Các nhà chức trách mới đây cho rằng biến đổi khí hậu là nguyên nhân của vụ ngập lụt. Tuy nhiên, nhiều người dân tại Venice cho rằng nguyên nhân chính là sự thất bại của chính quyền thành phố khi sau 16 năm không thể đưa dự án đê chắn MOSE vào hoạt động.
“Đã có rất nhiều thiệt hại và người dân đang cảm thấy lo lắng và tức giận,” Marta Garlato, chủ một tiệm bánh tại Venice nói với Guardian. “Những chuyện thế này lẽ ra đã ngăn chặn được nhưng nhiều phương án khả thi đã không được tính đến. Rõ ràng họ không quan tâm tới chúng tôi”.
Garlato tiếp quản tiệm bánh và cà phê Pasticceria Rizzardini lâu đời. Kể từ khi được mở năm 1942, tiệm bánh này đã tồn tại qua nhiều đợt lụt lội, nhưng trận lụt tối 11/11 với mức dâng cao nhất từ năm 1966 đã ảnh hưởng nặng nề đến cửa hàng.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte nói trong chuyến thắm Venice hôm 13/11 rằng trận lụt đã “đánh vào trái tim Italy” và hứa ban bố tình trạng khẩn cấp cũng như hỗ trợ chi phí sửa chữa và đền bù thiệt hại, theo Guardian.
Người dân đi ủng bọc nhựa trước thánh đường St Mark. Ảnh: CNN |
Động thái này xem ra giải quyết được sự giận dữ của người dân trước những thiệt hại thành phố Venice đang hứng chịu. Hàng trăm nhà ở bị ngập, và đặc biệt, nhiều kiến trúc nổi tiếng tại Venice cũng hư hỏng nặng trong trận lũ.
Nước dâng ngập thánh đường St. Mark 1.000 năm tuổi, tràn vào hầm mộ và làm vỡ kính cửa sổ. Trong trận lụt tương tự cách đây một năm, chi phí sửa chữa được ước tính lên tới 2,2 triệu euro. Nhà hát nổi tiếng Teatro La Fenice và nhà thờ tại đảo Murano cũng rơi vào cảnh ngập lụt.
“Những cơn sóng xô vào không khác gì ngoài biển”, CNN trích lời Francesco Moraglia, giám mục cai quản St. Mark.
Đê chắn lũ nằm “đắp chiếu”
Hệ thống đập chắn MOSE với 78 cửa cơ động chống lũ được lên kế hoạch kể từ sau vụ lụt lịch sử năm 1966. Chính quyền Italy bấy giờ hi vọng một đập chắn hiệu quả sẽ bảo vệ hiệu quả Venice - thành phố nên thơ bậc nhất thế giới và luôn mong manh trước các đợt triều cường.
MOSE được khởi công năm 2003 và dự kiến hoàn thành năm 2011. Tuy nhiên sau 16 năm, dự án vẫn chưa được đưa vào khai thác, mà nguyên nhân chủ yếu là tham nhũng, đội vốn và liên tục chậm tiến độ, những vấn đề rất phổ biến ở các dự án xây dựng lớn tại nước này.
Năm 2014, 30 người liên quan tới dự án cũng bị bắt giữ trong vụ điều tra một quỹ đen hơn 25 triệu euro nhằm hối lộ chính quyền.
Cổng chắn lũ MOSE đặt ngập mặt nước. Ảnh: AFP. |
Theo Reuters, hệ thống này có thể chính thức hoạt động vào năm 2021 với tổng mức đầu tư dự án 5,5 tỷ euro, tức gấp gần 3,5 lần mức đề xuất ban đầu (1,6 tỷ euro).
“Sự chậm trễ này là nỗi nhục nhã của toàn thể Italy và chúng ta cần một giải pháp ngay bây giờ”, Alessandro Morelli, người đứng đầu ủy ban vận tải nước này nói hôm 13/11.
Tuy nhiên, không rõ giải pháp gì sẽ khả thi để cứu dự án khổng lồ này. Nhiều phần hạ tầng dưới mặt nước đã bắt đầu gỉ sét. Một nguồn tin thân cận với nhà thầu nói với Reuters rằng chi phí duy trì sẽ lên tới 100 triệu euro mỗi năm - cao hơn mức dự kiến ban đầu.
Hiện cũng không rõ đê chắn lũ này có ngăn được những đợt triều cường cao mà các báo cáo biến đổi khí hậu dự đoán gần đây hay không.
Thủ tướng Italy Giuseppe Conte quan sát một ống bơm nước lụt trong chuyến thăm hôm 13/11. Ảnh: AFP. |
Venice đang chìm dần
Nước ngập nhà Dubravko Garbin, một người dân tại Venice, cắt điện và làm hỏng đồ đạc trong nhà trị giá gần 4.000 euro. Vấn đề là nước không chỉ tràn ra từ kênh gần đó mà còn từ toilet, vòi tắm và bồn vệ sinh.
“Nước chứa đầy chất thải”, Garbin nói với tờ Guardian. “Tôi phải vớt chúng để tránh trôi vào bên trong tủ lạnh sau khi cửa tủ lạnh rụng ra”.
“Như tận thế vậy, đủ để sởn da gà... Cơn lũ mạnh đến nỗi làm vỡ cả nền đá hoa cương trước cửa hàng chúng tôi. Không có gì sống sót nổi” , Marina Vector, chủ một cửa hàng nhỏ tại Venice nói với tờ The Local trong lúc dùng xô múc nước khỏi cửa hàng.
Fabio Bagarotto, chủ một cửa hàng lưu niệm tức giận: “Tất cả tiền thuế đổ vào MOSE và đến giờ nó vẫn chưa được hoàn thiện. Các chính trị gia không quan tâm gì đến dân thường hết”.
Một người dân múc nước khỏi cửa hàng của mình hôm 13/11. Ảnh: CNN. |
Luca Zaia, lãnh đạo vùng Veneto cho biết hơn 80% thành phố đang ngập trong nước.
Thành phố kênh đào lịch sử của Italy nằm ngay trên mực nước biển. Không chỉ đối phó với thủy triều hàng năm vốn ngày một dâng cao, Venice cũng đang chìm dần.
Đài CNN trích một báo cáo dựa trên dữ liệu GPS và hình ảnh radar cho biết nhiều phần của thành phố đang chìm từ 1-4 mm mỗi năm, đồng thời cả thành phố đang nghiêng về phía đông.
Báo cáo mới này cũng phủ nhận suy nghĩ của các nhà khoa học trước đây rằng nguyên nhân khiến Venice chìm là do hút nước ngầm từ dưới lòng thành phố gây nén trầm tích, cho rằng Venice sẽ tiếp tục chìm kể cả khi dừng bơm nước.
Cơn lũ đến vào thời điểm thành phố Venice đang chật vật với nhiều vấn đề nan giải như già hóa dân số và quá tải khách du lịch.
“Thành phố này đang tuyệt vọng”, thị trưởng Venice Luigi Brugnaro nói trong một cuộc phỏng vấn với đài truyền hình quốc gia RAI.