Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đại biểu Quốc hội: 'Tôi nghĩ bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ'

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ và cần có hành lang pháp lý để bảo vệ các bác sĩ.

'Bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ' Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan cho rằng tại tòa bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ và cần có hành lang pháp lý để bảo vệ các bác sĩ.

Sáng 22/5, trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội về phiên tòa xét xử vụ án chạy thận nhân tạo tại bệnh viện đa khoa Hòa Bình khiến 9 người tử vong và trường hợp của Hoàng Công Lương, đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) cho rằng ngành y tế rất đau lòng và hoang mang.

Nữ đại biểu Quốc hội lên tiếng

"Qua đây tôi thấy chúng ta đang thiếu một hành lang pháp lý để bảo vệ các bác sĩ, việc này các nước khác làm rất nhiều rồi", bà Phong Lan nói và cho biết vụ án đang xét xử đã xuất hiện nhiều bất thường.

Theo bà, cơ quan tố tụng phải xác định đúng người đúng tội chứ không thể đổ hết cho một bác sĩ trực tiếp làm và lo cứu chữa cho bệnh nhân, trong khi bác sĩ làm sao biết được chất lượng nước để chạy thận như thế nào.

"Nếu có gì tiêu cực thì ai là người hưởng lợi?", đại biểu Phong Lan, người có nhiều năm công tác trong lĩnh vực y tế đặt câu hỏi.

Bà phân tích nếu có tiêu cực để hưởng lợi từ nguồn nước, thiết bị chạy thận, "hay xảy ra việc bắt tay, chuyện này, chuyện kia" thì phải từ cấp lãnh đạo khoa, bệnh viện, giám đốc công ty trang thiết bị chứ không phải một bác sĩ.

Xet xu bac si Hoang Cong Luong anh 1
Đại biểu Quốc hội Phạm Khánh Phong Lan (TP.HCM) trả lời báo chí sáng 22/5. Ảnh: Thắng Quang.

"Mỗi sơ suất mà sau đó không được bảo vệ của ngành, không có sự bảo vệ của lực lượng pháp luật chuyên nghiệp thì không được. Tôi nghĩ bác sĩ Hoàng Công Lương đang rất bơ vơ", bà Lan nhấn mạnh

Cũng theo nữ đại biểu này, trong nghề y, bác sĩ nào cũng muốn cứu chữa để bệnh nhân hết bệnh, thoát chết nhưng đôi khi lực bất tòng tâm, có những việc ngoài ý muốn xảy ra. Người bác sĩ khi vào chữa bệnh cho bệnh nhân phải được đảm bảo là họ chỉ cần quan tâm đến việc chữa bệnh.

Nguyên Phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM cũng đồng quan điểm với người nhà bệnh nhân xin HĐXX không xét xử với bác sĩ Lương, bởi tự họ cũng đã thấy, vụ việc đã vượt ngoài tầm của bác sĩ.

"Phiên tòa xét xử mà nguyên Giám đốc Bệnh viện đa khoa Hòa Bình Trương Quý Dương dù được triệu tập nhưng không đến và đi nước ngoài, ủy quyền người đại diện đến theo tôi là không hợp lý", bà Lan nói thêm.

Xet xu bac si Hoang Cong Luong anh 2
Bác sĩ Hoàng Công Lương tại tòa. Ảnh: Hoàng Lam.

Ông Dương có mặt ở phiên tòa là hết sức cần thiết

Khi TAND tỉnh Hòa Bình mở phiên xét xử, ông Trương Quý Dương (nguyên Giám đốc bệnh viện) không đến dự khiến gia đình các nạn nhân rất bức xúc. Ông này có đơn vắng mặt do đang ở nước ngoài.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Chiến (Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, Chủ nhiệm Đoàn luật sư Hà Nội) nói việc có mặt của ông Dương tại phiên tòa là hết sức cần thiết. Tất cả những người tham dự phiên tòa cũng như những người theo dõi phiên tòa nhận thấy rằng cần phải có sự có mặt của nhân vật này.

