Theo BBC, các nhà khoa học đã lần đầu tiên chụp được hình ảnh của hiện tượng rối hạt, hay còn gọi là rối lượng tử, khi hai hạt photon tương tác với nhau và cùng chia sẻ trạng thái vật lý. Hiện tượng tương tác này xảy ra bất chấp khoảng cách giữa hai hạt photon này lớn đến mức nào.
Để thu được hình ảnh, nhóm các nhà khoa học từ Đại học Glasgow đã phát minh ra hệ thống bắn ra một luồng ánh sáng chứa các hạt photon đã tương tác từ một nguồn ánh sáng lượng tử vào các vật thể "phi thông thường". Hình ảnh tương tác giữa các hạt photon được ghi lại trên các vật liệu tinh thể lỏng làm thay đổi pha của các photon khi chúng đi qua.
Hình ảnh hiện tượng rối lượng tử do các nhà khoa học từ Đại học Glasgow thu được. Ảnh: BBC. |
Giáo sư Paul-Antoine Moreau từ Trường Vật lý và Vũ trụ, Đại học Glasgow, cho biết đây là hình ảnh minh chứng cho "một tính chất cơ bản của tự nhiên".
"Đây là một kết quả thú vị, có thể được sử dụng để thúc đẩy lĩnh vực điện toán điện tử mới nổi và mang lại những hình thức mới của hình ảnh", ông Moreau nói.
Khi còn sống, hiện tượng rối lượng tử được nhà vật lý Albeit Einstein mô tả là "tác động ma quái" và không thể tồn tại, bởi tính tức thời của sự tương tác giữa hai hạt photon, dù chúng có thể ở khoảng cách rất xa. Sự tương tác này cũng dường như đi ngược lại Thuyết Tương đối của Einstein.
Tuy nhiên, các nhà khoa học sau đó đã chứng minh sự tồn tại của hiện tượng rối lượng tử, trong đó nhà khoa học John Bell đã chính thức hóa khái niệm này bằng thí nghiệm miêu tả rõ những tính chất của rối lượng tử.
Rối lượng tử hiện được khai thác và ứng dụng trong các lĩnh vực như điện toán lượng tử và mật mã, tuy nhiên, người ta trước đây chưa từng chụp được hình ảnh của hiện tượng này.