Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Cảnh sát biển có quyền truy đuổi, bắt giữ tàu

Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch nói nhiệm vụ của cảnh sát biển ngày một nặng nề, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh.

Chiều 22/5, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ngô Xuân Lịch thừa ủy quyền của Thủ tướng đã trình bày trước Quốc hội tờ trình về dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Vì sao phải ban hành Luật Cảnh sát biển?

Năm 1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam quy định cảnh sát biển là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.

du an Luat Canh sat bien anh 1
Bộ trưởng Quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Ảnh: Quân Minh.

Qua 19 năm thực hiện pháp lệnh, Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển...

Hiện nay, tình hình trên biển diễn biến ngày một khó lường, các tình huống liên quan tới quốc phòng - an ninh trên biển liên tiếp xảy ra như vụ giàn khoan HD 981 năm 2014, HD 760 năm 2017, các vụ nổ súng vào ngư dân Việt Nam trên biển, cướp có vũ trang… Ngoài ra, các mối đe dọa an ninh truyền thống, phi truyền thống, tội phạm có tổ chức, tội phạm xuyên quốc gia, ma túy, buôn lậu, gian lận thương mại, vi phạm pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn trên biển cũng diễn ra phức tạp.

Vì vậy, nhiệm vụ của cảnh sát biển ngày một nặng nề, đặt ra yêu cầu cấp thiết phải có Luật để tạo hành lang pháp lý đủ mạnh.

du an Luat Canh sat bien anh 2
Cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Hoàng Hà.

Pháp lệnh về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển trong tình hình mới. Thực tiễn thi hành cho thấy pháp lệnh còn một số bất cập, hạn chế cần khắc phục. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết nhằm đảm bảo tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013 về việc luật hóa các quy định hạn chế quyền con người, quyền công dân; phù hợp với những thay đổi của hệ thống pháp luật liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của Cảnh sát biển Việt Nam.

Luật cũng thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về tăng cường năng lực quốc phòng - an ninh trên biển; xây dựng, phát triển Cảnh sát biển Việt Nam, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ quản lý, bảo vệ vùng biển giai đoạn hiện nay, đảm bảo sự tương đồng với pháp luật của các nước trong khu vực và trên thế giới, đồng thời nâng cao hiệu quả hoạt động hợp tác quốc tế của Cảnh sát biển Việt Nam.

Nhiệm vụ, quyền hạn của cảnh sát biển

Theo dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam, cảnh sát biển có 7 nhiệm vụ trong đó có bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán quốc gia, bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ tài nguyên - môi trường biển, bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của công dân.

Lực lượng này cũng tham gia bảo đảm thực thi pháp luật trên biển, đấu tranh, phòng chống tội phạm, vi phạm pháp luật; tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn và tham gia khắc phục sự cố môi trường biển.

Cảnh sát biển được phép bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của Luật An ninh quốc gia.

Cảnh sát biển được xử lý vi phạm hành chính, tiến hành một số hoạt động điều tra hình sự theo thẩm quyền về pháp luật tố tụng hình sự, truy đuổi người, phương tiện vi phạm pháp luật trên biển.

Dự thảo luật cũng cho phép cảnh sát biển được huy động người, phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật dân sự của cá nhân, tổ chức Việt Nam, yêu cầu tổ chức, cá nhân và phương tiện nước ngoài hoạt động trong vùng biển Việt Nam hỗ trợ, giúp đỡ.

Cảnh sát biển được phép bắt giữ tàu biển theo quy định của pháp luật về bắt giữ tàu biển và sử dụng các biện pháp nghiệp vụ theo quy định của Luật An ninh quốc gia.

du an Luat Canh sat bien anh 3
BTL Vùng Cảnh sát biển 3 diễn tập chống cướp biển, cướp có vũ trang và tìm kiếm cứu nạn trên biển. Ảnh: Canhsatbien.vn

Quá trình thực thi pháp luật trên biển, Cảnh sát biển Việt Nam được phép sử dụng vũ khí quân dụng, công cụ hỗ trợ, vật liệu nổ theo quy định; sử dụng phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để thu thập thông tin, phát hiện, xử lý vi phạm, tội phạm trong vùng biển Việt Nam và địa bàn liên quan.

Dự thảo trình Quốc hội cũng quy định các trường hợp cảnh sát biển được nổ súng gồm: Bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền trong tình huống quốc phòng, an ninh; Cảnh báo tàu thuyền hoạt động trái phép trong vùng biển Việt Nam, khi đã thực hiện biện pháp tuyên truyền và yêu cầu chấm dứt vi phạm nhưng tàu thuyền cố tình tiếp tục thực hiện hành vi; Nổ súng vào tàu thuyền để ngăn chặn, dừng tàu thuyền, yêu cầu chấp hành hiệu lệnh của Cảnh sát biển Việt Nam trong quá trình truy đuổi, đấu tranh chống cướp biển, cướp có vũ trang chống lại tàu thuyền và tội phạm khác trên biển...

Đại biểu Quốc hội: 'Tôi nghĩ bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ'

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ và cần có hành lang pháp lý để bảo vệ các bác sĩ.

Bá Chiêm

Bạn có thể quan tâm