Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

LENS

Dây chuyền sản xuất nước sạch 5.000 tỷ đồng mới xuất hiện ở Hà Nội

Nhà máy nước mặt Sông Đuống với dây chuyền xử lý công nghệ châu Âu, sau khi khánh thành được kỳ vọng sẽ đưa những nguồn nước sạch tiêu chuẩn quốc tế đến cho khách hàng ở miền Bắc.

DÂY CHUYỀN SẢN XUẤT NƯỚC SẠCH 5.000 TỶ ĐỒNG MỚI XUẤT HIỆN Ở HÀ NỘI

Nhà máy nước mặt Sông Đuống với dây chuyền xử lý công nghệ châu Âu, sau khi khánh thành được kỳ vọng sẽ đưa những nguồn nước sạch tiêu chuẩn quốc tế đến cho khách hàng ở nhiều tỉnh, thành miền Bắc.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 1

Chỉ trong 18 tháng kể từ khi khởi công, Nhà máy nước mặt Sông Đuống (Aquaone) đã tuôn ra những nguồn nước sạch đầu tiên với công suất 150.000 m3/ngày đêm ngay từ tháng 10/2018. "Kỷ lục, từ trước đến nay, chưa có một dự án an sinh xã hội nào mà thực hiện được nhanh chóng như vậy", Madam Đỗ Thị Kim Liên mở đầu trong buổi gặp gỡ báo chí một ngày gần cuối tháng 8.

Vào ngày 5/9 tới, nhà máy cung cấp nước sạch tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên này tại Hà Nội sẽ chính thức khánh thành giai đoạn 1 với tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm. Theo kế hoạch phát triển nhà đầu tư còn muốn hướng tới công suất 1 triệu m3/ngày đêm để phục vụ nhu cầu sử dụng nước sạch của người dân nhiều tỉnh phía bắc. "Thực ra với việc áp dụng công nghệ mới nhất của châu Âu, chúng tôi khẳng định tổng công suất phải là 1,2 triệu m3, sẵn sàng cấp nước ổn định cho người dân Hà Nội là 1 triệu m3/ngày đêm", bà chủ dự án Aquaone nói với báo chí.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 2
Bà chủ Dự án Nhà máy Nước mặt Sông Đuống Đỗ Thị Kim Liên.

Những khác biệt của nhà máy nước sạch

Phóng viên có mặt trong đoàn khách tham quan dự án một ngày gần cuối tháng 8. Nhà máy này nằm trên khu đất có tổng diện tích 65 ha, phân chia làm 3 lô đất. Được biết, mỗi lô đất có một giai đoạn phát triển nhưng hiện tại dự án trông đã khá hoành tráng.

Nhìn từ trên cao, Aquaone đã hoàn tất một nửa và hoạt động từ tháng 10/2018. Ấn tượng nhất là bể chứa nước khổng lồ rộng 7.000 m2 nằm ngay trong khuôn viên, cách dòng sông Đuống chưa đầy 5 km.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 3
nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 8
Ông Đỗ Văn Định - Giám đốc dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống.

"Bể chứa nước này chỉ lớn nhất miền Bắc bởi nó thua một chút so với bể chứa nước sạch của Nhà máy Thủ Đức (TP.HCM) vốn được xây dựng từ thời kháng chiến, được cải tạo lại sau đó rồi bàn giao cho Tổng công ty cấp nước Sài Gòn quản lý, vận hành", ông Đỗ Văn Định - Giám đốc dự án giới thiệu với phóng viên.

Ngoài bể chứa 7.000 m2, dự án còn có một hồ chứa sơ lắng rộng 14 ha. Các chuyên gia của nhà máy thu thập dữ liệu trong vòng 60 năm qua để làm cơ sở đầu vào rồi đánh giá khảo sát. Theo đó, mỗi năm có khoảng 2-3 tháng nước sông rất đục. "Khi nước quá đục thì bị vượt quá khả năng của dây chuyền công nghệ, do đó bắt buộc chúng tôi phải xây dựng hồ chứa sơ lắng này", ông Định nói.

Nói một cách ví von, hồ sơ lắng lớn hơn một chút với hồ Hoàn Kiếm nhưng kè bê tông toàn bộ, đáy hồ lát đá hộc dày 0,4 m và sử dụng công nghệ chống thấm. Việc chuyển đổi giữa nước hồ với nước sông có hệ thống tự động, đo cảm biến. Với hồ chứa sơ lắng, trong trường hợp hết nước sông Đuống hoặc có sự cố gì nó vẫn có thể dự trù phục vụ được trong 6 ngày đêm.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 11

Tại trung tâm điều khiển có biển đề bên ngoài là "Phòng Scada", lúc 14h anh Dương Quang Trung và Trần Thanh Hải, hai nhân viên vận hành bơm đang mải miết với công việc của mình. Khi hỏi được biết họ đang bàn giao ca bởi vị trí này chỉ cần một người làm việc. Do dây chuyền sản xuất hầu hết là Automatic nên nhà máy không phải tốn nhiều chi phí về nhân lực. Tổng số cán bộ nhân viên từ giám đốc xuống đến bảo vệ, lao công chỉ có 50 người.

