Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Đầu tư mạnh cho... vịt

Cùng với lúa gạo, xoài, hoa kiểng và cá tra, tỉnh Đồng Tháp lại vừa quyết định chọn con vịt vào danh sách năm ngành kinh tế chủ lực để tập trung đầu tư.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Công, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đồng Tháp - cho biết: Đàn vịt của Đồng Tháp hiện có 5-7 triệu con, đứng thứ ba cả nước, sau tỉnh Thái Bình và Kiên Giang. Chất lượng thịt vịt chạy đồng thơm, ngon, săn chắc hơn vịt nuôi công nghiệp, được tiêu thụ trên phạm vi cả nước và chưa bao giờ có tình trạng dội chợ.

- Cho đến nay chưa thấy ai làm giàu với nghề nuôi vịt chạy đồng cả, vì sao lại chọn con vịt thay vì cây trồng hay vật nuôi khác, thưa ông?

- Mỗi năm Đồng Tháp sản xuất hơn 500.000 ha lúa (ba vụ). Dù hầu hết diện tích lúa được thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp, nhưng tỉ lệ thất thoát sau thu hoạch khoảng 7%, có nơi lên tới 10%.

Với sản lượng lúa thu hoạch hằng năm đạt 3,3 triệu tấn, tỷ lệ lúa thất thoát trên đồng khi thu hoạch lên tới hàng trăm ngàn tấn, không thể thu hồi được. Chỉ có con vịt mới ăn được số lúa này. Không nuôi vịt, không thả vịt vào ruộng ăn thì lãng phí nguồn thức ăn rất lớn.

Anh Nguyễn Văn Liếp (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) nuôi đàn vịt thả đồng hơn 5.000 con.

Anh Nguyễn Văn Liếp (huyện Tân Hồng, Đồng Tháp) nuôi đàn vịt thả đồng hơn 5.000 con.

Tôi cho rằng khi đã được đầu tư căn cơ hơn thì nông dân sẽ khá lên nhờ nuôi vịt. Ngoài ra ngành chế biến thực phẩm từ vịt, trứng vịt cũng có cơ hội phát triển theo.

Trước đây nông dân cho người nuôi vịt thả vào ruộng của mình cho ăn lúa rụng thoải mái.

Tuy nhiên, những năm gần đây, chủ ruộng thường “bán đồng” sau khi thu hoạch với giá trung bình khoảng 600.000 đồng/ha.

Người nuôi vịt sẽ đăng ký, trả tiền trước rồi thả đàn vịt của mình vào ngay khi máy gặt đập liên hợp rút đi.

Người nuôi vịt giăng lưới xung quanh ruộng để vịt ăn tự do trên cánh đồng mà họ đã mua trong khoảng một tuần.

Ngoài ăn lúa rơi rụng, vịt còn tìm được các loại thức ăn khoái khẩu như cá, ốc... Hầu hết người nuôi vịt chạy đồng đều có lãi khá. 

- Hầu hết địa phương tại ĐBSCL đều nuôi vịt chạy đồng, con vịt của Đồng Tháp có gì hơn các tỉnh trong vùng để có thể cạnh tranh?

- Hiện chúng tôi đang triển khai nghiên cứu chuỗi giá trị của vịt, nên chưa có cơ sở để nói vịt Đồng Tháp có gì nổi trội hơn vịt ở các tỉnh khác. Tuy nhiên theo tôi, đàn vịt chạy đồng ở ĐBSCL hiện nay không có sự khác biệt về giống, trọng lượng hay chất lượng thịt.

Tiềm năng và nguy cơ cũng như nhau thôi. Chúng tôi chọn vịt là ngành hàng chủ lực của kinh tế nông nghiệp, là muốn tạo ra sự khác biệt từ khâu chọn giống đến kỹ thuật nuôi và đầu ra của sản phẩm. Làm được điều này cũng có nghĩa là tạo ra yếu tố tăng tính cạnh tranh đáng kể cho vịt Đồng Tháp.

- Vì sao không đầu tư cho việc nuôi vịt quy mô công nghiệp khép kín. Đàn vịt chạy đồng có những ưu điểm và hạn chế gì, thưa ông?

- Vịt nuôi nhốt có chất lượng thịt không thể bằng vịt chạy đồng. Hơn nữa nếu phát triển nghề nuôi vịt công nghiệp, đàn vịt Đồng Tháp sẽ không thể cạnh tranh với đàn vịt nuôi công nghiệp ở các tỉnh miền Đông Nam bộ.

Chúng tôi muốn tận dụng nguồn thức ăn bị rơi rớt trên ruộng để giảm chi phí đầu tư, tăng khả năng cạnh tranh.

Dù tương đối dễ nuôi, chất lượng thịt thơm ngon, nhưng vịt thả đồng cũng có nhiều nhược điểm. Chẳng hạn giống vịt nhỏ con, nhẹ ký, ít thịt, dễ bị bệnh, do môi trường nuôi không tốt. Vì vịt nhỏ và ít thịt nên khó chế biến món vịt quay (người tiêu dùng Việt Nam rất thích) hay các món cần nhiều thịt.

Ông Nguyễn Văn Công.

Ông Nguyễn Văn Công.

Đó cũng là lý do khiến ngành chế biến thực phẩm sử dụng thịt vịt, trứng vịt chưa có điều kiện phát triển. Hậu quả là giá vịt thịt và trứng vịt vẫn ở mức thấp, người nuôi chưa làm giàu được với nghề nuôi vịt.

- Liệu Đồng Tháp sẽ làm thay đổi hình ảnh và giá trị con vịt chạy đồng khi quyết định chọn đây là sản phẩm chủ lực của ngành nông nghiệp?

