Trò chuyện với Zing.vn về câu chuyện kinh tế năm 2016, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho rằng, hội nhập đang mang lại cơ hội cho những lao động có tay nghề, nông dân năng động, doanh nghiệp có uy tín. Song câu chuyện tăng trưởng năm cũ lại làm ông suy ngẫm.
Thời cơ của thực phẩm, hàng tiêu dùng Made in Vietnam
- Nhìn lại năm 2015, ông thấy nền kinh tế của chúng ta có những điểm nổi bật gì? Lĩnh vực gì tạo cho ông nhiều cảm xúc nhất?
- Những cái được tôi sẽ không nói nữa. Tôi muốn gói gọn điều tôi quan tâm với từ suy ngẫm. Tôi suy ngẫm khi thấy GDP tăng mạnh. Vì sao? GDP tăng là dấu hiệu đáng mừng sau giai đoạn 4 năm trì trệ. Nhưng nếu GDP 2015 tăng trưởng nhỉnh hơn 2014 một chút thôi thì tôi sẽ thấy an tâm, bớt suy ngẫm hơn.
Theo chuyên gia Đinh Thế Hiển, trong hội nhập, các doanh nghiệp sản xuất tốt sẽ tạo nên uy tín, hình thành niềm tin quốc gia. |
Với tôi, 3 năm 2014-2016, tôi không đặt vấn đề tăng GDP, thậm chí mức tăng trưởng bằng nhau cũng được. Tôi đặt vấn đề cấu trúc GDP. Câu chuyện tái cấu trúc kinh tế theo hướng bền vững chính phủ đã vạch ra từ năm 2011, tức là sửa cấu trúc GDP chứ không phải tìm cách để GDP tăng mạnh. Chúng ta sửa bằng cách giảm đưa vốn vào bất động sản (BĐS) theo hướng đầu cơ, chỉ ưu tiên vào nhu cầu thật. Chúng ta tập trung vốn vào sản xuất tiêu dùng, tăng đầu tư phát triển nông nghiệp, gia tăng phát triển doanh nghiệp vừa. Hay tập trung cho y tế, giáo dục, các công trình hạ tầng kho bãi phục vụ kinh tế... nghĩa là giảm thâm dụng vốn.
Nhưng tôi đang có cảm giác GDP tăng không dựa trên thay đổi cấu trúc mà dường như có nhiều lý do tăng theo hướng thâm dụng vốn, tăng dựa trên nguồn vốn mà chúng ta đã quyết tâm giảm bớt là vốn ngân hàng.
Điều đáng nói nữa là vốn đổ vào BĐS năm nay cực mạnh so với các ngành thiết yếu. GDP đang dường như không đúng như mong muốn của chúng ta.
Còn điều nhiều cảm xúc với tôi là hàng loạt FTA được ký kết, trong đó có TPP. Song, điều này cũng khiến tôi suy ngẫm khi thời gian qua, việc đầu tư, hoàn thiện hạ tầng phục vụ cho nông nghiệp như kho bãi, chuỗi cung ứng, nhà xưởng…tạo sự sống động cho hoạt động trong ngành này chúng ta chưa làm, hoặc làm chưa đúng theo nhu cầu phát triển.
TPP chỉ còn một năm nữa có hiệu lực, bây giờ chúng ta mới đầu tư thì chậm mà việc đầu tư tập trung càng khó xoay vốn. Lẽ ra nguốn vốn đầu tư hạ tầng dài hạn, vốn cho BĐS phải được sang đầu tư hạ tầng cho nông nghiệp, để thời điểm này chúng ta sẵng sàng cho cạnh tranh.
- Nhưng chúng ta cũng đang có một làn sóng các doanh nghiệp (DN) mạnh đổ vốn đầu tư lớn vào nông nghiệp?
