, hoặc một người phải gồng gánh sức nặng kinh tế, người kia bị động phụ thuộc, rất khó để thấu hiểu và tìm ra giải pháp hòa hợp. Chuyện tiền bạc, chi tiêu vốn không đơn giản bởi nhiều người chưa được giáo dục về vấn đề quản lý tài chính một cách bài bản. Ngoài ra, tiền bạc là công cụ trao đổi trong xã hội, nhưng rất khó để lấy ra làm thước đo chung cho mọi vấn đề, đặc biệt về đời sống tinh thần và tình cảm.

Prudential anh 2

Nhiều cặp vợ chồng gặp mâu thuẫn khi không xử lý tốt vấn đề tiền bạc.

Trong quá trình trưởng thành, không nhiều phụ huynh trang bị cho con quan niệm về việc sử dụng tiền bạc hợp lý. Một số người không cho phép con giữ tiền, thậm chí là tiền mừng tuổi, vì cho rằng tất cả chi phí của con đã có ba mẹ lo. Hoặc ở một số gia đình không khá giả sẽ muốn con có tư tưởng tiết kiệm tối đa, triệt tiêu nhu cầu giải trí, thư giãn và cho rằng điều này không cần thiết. Do đó, đứa trẻ khi lên bậc đại học sống xa nhà có thể chới với vì phải tự quyết định vấn đề tài chính có liên quan. Về lâu dài, nếu vẫn tiếp tục được gia đình bảo bọc, những người trưởng thành này khi gặp chuyện trong hôn nhân sẽ cảm thấy bỡ ngỡ, khó xử lý.

Quản lý tài chính không có nghĩa dồn hết tiền vào tài khoản tiết kiệm, mà là sử dụng phù hợp để tránh đánh mất cơ hội. Quy tắc “6 chiếc lọ” chia tài sản làm 6 phần với tỷ lệ như sau: 55% vào khoản các chi tiêu cố định như tiền nhà, điện nước, xăng xe, tiền học của con...; 10% cho quỹ tiết kiệm dài hạn phục vụ các dự định mua nhà, xe, sinh con...; 10% ở quỹ giáo dục bản thân như tham gia khóa học, mua sách...; 10% cho quỹ thư giãn, hưởng thụ cuộc sống như cà phê, du lịch, xem phim...; 10% để tự do tài chính, bảo hiểm...; 5% còn lại dùng vào mục đích giúp đỡ, từ thiện.

Những con số và hạng mục trên mang tính tham khảo và có thể linh hoạt. Điều quan trọng là dành ra số tiền cụ thể cho các khoản chi tiêu, thể hiện mức độ ưu tiên của bạn về những mặt trong cuộc sống.

Tiền bạc còn là một trong những chủ đề nhạy cảm, ít khi được bàn nghiêm túc, tường minh trong mối quan hệ. Khi còn đắm chìm trong tình yêu, một phần tư tưởng “nam giới thể hiện sự galant bằng cách trả nhiều hơn chi phí hẹn hò” khiến cặp đôi không hiểu rõ cách thức vận hành tài chính trong mối quan hệ của mình. Khi tình yêu đó phát triển thành gia đình nhỏ, những mâu thuẫn ngầm trỗi dậy và gây khó khăn cho đôi bên. Mô hình gia đình truyền thống “đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm” gây ra nhiều trở ngại: Tiếng nói của người phụ nữ bị xem nhẹ, áp lực kinh tế dồn lên vai người chồng, khi cần chi tiêu thì thiếu hụt, cái không cần thì vung tay quá mức...

Cần phân định rạch ròi giữa các dạng quỹ trong gia đình để nhu cầu cá nhân không bị phán xét, cũng không lấn lướt qua những nhu cầu khác. Một cách phù hợp quản lý tài chính gia đình là chia làm 3 dạng quỹ: Chi tiêu hàng ngày sử dụng cho các nguồn thu định kỳ, thường xuyên theo tuần, theo ngày, theo tháng. Quỹ tiết kiệm, dự phòng sử dụng cho mục tiêu, kế hoạch xa, hoặc để đầu tư, bảo hiểm. Quỹ riêng của chồng và vợ sau khi trừ số tiền bỏ vào hai quỹ kia. Trong khi 2 nhóm quỹ trên cần sự bàn bạc và thống nhất, phần cá nhân sẽ phục vụ những nhu cầu riêng của mỗi người.

Cân bằng tài chính giúp cuộc sống trọn vẹn

Vấn đề tài chính dù khó khăn nhưng vẫn sẽ có cách giải quyết nếu cả 2 cùng giữ sự thiện chí. Trước tiên, mỗi người cần hiểu mọi sự lựa chọn đều phải đánh đổi. Nếu chọn đi làm tăng các khoản thu nhập, bạn phải đối mặt việc không có thời gian chăm sóc con. Còn nếu chọn ở nhà chăm sóc con, vấn đề tiền bạc sẽ chỉ để một người gánh vác. Chênh lệch về tài chính lâu dài sẽ khiến 2 người không tìm được tiếng nói chung, dẫn đến rạn nứt gia đình.

“Tiền bạc không quyết định hạnh phúc. Nhưng nếu sử dụng tiền bạc thiếu khoa học sẽ tạo ra những kết quả kém hạnh phúc”.

TS tâm lý học, giảng viên Tô Nhi A

Tuy nhiên, khi cả 2 đang trong giai đoạn “dầu sôi lửa bỏng” sẽ không đủ bình tĩnh để nhìn nhận lại vấn đề mà có xu hướng khiêu khích bằng những từ ngữ tiêu cực. Do đó, các cặp vợ chồng nên học cách im lặng khi đang nóng giận. Sự im lặng không chỉ giúp cả 2 có thời gian suy ngẫm, mà còn hạn chế những lời nói gây tổn thương đối phương. Sự im lặng này phải có một tín hiệu phát đi mang thông điệp: “Anh/em cần bình tĩnh một chút. Sau vài tiếng chúng ta sẽ tiếp tục bàn cách giải quyết sau”. Đây là một thông báo quan trọng để tránh người kia nghĩ mình đang trốn tránh vấn đề, hoặc dùng sự im lặng như một cách gây hấn thụ động.

Trong trường hợp một thành viên bị tai nạn và cảm thấy mình như gánh nặng của gia đình, bảo hiểm tai nạn đảm bảo sức khỏe, phòng ngừa tình huống ngoài ý muốn trở thành mối quan tâm của gia đình hiện đại. Quỹ tiết kiệm hay bảo hiểm là hình thức chia thu nhập ra thành các mục đích khác nhau, hữu dụng cho những người gắn liền chi tiêu với cảm xúc tức thời.

Trong hôn nhân, sự thấu hiểu và cảm thông mới là chìa khóa giải quyết vướng mắc. Vợ chồng cần tập trung vào các giải pháp và học cách cải thiện mối quan hệ.

Chuỗi nội dung về tâm lý “Mình còn cần nhau” do Prudential Việt Nam kết hợp TS tâm lý học - giảng viên Tô Nhi A thực hiện. Mỗi bài viết là những chia sẻ về kiến thức tâm lý nhằm giúp các gia đình lắng nghe, thấu hiểu và có những hành động thiết thực duy trì hạnh phúc lâu bền. Độc giả xem thêm các bài viết tâm lý khác tại đây.

Giang Tiểu San

Bạn có thể quan tâm