Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đây là 24 lý do để Mark Zuckerberg rời Facebook ngay lập tức

Facebook, dưới quyền điều hành của Mark Zuckerberg, đã liên tiếp sai phạm, ảnh hưởng lớn đến quyền riêng tư người dùng và uy tín công ty.

*Quan điểm của Evan Geer từ The Guardian.

Lúc này, mọi người đều muốn có một “viên đạn bạc” - một giải pháp duy nhất để khắc phục những lỗi của Facebook, khôi phục quyền riêng tư người dùng và làm sạch ngành công nghệ.

Mức phạt nặng, sự kiểm soát quyền dân sự, chống độc quyền, áp dụng luật dữ liệu riêng tư hay triệu tập hội đồng cổ đông đều có thể góp một phần cho giải pháp trên. Hơn nữa, chúng ta cần cả một cuộc cách mạng để thay đổi tư duy về bảo mật thông tin cá nhân. Từ đó phơi bày cách các công ty trục lợi bằng cách thu thập thông tin người dùng.

Trong thời đại công nghệ phát triển, những “vị vua” của thung lũng Silicon đang ngồi trong lâu đài của mình, tận hưởng kho báu có được từ núi dữ liệu người dùng. Tuy nhiên, nhà vua không phải thần thánh, đã đến lúc truất ngôi Mark Zuckerberg.

luan toi Mark Zuckerberg,  ly do Facebook loai Mark Zuckerberg anh 1
Mark Zuckerberg từ người sáng lập, giờ bị xem như kẻ tội đồ của Facebook. Ảnh: Mashable.

Dưới sự lãnh đạo thất bại của Mark, Facebook đã trở thành một trong những tổ chức tệ hại nhất hành tinh. Công ty vừa đối mặt với mức phạt kỷ lục. Các chuyên gia dự đoán lợi nhuận của nền tảng này sẽ giảm lần đầu tiên sau nhiều năm.

CEO gốc Do Thái đã có một thập kỷ để giải quyết các vấn đề của Facebook, nhưng anh ta đã chứng minh bản thân không thực sự có ý định thay đổi. Dưới đây là 24 lý do để không ai có thể tha thứ cho Mark Zuckerberg.