- Tôi lại vui chưa trọn vẹn với câu chuyện này. Hiện nay, một số DN đầu tư vào nông nghiệp đang đi theo hướng dở nhất với các nước phát triển, đó là đầu tư chiều rộng ngay từ đầu. Thực tế, nếu làm nông nghiệp bền vững thì DN hãy đi theo chiều sâu, bằng cách liên kết với nông dân. Hãy làm một cuộc khảo sát, xem những thành phần đang sản xuất nào tốt, phù hợp khâu nào thì tập hợp họ lại và hỗ trợ, nâng họ lên thành một mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng của mình, đầu tư vào cốt lõi.
Tôi đang thấy các đại gia làm nông nghiệp theo kiểu gom đất đai tạo ra những khu sản xuất, những lãnh địa buôn bán riêng rồi cạnh tranh, đè bẹp những nông dân, hộ sản xuất nhỏ lẻ, khiến giá trị gia tăng của nông nghiệp chưa được khai thác đúng.
Đầu tư cho nông nghiệp chưa xứng với tiềm năng khiến ngành lợi thế của Việt Nam lại dễ tổn thương nhất khi hội nhập. Ảnh: H.Y. |
- 2015 là năm mà hàng loạt hiệp định thương mại song phương, đa phương được ký kết, nhiều người lo ngại chúng ta sẽ khó có thể cạnh tranh, thậm chí doanh nghiệp Việt sẽ bị nuốt chửng? Ông nhìn nhận như thế nào?
- Hội nhập chính là bản chất của kinh tế thị trường, không có các FTA thì chúng ta vẫn phải chấp nhận nền kinh tế thị trường thôi. Những hiệp định này giúp chúng ta hoàn thiện nền kinh tế thị trường. Chúng ta ký kết các hiệp định nghĩa là chúng ta chấp nhận hội nhập sâu. Đây là cơ hội cho người lao động, trí thức trẻ có năng lực.
Tôi thấy vô lý khi chúng ta sợ hội nhập, sợ TPP hay AEC. Tại sao cứ có tư tưởng sợ cá lớn nuốt cá bé, mất thương hiệu quốc gia. Các tập đoàn mạnh hãy đi cạnh tranh với DN FDI, hãy chứng minh mình là DN mạnh của đất nước. Anh cạnh tranh tốt, tạo uy tín để hình thành niềm tin quốc gia, để người ta nhớ đến sản phẩm made in Vietnam chứ đừng quanh quẩn lo mất cái thương hiệu của anh.
Theo tôi, DN nên tận dụng cơ hội hội nhập để phát triển mạnh ở lĩnh vực thực phẩm, hàng tiêu dùng, tạo ra nguồn hàng hóa chất lượng có xuất xứ made in Vietnam.
- Theo ông thì ngành nào sẽ có cơ hội trong năm 2016?
- Đừng nói ngành mà hãy nói lực lượng. Theo tôi, trong năm nay và thời gian tới, trí thức có năng lực, người lao động, nông dân sẽ được hưởng lợi nhờ đổi mới. Nhưng nông dân hưởng lợi phải là những người năng động, biết tận dụng cơ hội, học hỏi, để hưởng lợi từ chuỗi cung ứng, thu mua sản phẩm của những doanh nghiệp mạnh.
Lực lượng thứ 3 tôi kỳ vọng là tiểu thương và doanh nghiệp nhỏ. Khi người lao động có thu nhập, tiêu xài thì tiểu thương nhỏ, doanh nghiệp nhỏ có cơ hội tốt để mở rộng sản xuất kinh doanh, điều này tạo nên sức cầu nội địa tăng. Đây là vấn đề quan trọng nhất.
Một nhóm được hưởng lợi nữa là doanh nghiệp sản xuất tiêu thụ nội địa có chất lượng dịch vụ, nền tảng quản trị, có uy tín được lòng người tiêu dùng trong nước. Sẽ có những quỹ đầu tư ngoại quan tâm, đổ vốn vào các doanh nghiệp nhỏ và vừa có uy tín này.
Muốn đầu tư vào BĐS, nhà đầu tư phải có nguồn vốn đảm bảo và không nên vây vốn ngân hàng vượt 50% giá trị sản phẩm. Ảnh: Lê Quân. |
Muốn kiếm tiền nhanh hãy mua khi chứng khoán giảm
- Ông nhận thấy chứng khoán sẽ ra sao. Theo ông chỉ số Vn-Index sẽ ở mức bao nhiêu điểm?
