Dấu vết thảm kịch từ mảnh vỡ tàu Titan. Ảnh: Reuters. |
Tàu Horizon Arctic tham gia tìm kiếm chiếc tàu lặn Titan xấu số đã vận chuyển tất cả mảnh vỡ thu thập được dưới đáy biển Đại Tây Dương trở lại bến cảng ở St. John's, Newfoundland.
Cơ quan nghiên cứu Pelagic có trụ sở tại Mỹ, chủ sở hữu phương tiện tìm kiếm, cũng xác nhận hoàn thành các hoạt động trục vớt ngoài khơi sau khi làm việc suốt ngày đêm trong 10 ngày.
Theo BBC, những mảnh vỡ thu thập được có thể giúp các nhà điều tra tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vụ nổ thảm khốc trên tàu Titan khiến 5 người thiệt mạng.
Trục vớt các bộ phận quan trọng
Dù các công nhân tại bến cảng ở St. John's đã dùng vải che đống đổ nát, phóng viên BBC vẫn dễ dàng nhận dạng một số mảnh vỡ, chẳng hạn phần cửa vòm ở mặt trước chiếc tàu lặn.
Mảnh vỡ trông giống một chiếc bánh vòng bằng kim loại, với phần lỗ ở giữa là khung nhìn. Theo OceanGate, khung nhìn của tàu Titan lớn nhất trong số các tàu lặn sâu có người lái và công nghệ hiện đại trên con tàu này cung cấp “tầm nhìn vô song” về đại dương.
Hình ảnh cho thấy dây nâng của cần cẩu xuyên qua lỗ, hiện không rõ phần cửa sổ bằng acrylic đang ở đâu. Trước đó, một số chuyên gia đã lo ngại về sức chịu đựng của bộ phận này dưới áp suất ở độ sâu 4.000 m.
Mảnh vỡ tàu Titan được đưa lên bờ ở cảng St. John's, Newfoundland. Ảnh: Shutterstock. |
Bên cạnh đó, các mặt bích bằng titan cũng được trục vớt. Đây là những vòng kim loại được gắn vào hai đầu của thân tàu hình trụ làm bằng sợi carbon. Các mặt bích này cũng sẽ tiếp xúc với các cửa vòm.
Các mặt bích và mối liên kết của chúng với sợi carbon sẽ là trọng tâm của cuộc điều tra đang được chính quyền Mỹ và Canada tiến hành.
“Những phần quan trọng cần xem xét là mối liên kết giữa khung nhìn bằng acrylic và cửa vòm bằng titan, cùng mối liên kết giữa mặt bích và khoang kháng áp bằng sợi carbon”, giáo sư Blair Thornton, Đại học Southampton Vương quốc Anh, cho biết.
"Có thể thấy cả hai bộ phận đó đã được phục hồi giúp chúng ta có hy vọng tiếp tục điều tra", ông nói với BBC.
Mảnh vỡ tấm chắn trên thân tàu. Ảnh: Reuters. |
Hư hại nặng nề
Nhiều túi chứa mảnh vụn cũng được chuyển lên các xe tải tại bến cảng. Song các phóng viên BBC chưa rõ có gì bên trong.
Họ đoán rằng đó có thể là mảnh vụn từ khoang kháng áp và các nhà điều tra cần kiểm tra những mảnh vỡ này để tìm bằng chứng cho thấy quá trình tách lớp carbon, đặc biệt tại điểm tiếp xúc với các mặt bích. Các lớp sợi carbon có thể bị tách ra trong môi trường khắc nghiệt.
Một trong những bộ phận lớn hơn được đưa lên bờ là khoang thiết bị phía sau. Các bức ảnh từ bến cảng cho thấy khoang thiết bị hư hại nặng nề.
Khoang thiết bị của tàu Titan. Ảnh: Shutterstock. |
Ăng-ten kết nối mạng điện thoại vệ tinh Iridium khi tàu ngầm ở trên mặt biển nhô ra từ tàn tích của khoang thiết bị. Ăng-ten này thường được cung cấp năng lượng độc lập, song hệ thống không nhận được tín hiệu nào sau khi tàu Titan bắt đầu lặn. Đây là một dấu hiệu rõ ràng cho thấy nguy cơ thảm kịch xảy ra.
Phần khung hạ cánh chỉ còn lại những thanh chống kim loại dài được hạ xuống các xe tải trên bến cảng. Các tấm lớn màu trắng được nhìn thấy trong quá trình trục vớt là một phần của tấm ốp hoặc tấm chắn bên ngoài tàu, có nhiệm vụ che chắn các đoạn dây và ống chạy dọc bên ngoài thân tàu.
Một số người mô tả những tấm này giống các mảnh thân tàu. Tuy nhiên, các mảnh của khoang kháng áp bằng sợi carbon sẽ có màu đen, dày và cứng. Ngược lại, những tấm màu trắng này bị uốn cong khi được hạ xuống xe tải.
Trong khi đó, các phóng viên BBC không thấy thiết bị nào có khả năng chứa thi thể nạn nhân.
Mảnh vỡ khung hạ cánh của tàu Titan. Ảnh: Reuters. |
Các mảnh vỡ từ tàu Titan nằm ở độ sâu khoảng 3.810 m dưới nước và cách tàu Titanic khoảng 488 m dưới đáy đại dương, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ cho hay vào tuần trước.
Ông Carl Hartsfield thuộc Viện Hải dương học Woods Hole, một trong các chuyên gia được Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Mỹ tham khảo ý kiến trong quá trình tìm kiếm, nói rằng việc phân tích các mảnh vỡ được thu hồi có thể tiết lộ manh mối quan trọng về những gì đã xảy ra với Titan.
Vị chuyên gia cũng nhấn mạnh có thể còn dữ liệu điện tử.
“Chắc chắn tất cả thiết bị trên bất kỳ phương tiện đi biển sâu nào đều ghi dữ liệu", ông nói hôm 26/6.
Học kỹ năng sống từ những cuốn cẩm nang sinh tồn
Sách “Cẩm nang sinh tồn”, “100 kỹ năng sinh tồn”, “Sống sót” là câu chuyện của những phượt thủ, nhà thám hiểm về cách thoát hiểm và sinh tồn.