- Khi đưa ra bàn bạc, góp ý đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp cũng có rất nhiều ý kiến băn khoăn, không đồng tình với việc chọn con vịt và cũng lo ngại tính khả thi của đề án. Quan điểm của tôi là nếu sợ thất bại mà không làm sẽ không có thành công.

Nếu chờ người ta làm rồi làm theo thì còn gì cơ hội, còn gì lợi thế cạnh tranh nữa. Có thể quá trình thực hiện đề án tái cơ cấu nông nghiệp sẽ gặp nhiều khó khăn với con vịt. Nhưng tôi tin Đồng Tháp sẽ thành công với sự chọn lựa này.

- Giải pháp gì để phát triển nghề nuôi vịt như kỳ vọng, thưa ông?

- Cũng như với lúa gạo, cá tra, hoa kiểng và xoài, chúng tôi sẽ nghiên cứu chuỗi giá trị của con vịt và tiến hành lai tạo, chọn tạo giống vịt chạy đồng có trọng lượng lớn hơn vịt hiện nay, dễ nuôi, sức đề kháng tốt, nhiều thịt, thịt thơm ngon.

Riêng với vịt đẻ phải cho trứng to, lòng đỏ có chất lượng cao, đẻ nhiều hơn 200 trứng mỗi năm... Ngoài ra chúng tôi cũng sẽ phát triển các doanh nghiệp giết mổ, chế biến vịt thịt, chế biến thực phẩm với trứng vịt. Khi vịt Đồng Tháp đã tạo ra sự khác biệt, sẽ phải xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng biết mà tìm và chọn lựa.

- Nhưng nếu tăng đàn vịt thả đồng cũng sẽ tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh trên gia cầm và làm ô nhiễm nguồn nước?

- Đây cũng chính là mối băn khoăn mà Ban điều hành đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Đồng Tháp đang bàn mà chưa thống nhất được giải pháp.

Theo tôi, để hạn chế những nhược điểm này, không thể thả vịt chạy đồng quanh năm mà theo mô hình “lúa - vịt - lúa”, tức là vụ đông xuân làm lúa, vụ hè thu nuôi vịt thay vì sản xuất lúa (vụ này nông dân thường thua lỗ), vụ thu đông lại sản xuất lúa. Cách này sẽ giúp cải tạo đất, tốt cho lúa hơn và cũng quản lý được dịch bệnh của vịt.

Để làm được điều này cần hình thành các trang trại làm nông nghiệp quy mô tối thiểu 3 ha. Nhà nước đã hỗ trợ 2 triệu đồng/ha nếu nông dân chuyển từ trồng lúa sang trồng màu, nên có thể xây dựng cơ chế hỗ trợ người thực hiện mô hình “lúa - vịt - lúa”.

Khi đó Nhà nước cũng không cần đầu tư xây dựng đê bao chống lũ, để nước chảy tự nhiên vệ sinh đồng ruộng. Cua, cá, ốc, cây thủy sinh cũng sẽ sinh sản tự nhiên tạo nguồn thu nhập thêm cho nông dân và thức ăn cho vịt.

- Đồng Tháp có tính đến phương án liên kết với một vài tỉnh lân cận có thế mạnh về nuôi vịt chạy đồng, để cùng nghiên cứu các mô hình tổ chức sản xuất cũng như kiểm soát dịch bệnh?

- Liên kết vùng lại chính là điểm yếu nhất của các tỉnh ĐBSCL. Tuy nhiên với con vịt, tôi cho rằng có thể liên kết vùng ở hai lĩnh vực, gồm: con giống và kiểm soát dịch bệnh. Theo đó, một vùng chỉ cần một cơ sở giống chất lượng.

Sản xuất giống quy mô lớn, số lượng lớn sẽ giúp giá thành giảm và quản lý được chất lượng. Cả vùng sẽ hình thành các trung tâm kiểm soát dịch bệnh, cung cấp thuốc tiêm ngừa, tiêu độc, sát trùng... và làm bài bản sẽ tránh được tình trạng tỉnh này vừa làm vừa ngó sang tỉnh kia dò xét, hoặc đuổi vịt ra khỏi ranh giới tỉnh mình để tỉnh kia chịu trách nhiệm. 

Sẽ thay đổi quan điểm về nghề nuôi vịt

Theo ông Nguyễn Văn Công, địa phương này đã có nhiều chính sách hỗ trợ chăn nuôi hộ.

Tuy nhiên, lĩnh vực chăn nuôi vịt chạy đồng chưa có chính sách gì ngoài tập huấn kỹ thuật, phòng ngừa dịch bệnh, tiêm phòng và hỗ trợ khi có rủi ro, dịch bệnh... Tới đây khi triển khai thực hiện đề án, Nhà nước sẽ hỗ trợ con giống sạch bệnh, chất lượng cao, hướng dẫn kỹ thuật nuôi, tìm đầu ra cho sản phẩm...

“Chúng tôi sẽ quyết tâm làm thay đổi câu nói trong dân gian là “nghèo mới nuôi vịt” bằng “nuôi vịt để khá, để giàu” sau khi đề án này được triển khai”, ông Công nói.

Bò cười, người khóc

Ai đó đã nói như vậy khi biết rằng, các sản phẩm chăn nuôi ngoại nhập đang vào nước ta ngày một nhiều, lấn át sản phẩm nội địa. Đặc biệt là thịt bò.

http://tuoitre.vn/tin/kinh-te/20150513/dau-tu-manh-cho-vit/746262.html

Theo Vân Trường/Tuổi Trẻ

Bạn có thể quan tâm