Do vậy cả một trung tâm điều khiển mà bên trong chỉ có từ 2-3 người túc trực. Trung cho biết anh làm ở đây từ tháng 10/2018 khi những mét khối nước sạch đầu tiên ra đời. Mỗi ngày Trung hoặc Hải làm 8 tiếng. công việc là ngồi máy trực theo dõi các thông số từ trạm bơm thô đầu vào đến bể lọc, thậm chí cả với hóa chất, hai anh đều có thể điều chỉnh được lưu lượng và kiểm soát chất lượng nước.

Trung tâm này tuy đang còn phải nâng cấp, xây dựng hệ thống kết nối phân kỳ 1 và phân kỳ 2 nhưng với phân kỳ 1, tất cả các giao diện công nghệ đều đã được kiểm soát.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 14
nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 19
Đoàn khách tham quan trung tâm điều khiển.

Theo quan sát, tại trung tâm điều khiển có cả sơ đồ các điểm cấp nước cho khách hàng. Hiện có 17 điểm được Aquaone bán trung chuyển để đến với nhà dân, nổi bật trong đó có Công ty nước Hà Đông, Công ty Viwaco, Công ty cổ phần nước Số 2... Dựa trên các hợp đồng đã ký kết, mọi hoạt động của nhà máy và khách hàng đều được kiểm soát dựa trên thời gian thực.

Ngoài ra, các chỉ số tại đây có thể kết nối với smartphone của lãnh đạo công ty và họ dễ dàng theo dõi được mọi hoạt động, diễn biến của nhà máy từ bất cứ nơi nào, kể cả khi đi công tác ở các quốc gia khác. Theo lời ông Định, dự kiến vào tháng 10, nơi đây sẽ trở thành một trung tâm điều khiển hiện đại hơn nữa khi đã được lắp đặt đầy đủ.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 20

Tiêu chuẩn nhà máy nước quy mô vùng

Trong câu chuyện với phóng viên, vị giám đốc dự án khẳng định họ là cơ quan đầu tiên đưa ra khái niệm với Bộ Xây dựng về "nhà máy nước quy mô vùng". Hiện ở Việt Nam do được đầu tư manh mún, nhiều nhà máy nước chỉ làm công suất đạt từ 10.000 đến 40.000 m3/ngày đêm, như vậy đã là lớn. Do đó, đề xuất của Aquaone được Bộ Xây dựng chấp thuận. Cụ thể chỉ có những nhà máy nào có công suất lớn hơn 100.000 m3 trở lên mới được gọi là "nhà máy nước quy mô vùng", bởi nó chịu trách nhiệm cho cả một vùng đô thị hay vùng dân cư chứ không phải cho chỉ một đô thị, một thành phố hay một tỉnh".

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 25

Được biết, hiện Nhà máy nước mặt Sông Đuống đã cấp nước cho người dân ở Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh. Giá bán sỉ tạm thời hiện nay là 7.700 đồng/m3 nước (chưa thuế) theo quy định của UBND TP Hà Nội.

Dựa trên các báo cáo và chỉ số đầu tư, Sở tài chính và UBND TP Hà Nội đồng ý cho Aquaone bán với giá là 10.200 đồng/m3, nhưng phải quyết toán và hoàn tất giai đoạn 1 này. Sau khi xong xuôi, giá nước sẽ về chuẩn mức đầu tư.

Hệ thống đường ống khổng lồ dưới lòng sông

Đại diện nhà máy cho biết hiện tại họ đã xây dựng được hơn 70 km tuyến ống bằng gang và thép nhập từ Thái Lan, UAE và một số nước châu Á. Tiếc rằng phóng viên không thể chụp được những tấm ảnh này vì nó chìm dưới lòng sông. Hệ thống đường ống này rất lớn, đường kính rộng tới 1,8 mét, một người cao từ 1,6 đến 1,7 mét có thể đi bộ bên trong thoải mái. Tuyến ống này hoạt động bình thường từ tháng 10/2018 đến nay.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 26
Đường ống dẫn nước từ sông vào bể.