  • Vi phạm bảo mật: Một lỗi hệ thống của Facebook đã để lộ thông tin cá nhân của 30 triệu người và được phanh phui vào tháng 12/2018. Danh sách bao gồm tìm kiếm, địa điểm, tên, số điện thoại… Vụ bê bối Cambride Analytica cũng ảnh hưởng đến 87 triệu người dùng và là scandal lớn nhất trong lịch sử Facebook.
  • Mật khẩu không được mã hoá: Hàng trăm triệu người dùng Facebook và Instagram đã lưu mật khẩu dưới dạng văn bản thuần từ năm 2012. Mật khẩu không được mã hoá và có thể dễ dàng tra cứu bởi nhân viên Facebook.
  • Số điện thoại dự phòng bị dùng cho quảng cáo: Số điện thoại được Facebook yêu cầu cho quá trình bảo mật hai yếu tố bị gửi lại cho các đơn vị quảng cáo theo mục tiêu. Để tránh hệ lụy, người dùng buộc phải tắt xác thực dựa trên số điện thoại.
  • Thử nghiệm tâm lý: Facebook thừa nhận đã chạy thử nghiệm trên hàng trăm nghìn người để kiểm tra cảm xúc lan truyền trên Internet. Người dùng đã bị các nhà nghiên cứu buộc xem các bài đăng có tính chất cực đoan và bị quan sát hành vi phản ứng.
  • Đạo luật Ái quốc: Trong tháng 4, Facebook đã thuê Jennifer Newstead làm luật sư mới của mình. Người này do ông Trump chỉ định và cũng là đồng sáng tác “Đạo luật Ái quốc” - cho phép nghe lén một số cuộc gọi liên quan đến chính phủ. Facebook bày tỏ sự hài lòng với lần tuyển dụng này.
  • Quảng cáo phân biệt chủng tộc: Facebook đã cho phép người dùng mua quảng cáo nhắm vào những đối tượng như “ghét người Do Thái” hoặc “thích Phát xít Đức”.
  • Loại trừ phụ nữ khỏi quảng cáo: Mạng xã hội này cho phép các nhà tuyển dụng đăng quảng cáo dành riêng cho nam giới, vi phạm Đạo luật Dân quyền năm 1964. Văn bản quy định phân biệt đối xử dựa trên giới tính là bất hợp pháp.
  • Vận động hành lang để kiểm soát pháp luật: Facebook từng có những động thái chống lại “luật an ninh mạng” của chính quyền liên bang, cũng như luật riêng tư bang California.
  • Theo dõi người dùng Internet: Nếu một trang web nhúng những tính năng của Facebook, công ty sẽ theo dõi và chia sẻ dữ liệu của người truy cập với các nhà quảng cáo. Thậm chí khi người này không có tài khoản Facebook.
  • Thoả thuận dữ liệu với các nhà sản xuất phần cứng: Facebook đã cấp quyền truy cập ưu tiên vào dữ liệu người dùng cho hơn 60 nhà sản xuất, bao gồm Apple và Samsung. Những thoả thuận này hiện được điều tra hình sự bởi các công tố viên liên bang.
  • Bôi nhọ chuyên nghiệp: Trước vụ bê bối Cambridge Analytica, thay vì thực hiện những cải cách nội bộ, nhóm chính sách của Facebook đã tiến hành một chiến dịch quái gở: thuê một nhóm người cánh hữu để bôi nhọ tỷ phú có tư tưởng cánh tả George Soros.
  • Mark Zuckerberg đã thảo luận về việc bán dữ liệu người dùng, ngay khi tuyên bố sẽ xoá bỏ chúng. CEO này còn cho biết mình sử dụng kho dữ liệu Facebook để “trừng phạt đối thủ và giúp đỡ bạn bè”.
  • Ghi lại nhật ký cuộc gọi của người dùng Android: Facebook bị cáo buộc thu thập tin nhắn và dữ liệu cuộc gọi từ người dùng Android bằng cách quét tên, số điện thoại và độ dài mỗi cuộc gọi thực hiện.
  • Gián điệp Onavo: Trong nhiều năm, Facebook đã sử dụng một ứng dụng có tên Onavo để tìm hiểu thời gian người dùng dành cho những nền tảng đối thủ, và những trang web họ đã truy cập. Sau đó, công ty sử dụng thông tin này để quyết định mua WhatsApp với giá 19 tỷ USD.
  • Quyền riêng tư lỏng lẻo làm lộ 6 triệu tài khoản: Một hacker mũ trắng năm 2013 đã phát hiện lỗi làm lộ email và số điện thoại của 6 triệu người dùng Facebook. Theo đó, bất cứ ai có mối liên hệ đều có thể xem thông tin của những tài khoản này.
  • Beacon: Là một trong những chương trình quảng cáo đầu tiên của Facebook, Beacon tự động thông báo cho bạn bè khi chủ tài khoản mua thứ gì đó, mà không có sự đồng ý trước. Zuckerberg đã xin lỗi và mở tuỳ chọn từ chối sử dụng cho người dùng.
  • Lỗi khiến ảnh của 6,8 triệu người dùng bị lộ: Lỗi này cho phép các nhà phát triển bên thứ 3 truy cập vào kho ảnh của người dùng, nhưng không được chia sẻ công khai hình ảnh trên bất cứ dịch vụ nào của họ.
  • Hành động kiểu “thay mặt”: Năm 2010, khi tung ra những tính năng kiểm soát quyền riêng tư, Facebook đã mặc định mọi bài đăng của người dùng đều ở chế độ công khai. Tính năng này đã khiến nhiều người khó chịu khi chỉ muốn chia sẻ với bạn bè. Đến năm 2011, Facebook buộc phải ký các quyết định với FTC và văn phòng bảo mật của EU. Nội dung cam kết không thay đổi cài đặt quyền riêng tư người dùng mà không thông báo trước, Mark Zuckerberg một lần nữa phải xin lỗi.
  • Theo dõi nội dung chưa được đăng: Trở lại năm 2013, một nghiên cứu tiết lộ Facebook đã theo dõi dữ liệu trên các trạng thái và bài đăng, ngay cả khi người dùng quyết định không đăng tải bài viết đó.
  • Xoá tài khoản của người Palestine: Năm 2016, mạng xã hội này thừa nhận đã tuân theo sự chỉ đạo của chính phủ Mỹ - Israel và xoá tài khoản của người Palestine với lý do kích động Hồi Giáo.
  • Quyền truy cập đặc biệt cho các ông lớn công nghệ: Những đối tác kinh doanh như Amazon và Netflix được quyền truy cập ưu tiên vào dữ liệu người dùng. Các công ty này bỏ qua quy tắc bảo mật để lấy thông tin phục vụ cho doanh thu quảng cáo.
  • Quyết định kỳ lạ: Facebook nhận tài trợ từ anh em nhà Koch, những người mang tư tưởng phủ nhận biến đổi khí hậu, để xây dựng chương trình chống tin giả (fakenews). Công ty của Koch vẫn nổi tiếng là một tổ chức truyền thông sai lệch.
  • Dẹp bỏ trang của các nhà hoạt động xã hội: Trong nỗ lực chống lại những kẻ phản động nước Nga, Facebook vô tình đóng cửa trang của một nhóm hoạt động xã hội ở Washington DC. Nhóm người này đã lên kế hoạch phản đối cuộc biểu tình cực đoan ủng hộ chủng tộc da trắng ở thủ đô.
  • Chia sẻ dữ liệu người dùng với nhà quảng cáo: Lỗ hổng bảo mật phát hiện năm 2010 cho phép nhà quảng cáo có quyền truy cập vào từng người dùng cá nhân. Họ có thể biết tên tuổi, quê quán và công việc. Facebook đã phải nhanh chóng xử lý lỗi này.

