Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

VOICES

Đầu tư cho TP.HCM để nâng tầm cạnh tranh quốc gia

Cần đưa TP.HCM trở thành đô thị có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, để đây là nơi sẽ tạo ra “chiếc bánh” lớn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia.

nang ty le ngan sach giu lai cho TP.HCM anh 1

Đầu tư cho TP.HCM để nâng tầm cạnh tranh quốc gia

Cần đưa TP.HCM trở thành đô thị có vị thế và năng lực cạnh tranh tốt hơn, để đây là nơi sẽ tạo ra “chiếc bánh” lớn và nâng cao năng lực cạnh tranh cho quốc gia.

nang ty le ngan sach giu lai cho TP.HCM anh 2

nang ty le ngan sach giu lai cho TP.HCM anh 3

Huỳnh Thế Du

Giảng viên chính sách công

  • Facebook
  • Ông Huỳnh Thế Du, giảng viên Trường Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright, thường xuyên tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông nhận bằng thạc sĩ quản lý công tại Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sĩ tại Trường Kiến trúc Harvard năm 2013.

Sự cạnh tranh giữa các quốc gia thu hút 3 đối tượng quan trọng: các doanh nghiệp đến tổ chức hoạt động kinh doanh, người lao động trình độ tay nghề cao, và những người khá giả. Về bản chất, cạnh tranh giữa các nước trên phạm vi toàn cầu chính là sự cạnh tranh giữa những trung tâm kinh tế (thành phố lớn hay siêu đô thị) của từng nước.

Khi xét về tính cạnh tranh của một đô thị trung tâm cần dựa trên hai tiêu chí chính. Tiêu chí đầu tiên là năng suất cao, khi đô thị này có khả năng giúp doanh nghiệp tạo ra lợi nhuận cao, giúp người lao động tìm được công việc tốt, thu nhập cao và cơ hội thăng tiến tốt. Tiêu chí thứ 2 là môi trường sống tốt, xét trên tiêu chuẩn toàn cầu.

Cho nên, câu chuyện cạnh tranh giữa mỗi quốc gia trở thành câu chuyện về địa phương tiên phong, đi đầu. Trong trường hợp Việt Nam, chúng ta cần dành đủ nguồn lực cho sự phát triển, và một cơ chế đủ linh hoạt, tăng sự tự chủ của địa phương, để đưa ra quyết sách.

Xét trường hợp cụ thể về TP.HCM, vấn đề không chỉ là cạnh tranh với Hà Nội, Bình Dương, hay Đồng Nai (mà sẽ chính xác hơn nếu nói rằng đó là sự hợp tác với các địa phương), mà thành phố phải cạnh tranh với các đô thị khác trên thế giới như Bangkok (Thái Lan), Jakarta (Indonesia), Manila (Philippines); hoặc ở mức độ cao hơn là cạnh tranh với Singapore (Singapore), Hong Kong hay Thượng Hải (Trung Quốc), Seoul (Hàn Quốc) hay cao hơn nữa là Tokyo (Nhật Bản).

Muốn vậy, TP.HCM phải hợp tác với các địa phương trong vùng và các địa phương khác trong nước, chứ không phải là cạnh tranh. Chúng ta cần nhớ rằng, các doanh nghiệp, lực lượng lao động có kỹ năng cao và người khá giả luôn có lựa chọn bên ngoài Việt Nam chứ không chỉ là trong nước.

Đặt trong bối cảnh môi trường kinh doanh ở Việt Nam còn một số bất cập, và môi trường sống ở khắp các tỉnh, thành chưa đồng đều, thì sự cạnh tranh chỉ tập trung ở các đô thị trung tâm, mà cụ thể là ở TP.HCM. Do vậy, cần bảo đảm một môi trường kinh doanh, môi trường sống tốt, cạnh tranh tốt cho thành phố để thu hút các doanh nghiệp.

Để đạt được như vậy cần một điều kiện cần, chính là phải có đủ nguồn lực - đặc biệt là nguồn lực tài chính. Ngân sách địa phương phải đủ để đáp ứng nhu cầu chi tiêu thường xuyên của thành phố, đáp ứng nhu cầu đầu tư bảo đảm nhu cầu cơ sở hạ tầng cứng - đặc biệt là giao thông, với hai nhóm giao thông cơ bản gồm giao thông kết nối với những vùng khác để tạo ra sự lan tỏa, và giao thông đô thị.

Chúng ta thấy rõ rằng nguồn lực dành cho TP.HCM trong giai đoạn qua khá thấp. Trong gần ba thập niên qua, chi tiêu ngân sách của cả Việt Nam khoảng 25%-30% GDP, trong khi con số này với TP.HCM chỉ là 6%-8% - tương đương mức 1/4 cả nước.

Tại các thành phố mang lại cơ hội phát triển cao cho người dân, mức chi ngân sách trên GDP đều trên 10%, mà thường trong khoảng 15%-20% GDP của thành phố đó.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du

Nếu chúng ta nhìn vào các bài học thành công trên thế giới, như một nghiên cứu của tôi về việc hình thành các siêu đô thị trong khu vực (Seoul, Thượng Hải, Manila, Jakarta và TP.HCM), tôi nhìn thấy một xu hướng rất rõ: Tại các thành phố mang lại cơ hội phát triển cao cho người dân, mức chi ngân sách trên GDP đều trên 10%, mà thường trong khoảng 15%-20% GDP của thành phố đó.