Theo bác sĩ Trương Hồng Sơn - Phó tổng thư ký Tổng Hội y học Việt Nam, đây là vụ án nghiêm trọng khi có đến 9 bệnh nhân tử vong. Việc này liên quan đến công tác quản lý trang thiết bị, công tác bảo dưỡng và liên quan đến cả nhân sự của bệnh viện. Thời điểm xảy ra sự việc, giám đốc, ban giám đốc và một số cá nhân trong bệnh viện đương nhiên là có liên quan đến sự cố y khoa này.

Ông Sơn nhấn mạnh cần phải làm rõ những điểm liên quan đến trách nhiệm của ban lãnh đạo bệnh viện trong việc chưa đưa ra đầy đủ và kiểm soát việc thực hiện nghiêm túc các quy trình kiểm soát chất lượng trang thiết bị. Các tuyến cao hơn cũng cần nghiêm túc kiểm điểm về việc chưa hỗ trợ các tuyến dưới trong xây dựng quy trình kiểm soát, chưa giám sát tuyến dưới thực hiện nghiêm túc đảm bảo an toàn người bệnh.

Tiến sĩ Sơn chia sẻ với Zing.vn khi nhân viên dưới quyền đang đứng trước nguy cơ buộc tội, người đứng đầu đơn vị để xảy ra sự cố nhưng không dự tòa thì... không đúng về mặt đạo lý. Giám đốc và ban giám đốc bệnh viện đã thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc ban hành các quy định quản lý và giám sát việc thực hiện nghiêm các quy định này, đó là điểm mà lãnh đạo bệnh viện phải nhận thức.

Cùng đề cập về vấn đề trên, bác sĩ Trần Văn Phúc (Bệnh viện Xanh Pôn, Hà Nội) nêu quan điểm rằng vụ án đang đi theo hướng xoay quanh trách nhiệm cá nhân của người sửa máy là Bùi Mạnh Quốc, người giám sát là Trần Văn Sơn và người phụ trách chuyên môn là bác sĩ Hoàng Công Lương. Nếu đi theo hướng này, ông Trương Quý Dương chỉ là người liên quan.

Bác sĩ Phúc nói xét về mặt pháp luật, nguyên giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình có thể đến hoặc không đến phiên tòa (dù nhiều người lên tiếng phản đối). Tuy nhiên, ông Dương đến phiên xử sẽ mở được nút thắt của vụ việc bởi hợp đồng liên kết giữa Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình và Công ty Thiên Sơn có liên quan với nhau.

Theo cáo trạng, ngày 28/5/2017, Bùi Mạnh Quốc được thuê sửa chữa hệ thống lọc nước RO dùng để chạy thận tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hòa Bình nhưng để tồn tại axit trong hệ thống. Bị cáo Trần Văn Sơn không kiểm tra việc Quốc sửa chữa, không lấy mẫu xét nghiệm mẫu nước nhưng vẫn thông báo cho điều dưỡng về việc hệ thống có thể sử dụng bình thường.

Ngày 29/5/2017, bị cáo Hoàng Công Lương - bác sĩ được giao phụ trách đơn nguyên thận nhân tạo - đã không kiểm tra, không báo cáo kết quả sửa chữa cho cấp trên, đồng thời ra y lệnh chạy thận cho 18 bệnh nhân. 8 người trong số này đã tử vong do hóa chất trong nước cao gấp 260 lần mức cho phép.

Vụ chạy thận làm 9 người chết: Cần xem xét trách nhiệm của ông Dương

Đại diện gia đình bệnh nhân tiếp tục xin cho bác sĩ Lương vô tội. Ngoài ra, họ cũng muốn HĐXX làm rõ trách nhiệm của nguyên Giám đốc bệnh viện Trương Quý Dương.


Thắng Quang - Hà Quyên

Bạn có thể quan tâm