Mã Zalopay QR Đa Năng phiên bản quốc tế. Ảnh: Zalopay. |
Thị trường thanh toán không tiền mặt đang bùng nổ cả về số lượng giao dịch lẫn giá trị. Việt Nam không nằm ngoài xu hướng này. Thống kê từ báo cáo tháng 8 Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho thấy thanh toán không tiền mặt đạt khoảng 11 tỷ giao dịch trong năm 2023, tăng gần 50% so với năm trước. Riêng giao dịch qua mã QR tăng 170%, đạt 183 triệu tổng giao dịch.
Giữa bối cảnh đó, Zalopay đã thích nghi bằng cách ra mắt sản phẩm QR Đa Năng vào năm 2023. Đến năm 2024, ví này tiếp tục giới thiệu phiên bản quốc tế của mã QR tại sự kiện Year End Fes 2024 (YEF24), hợp tác cùng UnionPay, tổ chức thanh toán hàng đầu thế giới, hoạt động tại 183 quốc gia và khu vực.
Phiên bản quốc tế giúp khách du lịch thanh toán dễ dàng tại Việt Nam mà không cần đổi tiền mặt, đồng thời hỗ trợ các phương thức thanh toán trong hệ sinh thái của UnionPay.
Điều này có nghĩa là người dùng từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Thái Lan, Lào và nhiều quốc gia khác có thể sử dụng các ứng dụng quen thuộc như Naver Pay, DBS Paylah hoặc KPlus để quét mã QR và thực hiện giao dịch.
Bà Lê Lan Chi, Tổng giám đốc Zalopay, cho biết sản phẩm sẽ giúp mở rộng tệp khách hàng quốc tế cho các doanh nghiệp Việt.
Khi sử dụng một mã QR, các doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn, không cần phải tích hợp nhiều hệ thống thanh toán khác nhau. Ngoài ra, với một mã QR duy nhất, các cơ sở kinh doanh có thể giảm tải các công việc thủ công như kiểm tra giao dịch, đặc biệt trong giờ cao điểm.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, bà Lê Lan Chi cho biết Zalopay cũng đang phát triển tính năng quét mã thanh toán quốc tế, thanh toán ngoại tệ cho người dùng Việt.
Sự kiện trải nghiệm thanh toán số Zalopay Year End Fes 2024 diễn ra từ ngày 28/11-1/12. Ảnh: Zalopay. |
Không chỉ riêng Zalopay, các tổ chức thanh toán quốc tế như Visa cũng đang tích cực thúc đẩy thanh toán QR xuyên biên giới. Tại Singapore Fintech Festival 2024, Visa đã công bố kế hoạch hợp tác với các nhà cung cấp thanh toán QR ở nhiều quốc gia, trong đó có cả VNPay và Zalopay tại Việt Nam, nhằm tạo điều kiện cho người dùng thanh toán xuyên biên giới dễ dàng hơn.
Visa cung cấp giải pháp kỹ thuật giúp các nhà cung cấp QR tích hợp mạng lưới của mình với các ứng dụng thanh toán quốc tế. Điều này giúp người dùng quét mã QR và thanh toán một cách an toàn, liền mạch, bất kể họ ở quốc gia nào.
Ông T.R. Ramachandran, Phó Chủ tịch cấp cao của Visa khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nhấn mạnh rằng việc mở rộng thanh toán QR mang lại nhiều lợi ích cho cả người tiêu dùng lẫn doanh nghiệp. Người tiêu dùng có thể sử dụng phương thức thanh toán quen thuộc ngay cả khi đi du lịch nước ngoài.
Trong khi đó, các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, có thể mở rộng tệp khách hàng và tối ưu hóa chi phí vận hành.
Theo nghiên cứu của Visa về thái độ thanh toán của người tiêu dùng khu vực Đông Nam Á năm 2024, thanh toán QR qua ví điện tử đã trở thành phương thức phổ biến thứ 2, chiếm 26% trong tổng số các giao dịch.
Ở Việt Nam, hiện có 50 tổ chức trung gian thanh toán, 48 tổ chức cung cấp dịch vụ ví điện tử. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy tính đến giữa năm 2024, cả nước có hơn 34 triệu ví điện tử đang hoạt động, chiếm 59% tổng số ví đã kích hoạt.
Sức tăng trưởng mạnh mẽ này đã thúc đẩy các nhà cung cấp dịch vụ đổi mới để duy trì lợi thế cạnh tranh. Ngoài thanh toán QR, ví điện tử còn phát triển thành một hệ sinh thái thanh toán với các dịch vụ như chuyển khoản ngân hàng mà không cần liên kết, thanh toán bằng Apple Pay, thẻ quốc tế Visa/Mastercard và các sản phẩm tài chính số khác.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.