Mặc áo phông trắng dài tay với mũ trùm đầu, quần chino và mang giày Clarks Wallabee, Ive muốn thu hút những người trong cộng đồng sáng tạo đến ngoại ô San Francisco (Mỹ), 5 năm sau khi rời Apple.
Theo New York Times, Ive đang sở hữu gần 90 triệu USD bất động sản tại San Francisco. Cuộc tích lũy diễn ra từ đầu đại dịch, trong lúc nhiều nhân vật công nghệ nổi tiếng tháo chạy khỏi thành phố.
“Chúng ta đang đứng đây”, Ive chỉ vào văn phòng của LoveFrom, nằm trong một tòa nhà 2 tầng, 115 tuổi tại Jackson Square. Với ông, khu dân cư này là nơi làm mới bản thân.
“Điều tôi đang học hỏi là sự tin tưởng hơn hết vào trực giác của mình. Đó là điều tôi phấn khích nhất”, Ive cho biết
Đam mê bất động sản
Ive lần đầu đến San Francisco vào mùa hè năm 1989. Thời điểm đó, ông được Hội nghệ thuật Hoàng gia Anh trao học bổng du lịch vì tạo ra chiếc điện thoại tương lai mang tên “Orator”.
Phần thưởng được Ive sử dụng để đến Thung lũng Silicon vì nơi đây đang thiết kế máy tính cá nhân, sản phẩm quan trọng nhất của thập kỷ.
Cùng vợ tương lai Heather, Ive có tình cảm đặc biệt với Jackson Square. Nhiều tòa nhà trong khu phố sống sót sau trận động đất và hỏa hoạn năm 1906 vì một kho rượu whisky. Chính quyền đã bảo vệ khu phố vì sợ rượu bắt lửa.
Tòa nhà Transamerica Pyramid nhìn từ một góc Jackson Square tại San Francisco. Ảnh: New York Times. |
Ive dành nhiều giờ tại cửa hàng William Stout Architectural Books, nơi có hàng nghìn cuốn sách về thiết kế. Trước khi rời thành phố, Ive hứa sẽ quay lại.
Khi nhận việc thiết kế tại Apple năm 1992, Ive coi San Francisco là nhà. 2 con trai sinh đôi, Charlie và Harry, chào đời tại đây vào 2004, cùng lớn lên trong ngôi biệt thự 17 triệu USD tại khu phố Pacific Heights, tầm nhìn hướng ra Cầu Cổng Vàng.
Đến lúc tìm văn phòng cho LoveFrom, Ive trở lại Jackson Square. Nơi đây cách tiệm sách City Lights và quán cà phê Vesuvio một dãy nhà, có nhiều phòng trưng bày, nghệ sĩ thường lui tới.
“Một trong những điều may mắn của tôi là được nhìn và hiểu bối cảnh San Francisco qua con mắt của Steve Jobs. Ông ấy biết City Lights và Vesuvio. Tôi nợ Steve rất nhiều vì thông qua đó, tôi mới biết sự đóng góp của San Francisco cho nền văn hóa”, Ive chia sẻ. Tên công ty được ông đặt để vinh danh Jobs.
Trụ sở của Apple tại Cupertino. Ảnh: New York Times. |
Khi tìm văn phòng cố định vào đầu năm 2020, Ive biết một tòa nhà rao bán trên phố Montgomery thuộc Jackson Square. Sau khi mua với giá 8,5 triệu USD, ông phát hiện cửa sau tòa nhà dẫn đến một bãi đậu xe, được bao quanh bởi các tòa khác trong khu phố.
Muốn biến bãi đậu xe thành không gian xanh, Ive mua thêm tòa nhà lân cận, rộng hơn 3.000 m2 với giá 17 triệu USD để kiểm soát bãi đậu xe.
Trong lúc theo đuổi đầu tư bất động sản, Ive dùng bữa tối với người bạn Wendell Weeks, CEO Corning - công ty sản xuất kính màn hình cho iPhone.
Lời kể về những khoản đầu tư của Ive khiến Weeks lo lắng bởi thị trường bất động sản thương mại của San Francisco vừa sụp đổ trong đại dịch, hơn 1/3 văn phòng vẫn bỏ trống.
“Tôi nghĩ anh không cần làm vậy. Tôi có thể tìm cho anh không gian văn phòng”, Weeks nói với Ive. Dù vậy, nhà thiết kế đã có quyết định cho mình.
Jony Ive (trái) cùng CEO Apple Tim Cook. Ảnh: New York Times. |
Tại Apple, ông từng làm việc ở Infinite Loop, khuôn viên văn phòng vô trùng nằm gần xa lộ, tiếp đến là Apple Park, một vòng tròn bằng kính và gỗ mang phong cách tương lai.
Cả 2 khuôn viên của Apple biệt lập đến mức chúng có thể tồn tại bất cứ đâu, và Ive muốn văn phòng mới trở thành một phần của cộng đồng.
Việc Ive mua nhiều bất động sản từng khiến cư dân và chủ doanh nghiệp địa phương lo lắng. Aaron Peskin, giám sát viên thành phố, lo ngại Ive có thể phá hủy các tòa nhà mang tính biểu tượng để xây tòa chọc trời.
Những lo lắng ấy đã tan biến sau khi Ive gặp người dân địa phương. Ông đề nghị giảm tiền thuê nhà, nhận thiết kế miễn phí và “lấy lòng” Peskin nhờ kế hoạch bảo tồn những tòa nhà hiện có.