Bản danh sách dài này có kèm theo những lời xin lỗi và hứa hẹn. Nhưng cá nhân Zuckerberg, với việc cầm trịch Facebook, không cho thấy sự thiết tha thay đổi. Bất chấp những gì CEO này đã nói trên TV hoặc trước Quốc hội Mỹ.

Mô hình kinh doanh hiện tại của Facebook, về cơ bản, là bất hoà với dân chủ và nhân quyền cơ bản. Một công ty từng tuyên bố “mang mọi người lại gần nhau”, giờ bị đầu độc bởi sự hấp dẫn điên cuồng của việc thu thập dữ liệu người dùng. Hàng trăm triệu người đã bị xâm phạm quyền riêng tư và phản bội lòng tin.

luan toi Mark Zuckerberg,  ly do Facebook loai Mark Zuckerberg anh 2
Cambridge Analytica là vụ bê bối lớn nhất liên quan đến bảo mật thông tin mà Facebook phải chịu trong những năm trở lại đây. Ảnh: SecurityDaily.

Như vậy là quá đủ. Mark Zuckerberg phải ra đi. Chúng ta cần thúc đẩy quá trình này. Các cổ đông đã nhận ra vấn đề nằm ở cơ quan đầu não, họ đang chờ định đoạt số phận CEO này ở Đại hội đồng Cổ đông sắp tới.

Việc Mark Zuckerberg từ chức sẽ gửi một thông điệp tới các công ty công nghệ, nhà quản lý chính phủ và những người đang nắm giữ thung lũng Silicon: Trách nhiệm lãnh đạo các công ty là một đặc ân của họ, không phải một đặc quyền.

Cái bẫy 'miễn phí' từ Google, Facebook Miễn phí dường như chỉ là cách gọi khác cho những gì mà nhiều công ty công nghệ kinh doanh hiện nay. Họ đã kiếm được tiền tỷ từ dữ liệu cá nhân người dùng.

Ý tưởng 'cắt xẻ Facebook' được ủng hộ mạnh mẽ

Sau khi đồng sáng lập Facebook chia sẻ ý kiến cần chia nhỏ Facebook, hàng loạt chính trị gia đã lên tiếng ủng hộ.



Hữu Chiến

Theo The Guardian.

Bạn có thể quan tâm