Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xuất khẩu năm 2016 phải tăng 10%

Theo kế hoạch của Bộ Công Thương, giá trị xuất khẩu năm 2016 phải tăng tới 10% so với năm 2015, phải mở được thêm thị trường cho các mặt hàng thế mạnh trong điều kiện hội nhập.

Báo cáo tại Hội nghị tổng kết năm của Bộ Công Thương cho biết, tổng kim ngạch xuất khẩu năm 2015 ước khoảng 162,4 tỷ USD, tăng khoảng 8,1% so với năm 2014. 23 nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu đạt trên 1 tỷ USD. Nhập siêu năm 2015 được kiểm soát tốt, cả năm nhập siêu ước khoảng 3,17 tỷ USD, tương đương 2% của kim ngạch xuất khẩu.

2015 được đánh giá là năm đạt được kết quả hội nhập kinh tế quốc tế rất tích cực khi Việt Nam đã ký kết Hiệp định thương mại tự do (FTA) với Liên minh kinh tế Á - Âu, Hàn Quốc; kết thúc đàm phán FTA với Liên minh châu Âu, kết thúc đàm phán Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Với kết quả này, Việt Nam đã có FTA với 55 nền kinh tế thế giới, trong đó có 17/20 đối tác G20 và 7/7 đối tác của G7…

Tận dụng cơ hội trong hội nhập được xem là yêu cầu quan trọng cho ngành Công Thương trong năm 2016. Ảnh: H.M.

Về nhiệm vụ sản xuất công nghiệp và hoạt động thương mại năm 2016, ngành công thương đã đề ra các mục tiêu để góp phần đạt tốc độ tăng trưởng GDP của cả nước năm 2016 tăng 6,7%.

Cụ thể, chỉ số sản xuất công nghiệp theo kế hoạch phải tăng khoảng 9-10% so với năm 2015; xuất khẩu năm 2016 đạt khoảng 178 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2015; tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu duy trì ở mức dưới 5%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ ước tăng khoảng 11,5-12%.

Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng thế chế cần tiếp tục hoàn thiện, bởi đây là hạ tầng mềm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp trong và ngoài nước đầu tư phát triển ngành công nghiệp, thương nghiệp, dịch vụ.

Về xuất khẩu, Thủ tướng yêu cầu tận dụng tối đa lợi thế, cơ hội từ thành quả hội nhập quốc tế mang lại. "Những gì còn vướng, còn khó khăn cho hoạt động xuất khẩu phải triệt để tập trung tháo gỡ, tạo mọi điều kiện để mở rộng thị trường cho các mặt hàng, trước hết là những mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giầy, đồ gỗ, nông-thủy sản…", Thủ tướng chỉ đạo.

Ngoài ra, việc nâng cao năng lực thông qua kế hoạch tái cơ cấu cũng được người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh là nhiệm vụ cần đặt trọng tâm của ngành công thương.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, đã xin chủ trương của Bộ Chính trị sẽ ký TPP vào ngày 4/2/2016 và nhận được sự ủng hộ rất cao từ Bộ Chính trị. Mục tiêu đàm phán Việt Nam đưa ra cũng rõ ràng, nghiêm túc, chân thành.


Hạ Minh

Bạn có thể quan tâm