Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐBQH: Thiếu trường hợp được phép nổ súng sẽ gây khó cho cảnh sát biển

Đại biểu Quốc hội cho rằng dự thảo Luật Cảnh sát biển chưa quy định đầy đủ nhiệm vụ, quyền hạn và các tình huống lực lượng này được nổ súng khi thực thi pháp luật trên biển.

Chiều 29/5, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển. Cơ bản nhất trí với nội dung dự thảo luật, tuy nhiên các đại biểu cho rằng dự thảo còn một số điểm chưa phù hợp, cần sửa đổi.

Cụ thể hóa quyền hạn, nhiệm vụ của cảnh sát biển

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM) nói nếu làm tốt Luật Cảnh sát biển sẽ hóa giải được rất nhiều vấn đề bất cập hiện nay. Qua nghiên cứu dự thảo, ông Nghĩa cho rằng cần phải rà soát lại các quy định vì nhiệm vụ của cảnh sát biển mới chỉ đề cập đến việc bảo vệ tính mạng, tài sản người dân, thiếu nhiệm vụ bảo vệ hoạt động của ngư dân. Hay như quy định cảnh sát biển được bắt giữ người nhưng không bắt giữ tàu thuyền vi phạm cũng cần được sửa đổi cho phù hợp.

Du thao Luat canh sat bien anh 1
Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Đoàn TP.HCM). Ảnh: Hoàng Hà.

Về quy định cảnh sát biển được nổ súng khi biết rõ tàu thuyền phạm tội, chở vũ khí, tài liệu bí mật của Nhà nước, theo ông Nghĩa là chưa đầy đủ.

"Tôi thấy thế vẫn thiếu, nếu như đã liệt kê thì lại thiếu. Trường hợp như chất thải nguy hại, chất phóng xạ rất nguy hại mà đưa ra đổ ngoài biển, nếu trốn chạy thì sẽ xử lý như thế nào?”, vị đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi rồi tỏ ra lo ngại việc quy định thiếu trường hợp được phép nổ súng sẽ gây khó cho cảnh sát biển.

Đại biểu Vũ Hải Hà (Đoàn Đồng Nai) lại quan tâm đến quy định vị trí, chức năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Ông Hà nói các hoạt động xâm lấn trên biển chủ yếu diễn ra bằng các hoạt động dân sự nên không thể dùng Hải quân để xử lý. Cảnh sát biển với chức năng giải quyết các tranh chấp dân sự có thể vào cuộc.

Tuy nhiên, dự thảo luật trình Quốc hội thể hiện cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang. Điều này không khác với quy định cũ ghi cảnh sát biển là lực lượng vũ trang.

“Nếu xảy ra tranh chấp thì Liên Hợp Quốc sẽ yêu cầu các lực lượng vũ trang phải rút ra. Chúng ta quy định cảnh sát biển thuộc lực lượng vũ trang thì sẽ lý giải với quốc tế như thế nào?”, đại biểu Vũ Hải Hà đề nghị ban soạn thảo lưu ý quy định này để giúp cảnh sát biển có điều kiện đấu tranh phù hợp.

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Đức Kiên (Đoàn Sóc Trăng) nói: “Một đằng các anh bảo là phải dân sự hóa vấn đề trên biển để tránh xung đột nhưng các anh lại quy định lực lượng cảnh sát biển vẫn là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng. Như vậy có mâu thuẫn hay không".

Ông Kiên đề nghị ban soạn thảo làm rõ phân cấp quản lý, địa bàn hoạt động trên biển giữa cảnh sát biển với các lực lượng khác để tránh chồng chéo.

Du thao Luat canh sat bien anh 2
CSB8002 là tàu tàu vận tải, tuần tra đa năng của Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Hiện đại hóa, nâng cao hiệu quả cảnh sát biển 

Theo đại biểu Sùng Thìn Cò (Phó Tư lệnh Quân khu 2) cảnh sát biển là lực lượng thực thi pháp luật trên biển với nhiệm vụ hết sức quan trọng. Năm 2014, khi có sự gây hấn ở biển Đông, cảnh sát biển là lực lượng trực tiếp ra đấu tranh bảo vệ chủ quyền.

Trường hợp trên biển xảy ra chiến tranh, lực lượng này không chỉ thực thi pháp luật trên biển mà còn hiệp đồng với hải quân để chiến đấu bảo vệ vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc. Ông Cò cho rằng với nhiệm vụ được giao, cảnh sát biển phải là chính quy, được trang bị phương tiện thiết bị hiện đại thì mới đáp ứng được yêu cầu giữ gìn chủ quyền, đảm bảo an ninh trật tự, cứu hộ cứu nạn…

Du thao Luat canh sat bien anh 3
Các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ về dự thảo Luật Cảnh sát biển, chiều 29/5. Ảnh: Hoàng Hà.

Đại biểu Lâm Đình Thắng (Đoàn TP.HCM), cũng cho rằng Nhà nước cần có chính sách đầu tư trang thiết bị cho cảnh sát biển. Khi xảy ra sự kiện giàn khoan HD981, lực lượng cảnh sát biển thiếu nhiều phương tiện, trang thiết bị cần thiết.

Theo ông Thắng, Nhà nước cần sớm hiện đại hóa phương tiện, thiết bị, tuyển chọn, đào tào để cảnh sát biển đủ điều kiện giữ gìn an ninh chủ quyền trong bối cảnh Trung Quốc có nhiều giàn khoan di động và xây dựng 20 nhà máy hạt nhân nổi.

Cảnh sát biển có quyền truy đuổi, bắt giữ tàu

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói nhiệm vụ của cảnh sát biển ngày một nặng nề, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh.

Thắng Quang - Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm