Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

ĐBQH: Hầu hết đại gia của chúng ta đều từ bất động sản

Đại biểu Đinh Ngọc Minh cho rằng lợi tức chuyển đổi các loại đất sang đất ở là rất lớn, có nơi chênh hàng chục triệu đồng/m2. Vì vậy, hầu hết đại gia đều từ bất động sản, nhà thầu.

Tại Hội nghị Đại biểu Quốc hội chuyên trách sáng 7/4, các đại biểu tiếp tục thảo luận về một số vấn đề của dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Bên cạnh việc tham gia cho ý kiến vào các điều khoản trong dự thảo Luật, nhiều đại biểu đặt câu hỏi về các quy định để cơ quan soạn thảo làm rõ.

Cần tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản

Theo đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau), hiện nay, khiếu kiện về đất đai chiếm khoảng 70% tỷ lệ khiếu kiện người dân gửi đến Ban Dân nguyện của Quốc hội hàng năm. Vì vậy, trong lần sửa đổi lần này, cơ quan soạn thảo cần đánh giá việc giảm lượng khiếu kiện này như thế nào khi triển khai dự thảo luật.

Cùng với đó, ông cho rằng lợi tức từ việc chuyển đổi các loại đất sang đất ở hiện rất lớn, nhất là đất ở khu vực đô thị. Có nơi chênh lệch hàng chục triệu đồng một m2.

"Phần lợi tức này chủ yếu doanh nghiệp bất động sản được hưởng. Nó trả lời cho câu hỏi hầu hết đại gia của chúng ta đều từ bất động sản và nhà thầu", ông Minh nói.

Ông đặt câu hỏi việc sửa đổi luật lần này có phân ra một phần lợi tức (địa tô) cho toàn dân theo Hiến pháp hay không vì "đất đai là quyền sở hữu toàn dân".

Đồng thời, đại biểu băn khoăn việc sửa đổi luật có nên quy định thu lại một phần địa tô này để phân phối lại và có hướng điều tiết cụ thể.

luat dat dai anh 1

Đại biểu Đinh Ngọc Minh, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Kinh tế của Quốc hội khóa XV, cho ý kiến về một số nội dung liên quan Luật Đất đai (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng.

Ngoài ra, ông Minh nêu số liệu Trung Quốc hiện có 80 triệu ngôi nhà chưa được bán, chưa kể những ngôi nhà đã bán nhưng chưa được ở.

"Đề nghị có đánh giá xem ở nước ta có bao nhiêu ngôi nhà làm ra chưa được bán, chưa được ở, nhằm tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản", ông Minh nói và đặt vấn đề dự thảo luật có giảm được đầu cơ bất động sản để tạo nguồn lực cho sản xuất hay không.

Ngoài ra, đại biểu cũng cho rằng việc sửa đổi luật lần này cần tạo điều kiện cho nhà đầu tư dễ dàng tiếp cận đất đai sản xuất. Việc này nhằm tận dụng cơ hội của đất nước về dân số vàng, địa điểm vàng, thời cơ vàng "cho các đại bàng cũng như chim sẻ về làm tổ".

Đề nghị có đánh giá nước ta có bao nhiêu ngôi nhà làm ra chưa được bán, chưa được ở, tránh hệ quả tăng trưởng dựa vào bất động sản

Đại biểu Đinh Ngọc Minh

Theo ông Minh, đất cho sản xuất kinh doanh vẫn đang quy định một quy trình như đất ở bao gồm quy hoạch, chuyển đổi, giấy phép... Điều này khiến doanh nghiệp mất rất nhiều thời gian và tiền bạc để có đất sản xuất.

Để giảm khó khăn và chi phí cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, ông Minh đề nghị có một điều quy định riêng về đất chuyển đổi sang sản xuất kinh doanh theo hướng linh hoạt, nhất là vùng sâu, vùng xa.

Băn khoăn về nguyên tắc bồi thường, tái định cư

Cho ý kiến về nguyên tắc bồi thường tái định cư khi thu hồi đất tại điều 86, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) dẫn lại quy định người bị thu hồi phải có cuộc sống bằng hoặc tốt hơn trước khi di dời.

Theo ông Huân, dự thảo cũ có quy định người dân sau khi tái định cư phải có thu nhập bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, thì khó đảm bảo hoặc định giá được. Nhưng cuộc sống bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ hoàn toàn có thể, bởi cuộc sống tốt hơn không nhất thiết là phải thu nhập tốt hơn.

"Vì có những người cuộc sống ở ven sông, kênh rạch, người ta thu nhập tốt, người ta di dời vào đất liền làm vườn, nuôi trồng, thu nhập không bằng nhưng cuộc sống tốt hơn, ổn định hơn; con cái được đến trường", ông Huân dẫn chứng và cho rằng cuộc sống tốt hơn còn xét trên nhiều chỉ tiêu, không chỉ thu nhập.

luat dat dai anh 2

Đại biểu Nguyễn Quang Huân nêu ý kiến về nguyên tắc bồi thường, tái định cư khi thu hồi đất. Ảnh: Phạm Thắng.

Ở góc độ khác, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) lại cho rằng việc quy định khu tái định cư phải tốt hơn hoặc bằng nơi ở cũ khó định lượng vì không biết "tốt hơn là tốt hơn thế nào".

Ông Hòa lấy ví dụ hiện nay, người dân đang sinh sống ở mặt tiền của đường Nguyễn Huệ (TP.HCM) có thể thu rất nhiều tiền một ngày. Nhưng sau khi thu hồi đất, khu tái định cư của người dân không thể đảm bảo thu nhập này, nên không thể nói chỗ ở tốt hơn.

"Nếu quy định như vậy sẽ bị trói buộc, nên tôi cho rằng cần quy định lại khu tái định cư phải hoàn thiện các điều kiện hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ… sẽ phù hợp hơn", ông Hòa nói.

Đại biểu cũng cho rằng người dân tái định cư có được quyền chọn chỗ ở trong cùng một địa bàn cấp quận hoặc cấp huyện. Nội dung này cũng cần được quy định rõ trong dự thảo luật.

Tủ sách Xã hội giới thiệu những cuốn sách hay và mới về các chủ đề từ thời sự, chính trị, đến giao thông, hạ tầng... Tủ sách đồng thời cung cấp nhiều kiến thức, dữ liệu để độc giả hiểu nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

Phó thủ tướng: Thủ tục chuyển đất quốc phòng sang giao thông rất khó

Dẫn chứng việc mất gần một năm chuyển mục đích sử dụng đất để làm nhà ga T3 Tân Sơn Nhất, Phó thủ tướng cho biết thủ tục chuyển đất quốc phòng sang đất giao thông rất khó khăn.

Luật Đất đai sửa đổi: Cần có cơ quan định giá độc lập

Các chuyên gia góp ý sau khi bỏ khung giá đất, Nhà nước cần cho phép thành lập cơ quan định giá đất độc lập để hỗ trợ xây dựng bảng giá hàng năm đảm bảo khách quan, minh bạch.

Mỹ Hà

Bạn có thể quan tâm