Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Để biết crush có thích bạn hay không

Đây là một ví dụ về kiểm định giả thuyết trong cuộc sống mà có lẽ chúng ta ai cũng đã từng trải qua.

Bạn có thể thầm thương trộm nhớ một cô bạn/anh bạn cùng lớp và không biết người kia có đáp lại tình cảm của mình hay không. Đó là một vấn đề tình cảm rất phức tạp và khó có thể đo lường bằng các phương pháp thống kê. Mặc dù vậy, chúng ta vẫn có thể đặt ra một khuôn khổ để có thể giải bài toán này một cách có hệ thống hơn.

Hãy đặt ra các giả thuyết:

H0: Người ấy không thích bạn

H1: Người ấy thích bạn

Một lần nữa, H1 là giả thuyết mà chúng ta mong muốn xảy ra và đó là điều thú vị hơn so với giả thuyết H0.

Để kiểm định giả thuyết này, bạn không thể ngồi một chỗ và phân tích xem cái nào đúng và cái nào sai. Chúng ta cần thu thập những bằng chứng để xem giả thuyết nào là phù hợp hơn.

Chẳng hạn, nếu bạn thấy rằng người ấy nhấn nút “Like” tất cả bài đăng trên Facebook của bạn và luôn phản hồi nhanh chóng với các tin nhắn của bạn, đó có thể là một bằng chứng tốt ủng hộ giả thuyết H1. Những bằng chứng khác có thể là bao nhiêu lần người ấy nhìn trộm bạn trong lớp, hoặc bao nhiêu lần người ấy mỉm cười với bạn.

Nếu vào sinh nhật của bạn, người ấy tặng cho bạn một món quà mà họ tự tay chuẩn bị, điều đó cũng làm giảm đi giá trị p-value của kiểm định và khiến kiểm định có ý nghĩa thống kê hơn. Đó là cách để chúng ta tư duy về vấn đề và có thể đưa ra lựa chọn sáng suốt hơn.

Tất nhiên, chúng ta hoàn toàn có thể bị sai. Có một khả năng là kiểm định có thể bị sai và xu hướng mà chúng ta thấy chỉ là do tính ngẫu nhiên. Có thể đây là một người mà luôn tỏ ra thân thiện với tất cả mọi người hoặc người ấy tốt với bạn chỉ để có cơ hội làm quen với em trai của bạn. Đó là những yếu tố ngẫu nhiên có thể ảnh hưởng đến kết luận, nhưng kiểm định giả thuyết giúp chúng ta có thể lượng hóa được ảnh hưởng đó và có thể kết luận với một mức độ tin cậy nhất định.

Kiểm định giả thuyết được sử dụng rộng rãi trong các nghiên cứu khi muốn xem xét mối quan hệ giữa các hiện tượng với nhau, khi kiểm nghiệm hiệu quả của các loại thuốc, hiệu quả của các chiến lược bán hàng. Trong phần tiếp theo của chương, chúng ta sẽ tìm hiểu về một số ví dụ ứng dụng của lý thuyết này.

Điều tương tự xảy ra với chủ đề về tác hại của việc nhịn ăn sáng đến sức khỏe. Nếu bạn tìm hiểu về chủ đề này, bạn có thể nhận thấy nhiều câu trả lời là trái chiều nhau. Một số bài viết cho rằng bữa sáng là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày, việc bỏ bữa sáng có thể gây tác hại lớn về sức khỏe. Trong khi đó, một số bài viết khác cho rằng bữa sáng không quá quan trọng như thường được nói đến.

Tờ Thanh niên có bài viết “Bữa ăn sáng có thật sự quan trọng như chúng ta tưởng?”, trong đó trích dẫn Krista Varady, giáo sư dinh dưỡng Đại học Illinois ở Chicago (Mỹ). Krista Varady nói rằng, niềm tin vào tầm quan trọng của việc ăn sáng đến từ các nghiên cứu được thực hiện vài thập kỷ trước.

Các nghiên cứu đối với người lớn cho thấy, những người ăn sáng sẽ khỏe mạnh hơn. Tuy nhiên, “nếu bạn nhìn vào dữ liệu sẽ thấy, những người bỏ bữa sáng cũng có lối sống thực sự không lành mạnh. Họ ăn uống kém hơn, hút thuốc và uống rượu, ít vận động hơn… Các yếu tố bổ sung này có thể gây nhiễu kết quả và khiến bữa ăn sáng có vẻ lành mạnh hơn”.

Như vậy, việc đơn thuần nhìn vào mối tương quan có thể làm thiên lệch ảnh hưởng của việc ăn sáng đến sức khỏe. Nếu các biến ẩn thể hiện ý thức sức khỏe của người được nghiên cứu không được tính đến, mức độ quan trọng của việc ăn sáng sẽ trở nên cao hơn so với thực tế. Nhiều bài báo cho rằng, bạn vẫn nên ăn sáng vì lợi ích của nó, nhưng bữa sáng có thể không phải là bữa ăn quan trọng nhất trong ngày.

Hoàng Hữu Đà / Nhà xuất bản Trẻ

SÁCH HAY