Điều đặc biệt, công nghệ đánh chìm đường ống, lắp đặt hệ thống truyền dẫn qua ba sông Bắc Hưng Hải, sông Hồng và sông Đuống, rất kỳ công và phức tạp. Nếu như việc thi công ở con sông nhỏ nhất là Bắc Hưng Hải không có vấn đề gì đáng nói thì tại sông Đuống là khá cực nhọc. Chiều rộng của sông Đuống khoảng 200 m, chiều sâu tùy mùa, điểm giữa sâu nhất từ 15- 20 m. Riêng sông Hồng mặc dù sâu chỉ 10 m nhưng rộng nửa cây số. "Đây là thách thức kỹ thuật khiến cho giới đầu tư trước đây ở Hà Nội không dám bỏ tiền ra làm. Bởi khi sản xuất được nước sạch nhưng không truyền nó tới tay khách hàng thì cũng đồng nghĩa với sự thất bại", vị giám đốc dự án khẳng định.

Trước đó, Aquaone đã thuê đội ngũ chuyên gia, kỹ thuật, huy động nguồn lực xuất sắc từ châu Âu tới xử lý thành công việc nối thông tuyến các bờ sông lại với nhau bằng cách mở các kênh hở sâu bên dưới lòng sông Đuống, sông Hồng 6 mét. Từ đó họ cho hạ chìm toàn bộ tuyến ống xuống bên dưới lòng sông rồi khôi phục lại toàn bộ nền để cho các phương tiện giao thông đường thủy hoạt động như bình thường.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 34

Để tìm hiểu thông số cụ thể của những giọt nước sạch, phóng viên gặp nữ nhân viên hóa nghiệm Nguyễn Thị Mai. Cô làm tại Phòng Phân tích nước nguồn. Đây là nơi kiểm soát chất lượng nguồn nước đầu ra, từ khâu nước thô, bắt đầu trộn, sau lắng, sau lọc, ra đến bồn đẩy và thậm chí khi nước được chuyển ra khỏi nhà máy. Với 109 chỉ tiêu nghiêm ngặt, mỗi loại nước đều có công thức kiểm tra riêng. Ví như nước thô thì phải test độ đục, PH, còn với nước sạch sẽ đo lượng Chlorine... Do đó, trong phòng được lắp đặt cung cấp 4 vòi nước khác nhau theo 4 loại đã định.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 38
nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 41
nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 42

Chất lượng nước đạt tiêu chuẩn Bộ Y tế và châu Âu

Về chất lượng nước, đại diện nhà máy khẳng định họ đã tuân thủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế ban hành (Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống). Bản thân tiêu chuẩn của Việt Nam cũng xây dựng theo nguyên mẫu tiêu chuẩn châu Âu. "Ở các nước, người ta có thể mở vòi ở trong bếp, toilet để lấy nước uống trực tiếp thì nước của chúng tôi cũng như vậy", ông Đỗ Văn Định tuyên bố.

Còn bà Liên chia sẻ để ra được giọt nước sạch theo đúng tiêu chuẩn của Bộ Y tế và đặc biệt được thế giới công nhận không hề đơn giản. "Nhiều người dân vẫn chưa hiểu hết được giá trị của nước sạch, chưa phân biệt được nước thực sự vệ sinh và nước máy khác nhau thế nào. Bà con so nước sạch với nước ngầm sẽ bất công cho chúng tôi. Làm sao dùng nước sạch đúng nghĩa, đảm bảo sức khỏe mới là điều quan trọng", bà Liên nói.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 43
Nước sau khi xử lý ở khâu cuối cùng đưa trực tiếp lên vòi uống.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/3/2013 và Quyết định chủ trương đầu tư của UBND TP Hà Nội ngày 03/6/2016.Dự án có tổng mức đầu tư giai đoạn 1 gần 5.000 tỷ đồng (225 triệu USD), bao gồm 2 hợp phần chính: Công trình thu - trạm bơm nước thô, nhà máy nước được quy hoạch trên diện tích gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm) và tuyến ống truyền dẫn cấp 1 (đường kính từ 800 đến 1800 mm) dài 76 km phân bố trên huyện Gia Lâm; Long Biên; Sóc Sơn; Đông Anh; Hoàng Mai, Thanh Trì và khu vực Hưng Yên. Dự án sử dụng nguồn nước thô được khai thác từ sông Đuống có chất lượng và lưu lượng đảm bảo cung cấp nước cho sinh hoạt và đáp ứng các giai đoạn phát triển nâng công suất nhà máy nước đến năm 2050.

nha may nuoc mat song Duong cho ra nuoc uong tai v anh 44


Hoàng Hà

Hỗ trợ: Hà Mỹ Giang

Bạn có thể quan tâm