- Chứng khoán sẽ có 2-3 đợt giảm điểm mạnh, VN-Index tăng không quá 10% so với cuối 2015, vì dòng vốn nước ngoài vẫn còn đang quan sát, thận trọng. Chúng ta có 2 nguồn vốn ngoại để VN-Index tăng, đó là vốn đầu tư trực tiếp và trên sàn. Nhưng vốn này sẽ ra rất nhanh nếu họ thấy không bền vững.
Thứ hai là vốn của những quỹ đầu tư, nhưng trong năm 2016 họ chủ yếu quan sát.
Trong nước, vốn đầu tư và cả đầu cơ sẽ không mạnh do chính sách cung tiền. Ngay cả những người có tiền đã và đang mua BĐS, nếu có bán cũng sẽ chuyển tiền gửi ngân hàng chứ không đổ vào chứng khoán.
-Nói như vậy nghĩa là thị trường BĐS sẽ rất sôi động từ năm nay?
-Theo tôi, BĐS năm 2016 chưa có hy vọng, mà phải chờ 1-2 năm nữa, khi có dòng vốn ngoại dài hạn, bền vững đổ vào, chứ không phải vốn ngân hàng. Doanh nghiệp ngoại chỉ đầu tư thực sự khi nhận thấy sức cầu nội địa tăng. Họ sẽ đổ vốn vào đầu tư để bán cho người Việt Nam có nhu cầu nhà ở thật sự.
- Giới đầu tư cũng đang quan tâm thị trường vàng và ngoại tệ. Theo ông, liệu người dân có đổ xô vào vàng khi đồng USD không còn hấp dẫn, lại có nguy cơ tính phí nếu gửi ngân hàng?
- Tôi không nghĩ người dân dồn tiền vào vàng. Bởi theo tôi giá kim loại này sẽ xuống. Đơn giản, vàng phải ở mức 1.000 USD/ounce mới hợp lý. Thứ 2 là vàng luôn đi với dầu, đây là 2 nguồn lớn và quan trọng nhất của giới đầu tư. Dầu xuống, nhà đầu tư sẽ đổ tiền vào dầu nên kim loại này khó thể tăng giá được.
Riêng câu chuyện của đồng USD, tôi thấy rằng, chính sách nào không phù hợp với kinh tế thị trường, không hợp với tự nhiên của kinh tế thì sẽ tự thay đổi. Hãy nhìn đồng USD là tiền tệ chứ đừng coi nó là tài sản. Tiền tệ thì gửi ngân hàng phải có lãi chứ làm sao mà thu phí.
- Câu hỏi cũ nhưng tôi vẫn muốn hỏi lại trong năm mới, nếu có tiền, ông sẽ đầu tư vào đâu để kiếm lời?
- Không có mẫu số chung cho những người có tiền. Bạn ở vị thế nào thì nên đầu tư hợp vị trí đó. Tôi tạm chia 2 loại, một là những người có tiền và nguồn tiền là tiền an toàn, đều đặn. Hai là có tiền và đòi hỏi phải tìm kiếm lợi nhuận trên khoản tiền đó.
Với những nhà đầu tư muốn tìm kiếm lợi nhuận gia tăng thì chỉ có chứng khoán. Tôi tin khả năng năm nay có 2-3 đợt sóng, và nhà đầu tư vững tin sẽ có lợi nhuận 20-30%. Nếu những người liều, đánh margin có thể kiếm lời đến 50%. Hãy mua lúc chứng khoán xuống thấp nhất và cổ phiếu mình ưng ý giảm sâu.
Với người có nguồn tiền tương đối, lại có thu nạp thêm đều đặn thì tìm kiếm những bất động sản tốt để đầu tư. Nên mua những căn hộ được bán lại ở khâu sắp giao nhà với giá bán của năm 2015. Nhưng hãy nhớ mua bằng nguồn tiền của mình, hoặc chủ động trên 50% vốn, không nên đặt cược 70-80% vào nguồn vay ngân ngân hàng…