Chẳng hạn, Bắc Kinh và Thượng Hải được sự đầu tư lớn trong hơn ba thập kỷ qua, nên hai thành phố này có tốc độ phát triển nhanh. Trong khoảng 20 năm qua, mức chi ngân sách của Trung Quốc trong khoảng 23% GDP, nhưng Bắc Kinh và Thượng Hải được chi khoảng 21% trong mức GDP của mình. Nếu quy đổi ra giá trị thực thì con số này lớn hơn nữa.

Nếu nhìn tốc độ phát triển của hai đô thị này so với TP.HCM, thì thành phố chỉ được khoảng 1/3, và nằm trong cùng nhóm so sánh gồm Jakarta, Manila, Bangkok. Nghĩa là chi ngân sách không đủ đáp ứng những nhu cầu và bức thiết trước mắt nên phần đầu tư cho tương lai, nâng cao năng lực cạnh tranh của thành phố là rất khiêm tốn.

Điều này thậm chí có thể dẫn đến tác động ngược, khi thành phố luôn phải giải quyết những vấn đề hàng ngày, như tắc nghẽn, kẹt xe, ô nhiễm không khí, sự bức bối hàng ngày v.v… Nên câu chuyện của TP.HCM được bàn nhiều năm qua là mức ngân sách được giữ lại giảm dần (hiện còn 18% sau nhiều lần điều chỉnh giảm), và chi tiêu so với GDP rất eo hẹp, so với các đô thị lớn trong khu vực.

Tại cuộc họp hôm 13/5 giữa Thủ tướng Chính phủ với lãnh đạo TP.HCM và cuộc tiếp xúc giữa Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc với cử tri thành phố ngày 14-15/5, hai nhà lãnh đạo đều đồng tình rằng TP.HCM cần được giữ lại mức ngân sách lớn hơn.

Mức ngân sách giữ lại lớn hơn không phải là chỉ cho riêng TP.HCM. Bản chất trọng tâm chính là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam. Chúng ta cần đưa TP.HCM có vị thế tốt hơn, năng lực cạnh tranh tốt hơn, để đây là nơi sẽ tạo ra “chiếc bánh” lớn hơn, năng lực cạnh tranh lớn hơn cho quốc gia; từ đó dẫn đến kết quả là năng lực cạnh tranh của Việt Nam tăng lên.

Nên việc đầu tư cho TP.HCM chính là để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam so với các nước khác, các vùng đô thị, trung tâm kinh tế khác trên thế giới.

Mức ngân sách giữ lại lớn hơn không phải là chỉ cho riêng TP.HCM. Bản chất trọng tâm chính là nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và củng cố vị thế của Việt Nam.

Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du

Cũng cần lưu ý rằng khi nhìn vào mục tiêu phát triển không để ai bị tụt lại phía sau, nghĩa là cần phải chăm lo tới những người có hoàn cảnh khó khăn hơn ở vùng sâu, vùng xa. Để thực hiện được mục tiêu này, thì ngân sách không chỉ được tính ngắn hạn 1, 2 năm mà là cả một quá trình.

Nếu cắt nhiều ở những nơi như TP.HCM mà dành nhiều hơn cho những địa phương khó khăn, có thể dẫn đến hệ lụy là “chiếc bánh” sẽ không thể to lên, thì phần điều phối và hỗ trợ cho các địa phương khác cũng sẽ không được nhiều.

Nên vấn đề là cần đạt được sự hài hòa, để vừa bảo đảm nguồn để hỗ trợ các địa phương và đối tượng khó khăn (trong đó trách nhiệm hỗ trợ của TP.HCM là đương nhiên), nhưng cũng cần cơ chế để TP.HCM giữ lại đủ nguồn ngân sách để tái đầu tư cho sự phát triển. Có nghĩa là cần làm “chiếc bánh” to thêm, và vẫn bảo đảm chia phần công bằng.

Việc đảm bảo sự cân bằng không phải chuyện dễ. Tuy nhiên, nếu chiếc bánh có thể to lên, thì những người được chia tỷ lệ nhỏ vẫn thực nhận phần nhiều hơn. Còn nếu chúng ta cố gắng phân chia đồng đều, thì những nơi có tiềm năng và lợi thế, có năng lực phát triển, sẽ không nhận đủ nguồn lực. Nếu chiếc bánh nhỏ lại, tất cả đều thiệt. Đó là triết lý cho sự phát triển.

Do vậy, sau một thời gian dài tìm hiểu về phân bổ ngân sách ở Việt Nam và sự phát triển của TP.HCM, tôi nhận thấy việc để cho thành phố giữ lại một khoản ngân sách tương xứng với nhu cầu, khai thác tiềm năng và thế mạnh của thành phố cho sự phát triển, là điều rất cần thiết.

Huỳnh Thế Du

Đồ họa: Hà My

Bạn có thể quan tâm