Tình yêu với cúc áo
Ive nhắc lại một số dự án lớn của LoveFrom, gồm biểu tượng đăng quang của Vua Charles III, áo khoác cho thương hiệu xa xỉ Moncler (Italy) và màn hình cảm ứng trên xe điện Ferrari.
Studio của LoveFrom kết hợp giữa quá khứ và hiện tại của Ive, gồm tường gạch bao quanh bàn gỗ dài giống phong cách của Apple, xung quanh tường là những kệ sách về nghiên cứu thiết kế.
Marc Newson (trái) và Jony Ive. Ảnh: New York Times. |
“Đây là cuốn sách về cúc áo của tôi”, Ive nói trong lúc mở cuốn sách về nghiên cứu thiết kế đinh tán quần áo. Các trang sách tràn ngập hình ảnh về đinh tán, ghim cài từ thời tiền sử đến đồ đồng.
“Chúng tôi làm việc này trong 5 năm và hoàn toàn yêu thích nó”, Ive nói thêm.
Khi cân nhắc rời Apple, Ive tâm sự cùng nhà thiết kế công nghiệp Marc Newson, người gia nhập Táo khuyết năm 2014 cho dự án Apple Watch. Cả 2 đề xuất thành lập đội ngũ sáng tạo để nhận dự án từ khách hàng.
Nhớ lại những cuộc trò chuyện ban đầu, Newson cho biết ông đặt mục tiêu thoát khỏi sự nhàm chán và nghiêm ngặt của Apple.
Trong hơn 5 năm, Ive và Newson thuê kiến trúc sư, nhà thiết kế đồ họa, nhà văn và nhà phát triển hiệu ứng điện ảnh cho 3 lĩnh vực: làm việc vì tình yêu (làm không lương), làm việc cho khách hàng (Airbnb, Ferrari…) và "làm cho chúng ta" (cải tạo tòa nhà…).
Những cuốn sách về nghiên cứu thiết kế của LoveFrom trong dự án hợp tác với Airbnb. Ảnh: New York Times. |
Cuốn sách về cúc áo là biểu tượng cho cách làm việc của LoveFrom. Trong cuộc trò chuyện năm 2019 với Remo Ruffini, CEO Moncler, Ive biết rằng nhà sản xuất áo khoác đang phân vân về chất liệu sợi làm từ nylon tái chế. Từ đó, Ive đề xuất tạo ra chiếc áo khoác cắt từ một mảnh vải, không có đường may.
Chiếc áo thành phẩm cũng là trang phục tự thiết kế đầu tiên của Ive, cho thấy sự đam mê trong công việc “vì tình yêu”. Sản phẩm dự kiến bán ra từ mùa thu năm nay dưới dạng phiên bản đặc biệt, giá hơn 2.000 USD.
Dự án “vì chúng ta” lớn nhất của LoveFrom là làm mới Jackson Square. Trên chiếc TV 114 inch, Ive trình chiếu bản vẽ bãi đậu xe được cải tạo thành khu vườn, lối đi rải sỏi giữa thảm cỏ xanh, hàng rào và cây cối tạo bóng râm cho ghế ngồi.
Cả 2 mong muốn hoàn thành dự án cải tạo vào cuối năm 2025 để thu hút những công ty khác đến khu vực.
Từ màn hình Ferrari đến thiết bị AI
Trong lúc bước lên tầng 2 của studio, Ive chia sẻ về khách hàng của công ty, những người sẵn sàng trả 200 triệu USD/năm. Trên tầng, khoảng 20 nhà thiết kế làm việc trên nhiều dự án như gian hàng đấu giá Christie's, giao diện của Airbnb và nội thất cho xe điện Ferrari.
John Elkann, thành viên gia đình Agnelli, chủ sở hữu Ferrari, là một trong những khách hàng đầu tiên của LoveFrom. Ông liên hệ công ty vì ngưỡng mộ cách Ive biến thiết bị “cơ học” như đồng hồ thành sản phẩm kỹ thuật số (Apple Watch), và muốn đường nét tương tự xuất hiện trên xe điện Ferrari đầu tiên.
Linh vật của LoveFrom lấy cảm hứng từ con gấu trong cờ của California. Ảnh: New York Times. |
Elkann và đội ngũ của LoveFrom có những cuộc họp kéo dài hàng giờ về vô lăng.
"Chú ý đến vô lăng trong chiếc xe mà bạn muốn lái, và ý nghĩa vật lý của nó là điều Jony đặt mục tiêu rõ ràng", Elkann cho biết. Ông nhấn mạnh kết quả là một thứ "thực sự khác biệt".
Brian Chesky, CEO Airbnb là khách hàng khác của LoveFrom, tập trung phát triển hệ thống đánh giá mới trong ứng dụng. Chesky cũng là bạn thân với Sam Altman, CEO OpenAI nên đã giới thiệu Altman và Ive gặp nhau.
Tại một nhà hàng gắn sao Michelin, Altman và Ive thảo luận để tạo ra thiết bị điện toán tích hợp AI. Cả 2 có thêm nhiều buổi gặp trước khi quyết định phát triển sản phẩm, với LoveFrom phụ trách thiết kế.
Dự án được phát triển trong bí mật. Kể cả Newson chưa thể tiết lộ sản phẩm là gì, ra mắt khi nào.
Những câu chuyện bên trong Apple
Văn hóa bí mật luôn là một điểm đặc biệt của Apple. Cuộc đời Steve Jobs, Tim Cook và quá trình sáng tạo những sản phẩm quan trọng như iPhone thường chỉ được tiết lộ qua những trang sách, nơi các tác giả dành nhiều năm để mang tới những câu chuyện hấp dẫn